Chuồng trại chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thành Công,
xã Hùng Mỹ (Chiêm Hoá) đã được che chắn kín gió.
Những ngày gần đây, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc nhiệt độ giảm mạnh, chỉ trong một ngày thời tiết giảm 10-15 độ C, khu vực núi cao có xuống đến 10 độ C. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, các ngành chức năng, các địa phương đã chủ động thực hiện các biện pháp chống đói, rét cho vật nuôi.
Che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió, sạch sẽ là những công việc mà các thành việc HTX Nông lâm nghiệp Thành Công (Chiêm Hoá) luôn triển khai từ đầu mùa đông. Ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thành Công cho biết, các thành viên chủ yếu chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa giá rét, ngay từ đầu mùa đông các thành viên đã chủ động mua bạt che kín khu chuồng nuôi, thường xuyên giữ chuồng trại chăn nuôi khô ráo, ngoài chuẩn bị thức ăn tươi từ cỏ voi các thành viên tiến hành ủ chua hơn 10 tấn ngô sinh khối làm thức ăn cho đàn vật nuôi, trường hợp nhiệt độ xuống thấp có thể đốt lửa sưởi ấm cho đàn vật nuôi.
Ngay sau khi có thông tin về việc có đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, nhiều người dân xã Xuân Lập (Lâm Bình) đã chủ động đưa trâu, bò vào chuồng và che chắn chuồng trại kín gió. Nhiều hộ gia đình còn cẩn thận đốt lửa gần chuồng trại để sưởi ấm cho vật nuôi. Anh Lò A Phong, thôn Nà Co cho biết: "Gia đình tôi hiện có 5 con trâu. Năm nào cũng vậy, vào vụ thu hoạch lúa hè thu gia đình sẽ chủ động dự trữ rơm khô để làm thức ăn cho vật nuôi vào những ngày giá rét. Ngoài ra, gia đình còn trồng 0,3 ha cỏ voi để đề phòng nhiệt độ xuống thấp có thức ăn tươi cho trâu, gia đình cũng chuẩn bị thêm thức ăn tinh để tăng sức chống chịu cho đàn vật nuôi".
Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định là thế mạnh của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Lâm Bình. Những năm gần đây, số lượng đàn vật nuôi của huyện liên tục tăng, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện hiện hơn 53.679 con, trong đó, đàn bò 3.150 con, đàn trâu 10.200 con, đàn lợn 35.992 con, đàn dê 4.337 con.
Người dân xã Bình An (Lâm Bình) tích trữ rơm cho trâu, bò ăn trong mùa đông.
Ông Hoàng Văn Tài, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết, những ngày qua, nhiệt độ trung bình trên địa bàn huyện đạt khoảng 12-16 độ C. Để chủ động ứng phó với tình trạng rét đậm, rét hại, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống rét trên cây trồng, vật nuôi. Phòng cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc triển khai trong phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi để các xã thực hiện.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp về các địa phương nhắc nhở, hướng dẫn bà con cách phòng, chống rét và tuyên truyền, vận động người dân chủ động nguồn thức ăn, tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có trên 91.000 con trâu, trên 39.000 con bò, trên 590.000 con lợn và gần trên 7 triệu con gia cầm. Để chủ động phòng, chống đói, rét, giảm thiểu thiệt hại cho đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về việc chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi: cập nhật diễn biến thời tiết thường xuyên, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói rét cho vật nuôi; củng cố, che chắn giữ ấm và bảo đảm vệ sinh chuồng nuôi; chủ động dự trữ thức ăn, các loại chất khoáng, vitamin thiết yếu và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi.
Các địa phương tập trung vận động mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng, không chăn thả tự do và làm việc khi xảy ra rét hại; dùng các loại chăn, áo cũ hoặc các vật liệu khác để giữ ấm; chủ động nguồn thức ăn, tăng thêm thức ăn tinh, thức ăn ủ chua hoặc rơm ủ urê, các loại muối khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, giữ trâu bò tại chuồng, không chăn thả ngoài trời.
Người dân cần tăng cường công tác phòng bệnh, vệ sinh định kỳ, phun các loại thuốc sát trùng chuồng trại, các khu vực xung quanh chuồng nuôi; thực hiện việc tẩy giun sán và tiêm phòng đầy đủ cho trâu, bò theo hướng dẫn của cơ quan, cán bộ thú y địa phương để giảm thiểu đến mức thấp nhất việc gia súc, gia cầm thất thoát trong mùa đông.
Gửi phản hồi
In bài viết