Bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông

- Miền Bắc đón các đợt rét sớm, do nền nhiệt độ thay đổi khiến đàn vật nuôi giảm sức đề kháng gây nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Trước tình hình đó, các ngành, địa phương đã chủ động xây dựng phương án phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói rét cho vật nuôi.

Huyện Na Hang hiện có 11.403 con trâu, trên 3.400 con bò; gần 40.000 con lợn; 203.294 con gia cầm. Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã triển khai các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi. Anh Nguyễn Văn Hiếu, thôn Bản Thác, xã Yên Hoa nuôi 10 con trâu vỗ béo và 30 con dê. Để ứng phó với đợt rét đậm, rét hại, những ngày này, anh Hiếu đưa đàn vật nuôi về chuồng, cắt cỏ tươi về cho ăn. Trước đó, gia đình đã triển khai tiêm phòng đầy đủ cho cho đàn vật nuôi; gia cố, che chắn lại chuồng trại để tránh gió lùa. Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi, anh Hiếu cũng tích cực bổ sung thêm thức ăn đặc biệt là tinh bột và muối. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi trong những tháng mùa đông, gia đình anh Hiếu còn tận dụng đất bờ vạt ven đồi để trồng cỏ voi, mua máy băm cỏ về chế biến thức ăn cho vật nuôi.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lâm Bình hướng dẫn người dân chăm sóc đại gia súc trong mùa đông.

Ông Lương Hải Tuyên, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cho biết, hiện gia đình đang chăn nuôi hơn 20 con trâu, bò vỗ béo, hằng năm xuất bán và thu lãi từ 120 - 200 triệu đồng. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, những đợt rét đến sớm, gia đình đã chủ động quây khu chuồng nuôi bằng bạt; thường xuyên dọn dẹp khu chuồng nuôi, dùng chế phẩm vi sinh xử lý phân, chất thải để chuồng trại sạch sẽ tránh bệnh cho đàn vật nuôi. Để chủ động nguồn thức ăn trong những tháng đông giá rét, gia đình ông trồng 1,3 ha cỏ Pax chong 1, ngoài ra gia đình chủ động thu mua cây ngô sinh khối vụ đông để ủ chua tích trữ trong những tháng mùa đông.

Ngoài chuẩn bị đầy đủ thức ăn thì công tác tiêm phòng các bệnh thường xuyên xuất hiện trên đàn vật nuôi vào mùa đông như: dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm… là việc rất quan trọng.

Gia đình anh Phạm Văn Hợi, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành (Sơn Dương) cho biết, để phục vụ nhu cầu tiêu thụ gà vào dịp Tết, gia đình anh vừa mua 7.000 con gà giống. Theo kinh nghiệm chăn nuôi, ở giai đoạn này trời bắt đầu trở rét, gà giống mới bắt về còn nhỏ rất dễ chết. Để gà không bị chết rét, cần ủ ấm cho gà con bằng đèn sưởi; chuồng trại chăn nuôi phải được quây kín gió, tùy vào lứa tuổi của gà mà tiến hành tiêm các loại vắc xin theo đúng khuyến cáo của ngành thú y như: vắc xin phòng cúm H5N1, H5N6, tụ huyết trùng… Ngoài ra, trong thời gian mùa rét cần cung cấp thêm cho đàn gà vitamin, khoáng chất để gà khỏe mạnh.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có tổng đàn bò trên 39.500 con, đàn trâu trên 93.700 con; đàn lợn trên 516.300 con; tổng đàn gia cầm 6,4 triệu con. Do số lượng vật nuôi khá lớn nên nếu xảy ra dịch bệnh sẽ thiệt hại nặng nề. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bám sát diễn biến thời tiết tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và diễn biến phức tạp của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở các khu dân cư để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống dịch bệnh và đói, rét cho vật nuôi; đặc biệt chú trọng các địa phương vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét. Đến nay toàn tỉnh đã thực hiện tiêm phòng vụ Đông - Xuân đạt trên 60%.

Ông Lương Hải Tuyên, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) quây bạt và chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông.

Theo Chi cục Chăn nuôi  và Thú y tỉnh, để phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm chuyển mùa, ngoài tiêm vắc xin, người dân cần nhập giống nuôi tại các cơ sở uy tín và đã được kiểm định bởi cơ quan thú y, lúc mới nhập giống cần nuôi cách ly theo dõi, nếu ổn định mới nhập vào đàn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Trạm Thú y huyện nếu đàn vật nuôi có các biểu hiện bất thường để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo dự báo, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, các đợt rét đậm, rét hại, mưa phùn và độ ẩm cao có thể xảy ra. Vì vậy, người chăn nuôi cần thận trọng, không chủ quan trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đề cao cảnh giác với các yếu tố dễ phát sinh dịch bệnh, chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.     

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục