Chủ trang trại núi Gốc Bo

- Anh Nguyễn Văn Sơn, dân tộc Dao, thôn 1 An Thạch, xã Thái Sơn (Hàm Yên) luôn có khát khao cháy bỏng đánh thức tiềm năng phát triển cây ăn quả trên núi Gốc Bo. Sự cần cù, sáng tạo, làm ăn bài bản đã giúp anh được hưởng thành quả ngọt ngào với gần 4 ha trang trại cây ăn quả, vườn rừng đạt thu nhập trung bình 300 triệu đồng/năm.

Lấy ngắn nuôi dài

Ấn tượng đầu tiên về anh Sơn là người chất phác, khiêm tốn, thông minh. Vừa dẫn chúng tôi tham quan khu vườn cây ăn quả, anh vừa kể lại: “Tuổi thơ của mình từ thời chăn trâu, cắt cỏ, lấy củi... đều gắn liền với núi Gốc Bo. Gia đình mình có 2 ha đất trên núi. Trước đây, bố mẹ chỉ trồng ngô, đỗ, sắn thu nhập chẳng đáng là bao. Nguyên nhân vì cây trồng thiếu nước, bị trâu, bò phá hoại. Sau khi học xong THPT, mình không đi học chuyên nghiệp mà quyết tâm ở nhà phát triển kinh tế gia đình”.

Anh Sơn sớm nhận thấy tiềm năng to lớn từ núi Gốc Bo. Anh trăn trở nếu không bứt phá tìm hướng đi mới, cứ trồng sắn, ngô, đỗ thì sao khấm khá được? Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao khẳng định mình, anh nuôi hoài bão gây dựng trang trại cây ăn quả trên núi. Anh phải đi làm thuê để có vốn thực hiện. Anh chọn phương châm “lấy ngắn nuôi dài” làm hướng đi chắc chắn. Anh đi gánh gạch thuê, rồi phụ vữa. Khi có chút vốn, anh mua 5 đàn ong mật về nuôi. Quá trình đó, anh vừa tích lũy kinh nghiệm, tự nhân giống, tăng đàn.

 Lãnh đạo Đoàn xã Thái Sơn (Hàm Yên) tham quan trang trại cây ăn quả của anh Nguyễn Văn Sơn.

Ngày nào không đi làm thuê, anh lại tìm đến hỏi kinh nghiệm từ những nhà vườn, chủ ong ở trong huyện, trong tỉnh. Anh tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng cây ăn quả, đọc thêm sách, báo, Internet để có thêm kiến thức về nuôi ong mật, về trồng cây ăn quả. Năm 2013, anh Sơn chính thức bắt tay cải tạo khu đất đồi, rào vườn để tránh trâu, bò phá hoại, cuốc hố, mua phân bón, mua 400 gốc cam sành về trồng. Song song với đó, anh tăng đàn ong mật lên 60 đàn. Để giải bài toán cây “khát nước” vào mùa khô hạn, những đợt hè nắng gắt, anh chủ động kéo điện, làm ống dẫn nước, mua máy bơm nước từ ao lên tưới cho cả khu vườn cây.

Ngoài những đợt chăm sóc vườn cam theo chu kỳ, anh vẫn tích cực đi làm thuê để có thêm tiền đầu tư cho vườn cam. Việc anh nuôi ong mật giữa núi rừng mênh mông, nuôi ong tự nhiên nên chất lượng mật tuyệt hảo, được khách hàng ưa chuộng, bán được giá cao, dễ tiêu thụ. Trung bình tiền bán mật giúp anh Sơn có khoản thu từ 30-40 triệu đồng/năm. Đây là khoản quan trọng giúp anh có tiền trang trải cuộc sống; mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc và đầu tư chăm sóc vườn cây suốt giai đoạn chưa được thu hoạch.

Thành quả ngọt ngào

Anh Sơn bảo: “Bố mẹ nào cũng đều mong con cái được học cao, trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Nên khi học xong THPT, mình không đi học nữa mà chọn ở nhà làm kinh tế, lúc đó bố mẹ cũng không vui đâu. Nhưng chính sự quyết tâm, có kế hoạch, lộ trình rõ ràng nên bố mẹ mới tin tưởng, ủng hộ. Điều đó, càng tạo động lực để mình nỗ lực, quyết chí hoàn thành hoài bão”.

Chị La Thị Giang, Phó Bí thư Đoàn xã Thái Sơn vui mừng cho biết: Khu vườn cây ăn quả tổng hợp, vườn rừng trên núi Gốc Bo của anh Nguyễn Văn Sơn là địa chỉ được nhiều thanh niên trong xã, huyện đến tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Thành công của anh Sơn có được từ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nỗ lực không ngừng, tạo thêm động lực giúp thêm nhiều ĐVTN trong xã tìm hướng đi mới làm giàu trên quê hương.

Anh Sơn chia sẻ, khi nắm vững kỹ thuật thì trồng cam không khó. Tuy nhiên, người trồng cần lưu ý kỹ thuật bón phân, chủ yếu là bón phân hữu cơ, các loại phân chuồng hoai mục để cam ra hoa và đậu quả tốt. Anh thường xuyên kiểm tra để sớm phát hiện sâu, bệnh hại, có biện pháp phòng trừ sớm, hiệu quả, giảm thiệt hại. 

 Anh Sơn (người giữa) xây thêm bể nước tích trữ nước, chủ động nguồn nước tưới cho cây.

Đặc biệt là, anh tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ mà chỉ dùng máy phát cỏ để tránh thuốc trừ cỏ gây hại cho cây. Việc phát cỏ giúp tạo thêm nguồn phân hữu cơ khi cỏ hoai mục, vẫn giữ lại thảm cỏ cho vườn, giảm thiểu xói mòn, rửa trôi đất màu và giữ độ ẩm cho đất. Để khắc phục tình trạng “năm ăn quả năm trả cành” (tức năm sai quả năm mất mùa) nên vài năm gần đây, anh chủ động bán cam sớm, không đợi đến khi cam chín rộ. Phương án này vừa giúp chủ động đầu ra, vừa có thời gian lâu hơn để cắt tỉa cành, dọn tán, dưỡng cây.

Nhờ được chăm bón tốt, tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật VietGAP nên cây cam sai quả, cho quả ổn định. Từ năm 2017 đến nay, anh Sơn thu hoạch trung bình từ 50-65 tấn cam/năm. Nhờ đó, anh có nguồn thu nhập trung bình 300 triệu đồng/năm. Từ khi cam được thu hoạch, anh Sơn bỏ hẳn việc nuôi ong mật mà tập trung vào phát triển trang trại tổng hợp. Có vốn, anh đầu tư 100 triệu đồng mua lại 2,5 ha rừng liền kề của 2 hộ trong thôn, mở rộng quy mô vườn ăn trái.

Căn cứ vào địa hình, điều kiện thổ nhưỡng, anh Sơn quy hoạch từng khu trồng các loại cây phù hợp. Anh trồng thêm 300 cây bưởi các loại và 300 gốc mận tam hoa. Khu đất có độ dốc cao, anh trồng xoan lấy gỗ. Anh mở đường đến tận từng khu để tiện cho việc vận chuyển phân bón, vật tư, khi chăm sóc vườn cây. Để không phụ thuộc “nước trời” anh Sơn xây nhiều bể nước, lắp đặt máy bơm, hệ thống ống dẫn khắp các khu vườn cây ăn quả nên chủ động nguồn nước tưới cho cây bất cứ thời điểm nào cần thiết.

Cơn mưa tháng Ba càng khiến cả khu vườn cây trái thêm xanh mướt, đầy nhựa sống. Đây là thời điểm vườn cam sành của anh Sơn đang đơm hoa, kết trái. Cây mận cũng bước sang năm thứ 2 cho trái, cây bưởi cũng năm đầu bói quả. Tín hiệu vui đó hứa hẹn mang lại cho anh Sơn những mùa quả ngọt tiếp theo sau những tháng ngày vất vả.

Phóng sự: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục