Chuẩn nghèo đa chiều: Thách thức trong xây dựng nông thôn mới

- Ngày 27-1-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn để các tỉnh, thành phố thực hiện đánh giá. Theo đó, chuẩn nghèo đa chiều năm 2021 gồm các tiêu chí đo lường về thu nhập, mức độ tiếp cận các dịch vụ cao hơn rất nhiều so với trước.

Quá nhiều khó khăn

Hết năm 2022, toàn tỉnh có 62/122 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 54 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 8 xã đang được các ngành chức năng thẩm định để đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM. Điều này đồng nghĩa với việc tiêu chí số 11 (về nghèo đa chiều) đã đạt chuẩn.

Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hết năm 2022 toàn tỉnh chỉ có 38/122 xã đạt chuẩn tiêu chí nghèo đa chiều, trong đó huyện Lâm Bình, huyện Na Hang (2 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ), tỷ lệ nghèo đa chiều của Lâm Bình là 48,52%, cận nghèo là 15,64%; tỷ lệ nghèo đa chiều của Na Hang là 40,76%, cận nghèo là 13,64%. Đây cũng là 2 huyện không có xã nào đạt chuẩn tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (dưới 13%).

Xã Năng Khả là 1 trong 5 xã hoàn thành đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh và được coi là địa phương có xuất phát điểm cao nhất huyện Na Hang. Tuy nhiên tiêu chí nghèo đa chiều cũng đang làm khó chính quyền địa phương. Đồng chí Bàn Văn Khé, Chủ tịch UBND xã Năng Khả chia sẻ, đánh giá theo bộ tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quá nửa số hộ của xã ở mức nghèo, cận nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 32,08%; cận nghèo chiếm 33,04%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo để công nhận đạt chuẩn là dưới 13%.

Phát triển nghề mây tre đan tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa).

Ông Khé cho rằng, với 1 xã vùng cao, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh thì việc nâng cao thu nhập cho người dân đã khó chứ chưa nói đến mức độ tiếp cận các dịch vụ: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin... sẽ còn khó khăn hơn.

Cũng như Năng Khả, kết quả rà soát tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều của xã Thổ Bình (Lâm Bình) vượt quá 50% số hộ dân trong xã, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 39,48%; cận nghèo là 14,86%. Bà Vi Thị Hoanh, công chức Văn hóa - xã hội xã cho rằng, xã đang rất nỗ lực, tranh thủ mọi nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia đến các dự án của tỉnh, huyện và ưu tiên các hộ nghèo tham gia vào các dự án để phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập. Tuy nhiên cũng chỉ có khoảng 15% số hộ có khả năng thoát nghèo trong năm 2023 này, số còn lại nhiều khả năng đến năm 2024, thậm chí là 2025. Bởi nhiều hộ ngoài kinh tế khó khăn, một số hộ còn có những lý do bất khả kháng như trong nhà có người ốm đau, bệnh tật, không có sức khỏe để lao động.

Mức độ đo lường chuẩn nghèo cao không những khó cho các xã xét lại mà sẽ nan giải cho cả những xã nằm trong lộ trình về đích năm nay. Đồng chí Lê Thiệu Tân, Trưởng bộ phận tổng hợp Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đánh giá, trong 12 xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn năm 2023 này, chỉ có xã Phúc Ứng (Sơn Dương) đạt chuẩn về tiêu chí nghèo đa chiều với tỷ lệ hộ nghèo là 8,52% và hộ cận nghèo là 2,45% (tức là dưới 13%). Các xã còn lại đều ở trên mức 30% thậm chí lên đến 50%. Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với các địa phương.

Đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

Thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả, khắc phục những khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tính sáng tạo của các địa phương trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó phải lấy người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo là trung tâm, là chủ thể trong thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh, ngày 20-6-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, gắn với thực hiện các chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, theo phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững nhằm tạo điều kiện cho các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát khỏi tình trạng nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác; tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm, tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được Trường cao đẳng nghề triển khai thực hiện.

Tỉnh cũng đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo, huy động nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là nguồn lực của từng địa phương, các doanh nghiệp, vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đối ứng của đối tượng hưởng lợi cùng với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư tăng cường sự kết nối về hạ tầng, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo...

Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết, 7 dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang được thực hiện có hiệu quả tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Điển hình như dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng...

Số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đã có 23 dự án, trong đó 11 dự án liên kết theo chuỗi giá trị, 12 dự án sản xuất cộng đồng đã đăng ký và triển khai thực hiện với sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đi đôi với phát triển các dự án sản xuất, tỉnh cũng lập danh sách hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở. Từ năm 2021 đến nay tỉnh đã hỗ trợ cho 3.698 hộ nghèo và cận nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở, tổng kinh phí trên 298 tỷ đồng. Với những nỗ lực của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 4,55%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 37,31% xuống còn 30,15% trong năm; tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 7%, trong đó huyện Lâm Bình giảm 7,39%, huyện Na Hang giảm 9,89%.

Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, đảm bảo công tác giảm nghèo bền vững, ngoài nguồn lực từ Nhà nước, cộng đồng tham gia hỗ trợ, các địa phương cần tuyên truyền, vận động khuyến khích các hộ nghèo, hộ cận nghèo nỗ lực vượt qua khó khăn, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tích cực, chủ động phát triển kinh tế, tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Có như vậy mới đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM mới theo lộ trình đề ra.

 Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục