Phim về người trẻ ở nông thôn khởi nghiệp: Không “đao to búa lớn” mà cuốn hút

Đề tài nông thôn lâu nay vẫn là của hiếm trong điện ảnh, hơn nữa thường chỉ đi sâu về nét truyền thống, cổ xưa hay câu chuyện về người lớn tuổi.

Ba chàng trai trong phim “Vui lên nào anh em ơi” luôn đầy ắp ý tưởng khởi nghiệp.

“Làn gió mới” cho người yêu điện ảnh

Vào tuần tới, từ ngày 8-7, bộ phim mới nhất của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) với tên gọi “Vui lên nào anh em ơi” của đạo diễn Vũ Minh Trí sẽ lên sóng VTV3.

Bộ phim đi vào đề tài thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Thay vì lên thành phố lập nghiệp, những chàng trai, cô gái đã chọn ở lại làng mưu sinh, làm giàu trên quê hương. Họ gây dựng sự nghiệp bằng nhiều cách, dù va vấp, thất bại nhưng không nản lòng, chùn bước. Bộ phim mong muốn truyền đi thông điệp về sức mạnh của tình bạn, giá trị của niềm tin, sự lạc quan, từ đó tạo hứng khởi đến người xem, nhất là các bạn trẻ.

Trước đó, đạo diễn Vũ Minh Trí cũng đem đến “làn gió mới” cho phim truyền hình với bộ phim “Lối về miền hoa”, khi phản ánh về những thanh niên đầy nhiệt huyết, khát vọng khởi nghiệp ở nông thôn với cách tiếp cận hài hước, vui tươi. Phim hiện lên hình ảnh thanh niên nông thôn vẫn bám đất, bám ruộng mưu sinh, họ trồng hoa, trồng cây, chăn nuôi, buôn bán… theo cách của người trẻ hiện nay, đó là sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến…

Sau sức hút của bộ phim “Phố trong làng” với nội dung về những người trẻ trong quá trình hiện đại hóa nông thôn, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Mai Hiền tiếp tục làm phim “Làng trong phố” phản ánh chuyện người làng lập nghiệp ở thành phố và những người vẫn bám trụ tại quê hương…

Đề tài này trước đây còn có đạo diễn Trịnh Lê Phong gây “sốt” với bộ phim “Cô gái nhà người ta”. Phim xoay quanh câu chuyện cuộc sống và ước mơ lập nghiệp của những thanh niên trẻ vùng nông thôn tại làng quê Bắc Bộ bằng hình thức như làm homestay (lưu trú tại nhà người dân địa phương).

Cũng chọn vấn đề kinh doanh homestay, bộ phim “Ăn Tết miệt vườn” của đạo diễn Quách Khoa Nam lại mang đậm màu sắc phương Nam. Những tình huống bi hài của các bạn trẻ mở homestay miệt vườn, đón khách du lịch từ thành phố về trải nghiệm khiến khán giả ấn tượng…

Khát vọng dựng xây nông thôn mới

Trong bối cảnh điện ảnh dày đặc những bộ phim về cuộc sống nơi thành thị sôi động hay những cuộc đấu trí căng thẳng trên thương trường, các bộ phim có đề tài nông thôn, làng quê Việt bỗng trở nên cuốn hút. Nếu 10-20 năm trước, phim về cuộc sống nông thôn trong thời kỳ đổi mới như “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”… rất thành công, thì hiện nay, thế hệ đạo diễn mới tiếp tục thay đổi và chọn hướng tiếp cận khác cho đề tài này.

Đạo diễn Vũ Minh Trí chia sẻ, chọn người trẻ làm nhân vật trung tâm và phản ánh cuộc sống của họ sẽ dễ tạo sức hút với người xem, vì những câu chuyện của họ luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, truyền đến sự lạc quan, yêu đời.

“Chính hành trình khởi nghiệp của những thanh niên trẻ ở quê hương là quá trình tự hoàn thiện bản thân để trưởng thành hơn. Làng quê Việt muôn đời vẫn vậy, với những con người ấm áp, bao dung, sẵn sàng chở che và hỗ trợ các bạn trẻ vượt qua khó khăn, đi đến thành công", đạo diễn Vũ Minh Trí nói.

Thay vì xây dựng hình mẫu lý tưởng, hoàn hảo với sự việc gây chấn động, các đạo diễn của những bộ phim này đã chọn nhân vật có mặt được và chưa được. Nhưng cũng vì thế mà câu chuyện kể về họ gần gũi và dễ đi vào lòng người. Như bộ phim “Lối về miền hoa” với nhân vật chính là Lợi có tính cách xốc nổi, thiếu chín chắn nhưng chân thành, nghĩa hiệp; còn Thanh đanh đá, bốp chát song tốt bụng, luôn vươn lên. Họ có những va chạm, bất đồng, hiểu lầm nhưng vẫn ủng hộ nhau để lập nghiệp.

Chị Nguyễn Hà My - nhân viên trẻ của một ngân hàng tại Hà Nội kể rằng đã xem lại nhiều lần bộ phim “Lối về miền hoa”. Bên cạnh khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả, bộ phim còn có những câu chuyện vui vẻ, hài hước… khiến chị có suy nghĩ thêm về việc trở về quê hương khởi nghiệp.

Tham gia vai Tiến trong phim “Vui lên nào anh em ơi”, diễn viên Anh Đức chia sẻ: “Thông thường mọi người quan niệm khởi nghiệp là ở thanh niên tuổi đôi mươi, nhưng những chàng trai trong bộ phim này bắt đầu khi đã 30 tuổi. Song không bao giờ là quá muộn. Hành trình thú vị của họ hy vọng sẽ truyền nhiệt huyết, khát vọng tới mọi người”.

Tuy nhiên, làm bộ phim về đề tài nông thôn, đặc biệt là khát vọng xây dựng nông thôn mới của người trẻ trên quê hương không hề đơn giản.

Đạo diễn Quách Khoa Nam cho biết, để người xem cảm nhận được cuộc sống chân thực đúng chất miệt vườn trong phim “Ăn Tết miệt vườn”, đoàn làm phim đã phải về những vùng nông thôn xa xôi ở miền Tây Nam Bộ, điều này cũng phát sinh nhiều chi phí hơn.

Cùng quan điểm, đạo diễn Trịnh Lê Phong bày tỏ thêm, khai thác phim về nông thôn và những người dân quê với góc nhìn hiện đại, trẻ trung cần được đầu tư kỹ về bối cảnh cũng như nhân vật để tạo sự chân thật, cảm xúc, tránh nhạt nhẽo, hời hợt.

Mong rằng, đề tài ý nghĩa này sẽ được các nhà làm phim tiếp tục quan tâm thực hiện để tạo nên một dòng phim ghi dấu ấn, tạo sức hút với khán giả.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục