Thúc đẩy phát triển cây dược liệu

- Khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã liên kết phát triển trồng các loại cây dược liệu. Qua đó, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, góp phần bảo tồn những loại cây dược liệu quý.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh có gần 150 ha trồng cây dược liệu, trong đó có nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao như: Giảo cổ lam, cát sâm, sâm bố chính, đinh lăng, sachi, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô… Cây dược liệu có hầu hết ở các huyện, thành phố nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện: Lâm Bình, Chiêm Hoá, Sơn Dương. Với độ che phủ rừng tới 65%, việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng những năm gần đây còn đem lại hiệu quả kinh tế cao tại một số địa phương. Đặc biệt, huyện Lâm Bình còn sưu tầm và trồng thử nghiệm được loại thảo dược quý là trà hoa vàng, trà trường thọ được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loại trà”.

Xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo cú hích trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Sơn Dương đã hỗ trợ, vận động người dân tại một số xã trồng cây dược liệu, từ đó hình thành các vùng dược liệu tập trung. Đặc biệt, để đảm bảo đầu ra cho cây trồng, trước khi đưa cà gai leo vào trồng trên diện rộng tại các xã Hợp Hòa, Quyết Thắng, Sơn Nam, huyện đã làm cầu nối, liên kết với một số doanh nghiệp để kí kết hợp tác đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 16,5 ha cà gai leo, bước đầu mô hình này đã đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2, 3 lần so với các loại cây trồng trước đây. Năm 2021, sản phẩm cà gai leo của xã Hợp Hòa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. 

Người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hoá) chú trọng trồng cây dược liệu

Là người tiên phong trồng cây dược liệu, ông Lê Văn Tùng, thôn Thanh Bình, xã Hợp Hoà (Sơn Dương) cho biết, năm 2016, gia đình ông đã mạnh dạn cải tạo hơn 2 ha đất soi bãi kém hiệu quả sang trồng cà gai leo. Tham gia trồng cà gai leo, gia đình ông được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật. Nhờ trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ nên cây trồng đạt hiệu quả cao, sau khi thu hoạch, phơi khô gia đình thu được trên 1 tấn/1ha sản phẩm khô. Cứ 3 - 4 tháng cây lại cho thu hoạch một lần, một năm cho thu 3 lần, tính ra lãi gấp 3 lần so với trồng ngô, lúa. Thành phẩm được công ty về tận nơi thu mua với giá hiện tại là 36.000 đồng/kg, giá bán lẻ là 45 đến 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Với nguồn dược liệu đa dạng, nhiều cây dược liệu những năm gần đây đã được các doanh nghiệp liên kết trồng, thu mua, chế biến dưới dạng trà khô, trà hòa tan, trà túi lọc, tinh bột nghệ, tỏi đen, bột tía tô... Bà Bàn Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm nói, để đảm bảo sản xuất, Công ty đã liên kết với 10 hộ dân, HTX trong tỉnh thực hiện trồng cây dược liệu với diện tích trên 10 ha. Các loại cây được trồng như: cát sâm, ba kích, cà gai leo, thìa canh... đều là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, chi phí đầu tư thấp.

Với mô hình liên kết này, công ty đã cung cấp giống, hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm. Đây được coi là hướng đi hiệu quả, từng bước phát triển các cây trồng chủ lực, vừa giúp đơn vị đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, vừa tăng thu nhập cho người dân. Nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu đã giúp công ty đa dạng các sản phẩm; trong số đó, 3 sản phẩm OCOP của công ty là: bổ gan Tuệ Tâm, xương khớp Tuệ Tâm, hà thủ ô Tuệ Tâm đều có nguyên liệu từ cây dược liệu như: cà gai leo, tầm gửi gạo, nấm lim xanh, huyết đằng, hà thủ ô... Công ty phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng liên kết, phát triển lên thành 20 ha cây dược liệu tại địa phương, đưa thêm nhiều cây dược liệu mới về trồng trên diện rộng.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, mặc dù cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng một số cây nông nghiệp, song việc phát triển loại cây này vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung, chủ yếu mang tính tự phát; việc thu hái thiếu ý thức bảo tồn, tái sinh đã làm suy giảm tài nguyên cây thuốc trong tự nhiên; thị trường đầu ra chưa ổn định nên người dân chưa yên tâm sản xuất. Các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến dược liệu tại các tỉnh còn ít, thiếu nhân lực kỹ thuật cao; chưa có cơ sở chế biến, chiết xuất dược liệu bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu...

Trồng và phát triển cây dược liệu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, tạo thảm thực vật, chống xói mòn đất, ngăn lũ. Do vậy, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu quy hoạch vùng trồng dược liệu, khuyến khích các địa phương linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những diện tích đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung. Đồng thời, tăng cường liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình triển khai thực hiện trồng, phát triển cây dược liệu nhất là các loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao gắn với bao tiêu sản phẩm.                                                                 

Bài, ảnh: Thuý Nga

Tin cùng chuyên mục