Dự phiên giải trình có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ngành của tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Từ năm 2006 đến hết tháng 6-2022, trên địa bàn tỉnh có 395 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách Nhà nước được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 61.153 tỷ đồng. Đến nay đã có 255 dự án hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 65% tổng dự án, với tổng mức đầu tư trên 23.680 tỷ đồng, đạt 38,7% tổng vốn đăng ký. Nhiều dự án có quy mô đi vào sản xuất, kinh doanh đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên công tác quản lý, tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập, chưa phát huy tối đa hiệu quả các dự án đầu tư. Trong đó có 48 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư có tiến độ chậm và rất chậm; 33 dự án đầu tư có tiến độ chậm.
Các đại biểu dự phiên họp.
Tại phiên họp, các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan giải trình, làm rõ các nội dung như: Công tác phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước trong việc thẩm định, lấy ý kiến về các điều kiện, trình tự thủ tục trước khi trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Việc thu hồi và chấm dứt các dự án đầu tư không đảm bảo tiến độ; làm rõ nguyên nhân việc chậm hoàn thành dự án, không thực hiện đầu tư của một số dự án từ 5 đến 12 năm nhưng chưa thực hiện thu hồi hoặc chấm dứt đầu tư; nguyên nhân vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng một số dự án; một số dự án có thời gian thực hiện kéo dài, chưa đưa vào hoạt động đúng thời gian ghi trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư....
Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND thành phố Tuyên Quang đã trao đổi, giải trình và đưa ra các nhóm giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phân loại, rà soát các dự án đã có quyết định chủ trương (chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư) đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, kiên quyết thu hồi dự án đối với nhà đầu tư không còn phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai dự án; tăng cường quản lý, giám sát, hậu kiểm tiến độ đầu tư, định kỳ đánh giá đầu tư bảo đảm quản lý chặt chẽ từ khi nghiên cứu lập dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đến khi thực hiện xong dự án đầu tư theo quy định.
Cùng với đó, thực hiện kiểm tra, phân loại, xử lý đối với từng dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa giải phóng mặt bằng để thu hồi, hủy bỏ các quyết định và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan phải dừng thực hiện dự án theo quy định của pháp luật; rà soát, đôn đốc các dự án đã giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng chí Lê Thị Kim Dung cũng yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc, giám sát đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, cam kết thực hiện để sớm đưa dự án vào sử dụng theo tiến độ và quy định của pháp luật. Trường hợp chủ đầu tư chậm, không phối hợp thực hiện thì tổ chức kiểm tra, xử phạt, ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án…
Gửi phản hồi
In bài viết