Hình thành vùng sản xuất hàng hóa
Vùng ven đô thị là nơi liên kết giữa khu vực nội thành và ngoại thành về kinh tế - xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm sạch, an toàn cho cư dân nội thành, các khu đô thị mới liền kề và dân cư phi nông nghiệp tại chỗ. Do đó, đầu tư phát triển nông nghiệp ven đô trong quá trình đô thị hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Tuyên Quang, bảo đảm cải thiện mức sống của người dân.
Thông qua việc khảo sát nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nội thành, UBND phường Hưng Thành đã đồng hành cùng người dân phát triển vùng trồng rau an toàn đạt hơn 20ha. UBND phường giao cho HTX Sản xuất và Dịch vụ Hưng Thành chủ động kết nối với Siêu thị Tuyên Quang, các tiểu thương bán rau, quả tại chợ đêm trên địa bàn cung ứng các sản phẩm nông nghiệp, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản của phường. Anh Lê Đình Thanh, tổ 8, phường Hưng Thành trồng rau an toàn phấn khởi bảo, người tiêu dùng bây giờ rất sành ăn. Rau sản xuất theo hướng an toàn dù có đắt hơn so với các rau thường trên thị trường thì vẫn được người tiêu dùng, tiểu thương lựa chọn. Vì thế anh trồng 15 sào rau nhưng không bao giờ lo ế. Từ nay đến Tết mà rau vẫn đắt như dịp này thì doanh thu năm nay của gia đình anh đạt hơn 500 triệu đồng, tăng 100 triệu đồng so với các năm trước.
Nhận thấy nhu cầu hoa Tết và nhu cầu tham quan, giải trí, chụp ảnh của người dân thành phố ngày càng cao, từ nhiều năm nay, thay vì trồng các sản phẩm nông nghiệp thu hoạch lấy sản phẩm thì người dân phường Nông Tiến chuyển sang trồng đào Tết và một số loại hoa ngắn ngày. Đồng chí Bùi Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Nông Tiến cho biết: Để thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh, các hộ dân đã cải tạo vườn đào sạch đẹp, gọn gàng, đa dạng các loại đào thế. Nhờ vậy nhiều khách hàng tìm đến, hiệu quả của mô hình cũng nhờ thế được tăng cao. Với trên 13 ha, cây đào cảnh trở thành loại cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trung bình mỗi vườn đào cho doanh thu từ 100-150 triệu đồng, nhiều hộ đạt 300- 400 triệu đồng/năm.
Ông Đoàn Minh Tuyển, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Tuyên Quang cho biết, phát huy lợi thế, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của địa phương, thành phố Tuyên Quang đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn. Đến nay, thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô tương đối lớn, giá trị kinh tế cao. Trong đó, vùng sản xuất rau an roàn đạt 60,6ha, vùng trồng cây ăn quả 367ha; trồng hoa, cây cảnh 31,4ha, vùng sản xuất lúa chất lượng cao gần 400ha... Các vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn thành phố tập trung nhiều ở các phường Ỷ La, Tân Hà, Nông Tiến, Đội Cấn và xã Kim Phú, Thái Long...
Phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn
Phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ cao là định hướng được thành phố Tuyên Quang hướng tới khi mà nhu cầu những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn chất lượng ngày càng tăng. Đến nay, nhiều nông dân trên địa bàn đã thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận cách thức sản xuất mới, tiên tiến vào canh tác.
Mô hình trồng dưa leo tại xã Kim Phú thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua hết đến đó.
Trên cánh đồng sản xuất dưa leo xã Kim Phú của anh Trần Văn Hòa, hàng chục người lao động làm việc tại đây đang nhanh tay thu hái quả để kịp giao cho đơn vị thu mua. Anh Hòa bảo, toàn bộ 4 ha dưa được chăm sóc theo quy trình an toàn. Nhưng muốn quả dưa ngon, giòn, ăn đậm vị cần tăng cường bón phân hữu cơ, tuân thủ nguyên tắc 4 “đúng”- đúng loại, đúng lượng, đúng thời điểm và bón đúng cách. Đồng thời, không lạm dụng phân bón hóa học, không dùng giống biến đổi gen, không dùng chất kích thích sinh trưởng, không dùng các loại thuốc diệt cỏ, cũng như thuốc trừ sâu. Đặc điểm của giống dưa leo là cây trồng ngắn ngày, lại cần cung cấp đủ nước và phòng bệnh tốt nên đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc rất cao.
Để có được mùa dưa bội thu như năm nay anh Hòa phải thuê 15 - 30 lao động làm việc hàng ngày. Từ khâu nhổ cỏ, bón phân, tưới nước đến thu hái đều được chăm sóc tỉ mỉ. Vụ dưa này được mùa, được giá nên sản lượng dưa thu được đạt khoảng 150 tấn, với giá bán từ 13-15 nghìn đồng/kg, anh thu được gần 2 tỷ đồng. Nói về dự định trong tương lai, anh Hòa cho biết, sau khi 4ha dưa này tàn anh cho đất nghỉ và cải tạo đất. Đồng thời anh thuê thêm 2ha đất liền kề để xuống giống vụ dưa mới. Tới đây, anh Hòa hướng tới thành lập tổ nhóm sản xuất dưa an toàn Kim Phú, trước mắt tập trung đào tạo kỹ thuật trồng dưa cho bà con để khi người dân biết cách chăm sóc anh sẽ liên kết với người nông dân để trồng dưa, anh Hòa sẽ là đầu mối bao tiêu sản phẩm.
Cũng tại xã Kim Phú, mô hình trồng rau, chăn nuôi theo hướng VietGAP của chị Nguyễn Thị Dung đã chứng minh ưu thế vượt trội khi sản phẩm chị làm ra không đủ bán. Chị Dung khoe, trang trại chăn nuôi, trồng trọt của chị rộng khoảng 3ha, được thiết kế trồng trọt, chăn nuôi khép kín. Chị trồng đủ các loại rau theo mùa như rau cải canh, cải mèo, cải ngọt, bắp cải, su hào, đậu đỗ, bầu trắng, bí ngô, ngô nếp... Chị thiết kế hệ thống ao lưu thông nước thành nhiều ngăn để chăn nuôi cá, tôm; làm hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà. Ngoài ra, chị còn đầu tư chăn nuôi thêm bò KOBE, nuôi lợn ở phường An Tường. Toàn bộ sản phẩm nông nghiệp của chị đáp ứng đủ các tiêu chí khắt khe của tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho bếp ăn của một số công ty trên địa bàn...
Có thể nói, bằng sự năng động, linh hoạt, các địa phương vùng ven đô đã và đang xây dựng phát triển những mô hình nông nghiệp an toàn, đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo sự bứt phá trong việc nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Phát triển vùng chuyên canh không chỉ cung ứng thực phẩm cho thị trường mà còn là cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm, bảo đảm nâng cao giá trị gia tăng cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết