Bài 1:Thêm nguồn lực để tu bổ, tôn tạo
Xã hội hóa để phát triển
Khu di tích Quốc gia Động Tiên, xã Yên Phú (Hàm Yên) đã thực hiện thu phí từ hơn chục năm trước. Thời gian đầu, việc thu phí được áp dụng theo Nghị quyết 10/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quy định mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trước năm 2022, việc thu phí được giao về cho xã quản lý. Từ năm 2020 Di tích Quốc gia Động Tiên thuộc phân cấp quản lý của UBND huyện, giao cho Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh huyện quản lý… Tuy nhiên, từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát, việc thu phí tạm dừng do lượng khách đến với danh thắng này khá thưa vắng.
Không chỉ tại Động Tiên, nhiều điểm di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện thu phí tham quan như Bảo tàng tỉnh, Di tích quốc gia Kim Bình… Theo ông Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh, thì tại những nơi này, chưa đủ điều kiện thu nên đơn vị chưa triển khai thời điểm này.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trước khi xây dựng mức phí tham quan, đơn vị đã tham khảo tại nhiều địa phương đã thực hiện trước để có căn cứ áp dụng. Ví như Thành phố Hà Nội đã quy định mức thu phí tham quan các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn TP. Hà Nội, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Khu Di tích Cổ Loa, đền Quán Thánh, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Hương, Làng cổ Đường Lâm… Tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện thu phí tham quan các di tích: Hoàng Cung Huế (Đại Nội - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), Lăng Vua Minh Mạng, Lăng Vua Tự Đức, Lăng Vua Khải Định, Lăng Vua Gia Long, Lăng Vua Thiệu Trị, Lăng Vua Đồng Khánh, Điện Hòn Chén, Cung An Định, Đàn Nam Giao.
Tỉnh Hà Giang quy định mức thu phí Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương; Di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh Cột cờ Lũng Cú, Khu Di tích Bãi đá cổ Nấm Dẩn, danh thắng thác Tiên - đèo Gió. Tỉnh Thanh Hóa thậm chí còn quy định mức thu phí tất cả các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, việc thu phí tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, do quá trình triển khai và sự phản ứng từ dư luận.
Đầu tháng 5 năm 2023, Khu Du lịch Thác Bản Ba có thông báo về mức giá gói tour thăm hai tầng thác là 70 nghìn đồng/người. Mức giá này, sau khi được công bố đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người dân. Ông Đoàn Ngọc Châu, thị trấn Na Hang chia sẻ: Dịp nghỉ lễ 30-4, ông và gia đình đến tham quan khu du lịch thác Bản Ba. Đến nơi mới biết, khu du lịch thực hiện thu vé tham quan khá cao. Trong khi nhu cầu của ông Châu và gia đình là chỉ vào tham quan thác chứ không trải nghiệm dịch vụ gì của đơn vị đầu tư ở đây. “Không biết căn cứ vào quy định nào mà công ty đưa mức giá vé cao như vậy” - ông Châu bức xúc.
Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia Động Tiên (Hàm Yên) đang tạm dừng các hoạt động thu phí tham quan dù hạ tầng đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Đức Anh, Phó Giám đốc dự án cho biết: Đến nay, Dự án đầu tư tôn tạo và khai thác điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba đã cơ bản hoàn thiện giai đoạn 1 và bắt đầu khai thác các hạng mục như nhà sàn lưu trú, dịch vụ ẩm thực, dịch vụ trekking thác. Đơn vị cũng bắt đầu tiến hành thu vé tham quan để đưa hoạt động du lịch nơi này theo hướng chuyên nghiệp. Theo Ban quản lý khu du lịch thác Bản Ba, hiện khách trong khu vực các thôn Bản Ba 1, 2 được vào cửa tự do, khách trong địa bàn xã được giảm 50% giá vé. Giá vé này áp dụng với khách ngoài địa bàn.
Việc ban hành giá vé vào thác, theo ông Đức Anh, là để đơn vị đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho khách du lịch, từ dép, gậy chống đến bảo hiểm khi có sự cố. Giá vé này là giá tour, không phải phí tham quan.
Ông Ma Văn Trường, người dân xã Hà Lang (Chiêm Hóa) bày tỏ: Việc có đơn vị đến đầu tư tôn tạo Khu du lịch thác Bản Ba là rất tốt để khai thác tiềm năng du lịch cho nơi đây. Người dân quanh vùng đều mong muốn được hưởng lợi từ hoạt động phát triển du lịch. Việc thu phí vào tham quan thác là không phù hợp. Con thác này có từ bao đời nay, gắn bó với người dân trong vùng, con thác không phải do đơn vị đầu tư vào khu du lịch tạo nên. Vì thế, họ không nên thu phí vào thác. Đơn vị đầu tư chỉ nên thu phí khi người dân, du khách sử dụng các dịch vụ của họ.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, việc áp dụng giá vé vào thác Bản Ba để sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp là việc nên làm, khi doanh nghiệp bỏ vốn để đầu tư xây dựng các hạ tầng dịch vụ. Tuy nhiên, với những thắng cảnh thuộc về tự nhiên, thì doanh nghiệp phải cân nhắc việc áp dụng này một cách đại trà. Đồng thời, phải niêm yết, công khai giá dịch vụ để du khách nắm được.
Chỉ thu khi đảm bảo các điều kiện cơ bản
Qua rà soát tại các địa phương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa gửi danh sách các điểm tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng được thu phí trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, Danh lam thắng cảnh quốc gia Động Tiên, Danh lam thắng cảnh quốc gia thác Bản Ba, xã Trung Hà.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Thanh Sơn, sau khi UBND tỉnh phê duyệt, việc thu phí cũng phải được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, ngoài việc có phương án thu phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì tại các điểm thu phí phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về hạ tầng, như bến bãi, nhà chờ, nhà vệ sinh, nhân lực bán vé, cứu hộ cứu nạn…
Việc thu phí các điểm tham quan du lịch là xu hướng chung của nhiều địa phương trong bối cảnh ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương dành cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình này còn rất thiếu. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, việc thu phí tham quan đối với di sản văn hóa như di tích, bảo tàng là một bài toán kinh tế với những nhân tố tác động đa chiều, cần được xem xét dưới góc độ tổng thể, lâu dài.
Có nghị quyết, có hướng dẫn, quy định cụ thể, nhưng cần cân nhắc thời điểm thực hiện, việc thu phí chỉ được thực hiện khi các di tích, danh thắng, bảo tàng trên địa bàn tỉnh hoàn thiện về cơ sở hạ tầng du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ để thu hút mạnh mẽ khách du lịch, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, tránh ảnh hưởng đến dòng khách du lịch đến với tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết