Chuyện đảng viên tự học ở Làng Un

- “Cái lưng của đảng viên Chi bộ Làng Un giờ không chỉ gùi ngô, gùi lúa, mà giờ còn gùi cả chủ trương, chính sách của Đảng về với bản làng...”. Bí thư Chi bộ Trần Xuân Hiện ví von như thế! Lâu nay, người ta vẫn có câu “cần cù như người Làng Un” để nói lên sự chịu thương, chịu khó làm lụng của người dân nơi đây. Thôn Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) nay đã có nhiều nhà đẹp, xe máy đẹp, vườn cây ăn quả sum xuê, vụ mùa được giá... Thế nhưng những người đảng viên đầu tàu vẫn không thôi trăn trở để mang nhiều cái mới về cho bản làng.

Học từ dân bản

Đợt này đang vào thời điểm dưa chuột nở hoa, kết trái nên bà con Làng Un kéo nhau ra đồng chăm chút dưa. Phát hiện có loại nấm lạ làm héo lá rồi cây cứ yếu dần nên bà con sốt sắng lắm. Cán bộ tư vấn của công ty phân bón được mời đến tận nơi, thế là hội nghị đầu bờ diễn ra rôm rả, bà con chăm chú nghe và áp dụng.

Bí thư Chi bộ Trần Xuân Hiện bảo, nay người Làng Un chăm chỉ làm lụng, chịu khó học hỏi. Đàn ông, đàn bà đều là nai lưng ra làm chứ không phân biệt việc nhà, việc đồng áng giành cho ai. Thế nhưng để có được nếp nghĩ cách làm đó, là cả một hành trình dài nỗ lực của các cán bộ thôn đến cán bộ xã.

Các đảng viên và người dân thôn Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) học hỏi kinh nghiệm trồng cây dưa chuột.

Năm nay Bí thư Chi bộ Hiện vừa có tin vui là được trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Gần 15 năm làm Bí thư Chi bộ, suốt bao năm chăm lo việc làng, tiên phong việc Đảng nhiều người ví ông như một già làng thực thụ. Ông Hiện nắm lấy gần hàng trăm nóc nhà Làng Un như người nắm lấy dây chài dưới nước, vừa chắc chắn vừa mềm mại, khéo léo.

Gặp gỡ, chuyện trò bí thư Hiện, ít ai ngờ được ông là người dân tộc Kinh bởi ông biết nói tiếng Mông, tiếng Tày và cả tiếng Dao nữa. Ông bảo: “Cán bộ là phải học không ngừng, tự mình học mà học nhiều nhất là ở trong dân bản. Mình không biết thì phải hỏi, để ý lắng nghe”.

Thôn có gần 90 hộ dân, trong đó có hơn 60% là đồng bào Mông còn lại là người Dao, Tày... Ông biết rằng để gần gũi, chia sẻ tuyên truyền với bà con thì phải hiểu và nói được tiếng của bà con. Vậy nên không chỉ thành thạo tiếng Mông, ông còn được bà con người Dao thích thú khi chuyện trò bằng tiếng tổ tiên của họ.

Vậy nên chuyện tuyên truyền chính sách, pháp luật cũng trở nên dễ dàng hơn khi bà con “cảm” được cái tình của người cán bộ. Ông vốn con người kín kẽ, nhẹ nhàng, ông vận động điều gì thì cứ thủ thỉ là dân bản mềm ngay.

Ông kể chuyện có cặp đôi “trẻ con” người  Mông mới có 14 tuổi yêu nhau, rồi cứ thế đứa gái theo người yêu về ở. Bố mẹ hai bên khuyên ngăn nào cũng không nghe, thậm chí đòi chết nếu không được sống cạnh nhau. Vậy là với vốn tiếng Mông của mình, ông bày mẹo hay cho bố mẹ rồi lại tỉ tê khuyên bảo, gần gũi đứa trai, đứa gái. Ông phân tích kỹ càng chuyện học để có cái chữ, sau này còn mua được xe máy đẹp, chở vợ đi chợ, đi ra thành phố. Cơm không ăn gạo còn đấy, người yêu vẫn là người yêu của mình, có mất đi đâu được. Rồi lấy mấy gương trong bản có con sớm, con đông, nheo nhóc khổ lắm! Hai bạn trẻ nghe thế ngấm dần rồi thêm cái lý lẽ của bố mẹ, vậy là quyết định hoãn chuyện về ở với nhau để đi học tiếp. Nay cả hai đều đã học đến THPT rồi.

Còn với chị Lò Thị Phương, là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn năng động của Làng Un lại có cách làm riêng trong công tác tuyên truyền. Chị bắt nhịp xu thế 4.0, vận động bà con người Mông, Dao, Tày... tải các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook rồi thành lập Nhóm Zalo “Nhân dân Làng Un” để kịp thời thông báo, cập nhật các thông tin hàng ngày.

Phụ nữ người Mông Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) giữ gìn bản sắc văn hóa.

Chị Phương bảo, cái mạng xã hội này nó tiện nhất đấy. Có tin tức gì là đẩy lên là bà con nắm bắt được ngay. Đơn giản như thông báo nộp tiền điện, trước đây quy định mùng 5 hàng tháng bà con tự giác đi nộp thế nhưng vẫn nhiều người hay quên lắm! cán bộ thôn lại phải gọi điện rồi đến nhà nhắc nhở. Nay thì thông báo mọi người đọc rồi bảo nhau đi nộp, mọi việc cứ thông suốt như thế. Nhiều việc xin ý kiến, bà con rôm rả trao đổi vui ra phết đấy!

Điều đặc biệt là Zalo không chỉ kết nối toàn thể các thành viên sinh sống Làng Un mà cả những người con xa quê cũng được tham gia nắm bắt tình hình thôn bản. Chị Triệu Thị Bảo, hiện là công nhân ở một công ty ở Vĩnh Phúc. Chị Bảo chia sẻ: “Hàng ngày được theo dõi hoạt động của thôn khiến mình đỡ nhớ nhà hơn. Có nhiều thông tin bố mẹ mình chưa thông tỏ, mình là người trẻ, đọc rồi gọi điện giải thích vận động bố mẹ hiểu và tham gia ngay”.

Tìm cái mới, cái hay

Chi bộ thôn Làng Un hiện có 9 đảng viên. Mỗi đảng viên đều luôn ý thức được tính tiên phong, gương mẫu của mình, “đầu tàu” trong mọi việc. Đến nay Chi bộ không còn đảng viên nghèo.

Đảng viên Vàng Quang Vu năm nay 30 tuổi, là đảng viên người Mông đầu tiên ở Làng Un được học đại học. Vu học 5 năm tại Trường Đại học Trần Quốc Tuấn và được kết nạp Đảng trong trường học. Năm 2020, Vu trở về cống hiến tại quê nhà với suy nghĩ phải tìm hướng đi mới phát triển kinh tế cho địa phương.

Anh là đảng viên đầu tiên mạnh dạn trồng mô hình dưa chuột ở Làng Un, mở ra hướng đi mới cho cây trồng vụ đông. Thấy Vu đi được nhiều nơi, nói được nhiều lời hay, khi gia đình Vu trồng dưa chuột ở ruộng, bà con cũng khá là yên tâm. Đến vụ thu hoạch kéo nhau ra xem thấy trái dưa chuột lúc lỉu, to gần bằng bắp tay lại có người đến thu mua tận ruộng. Vậy là, bà con Làng Un chuyên tâm trồng giống cây mới.

Các đảng viên Chi bộ thôn Làng Un, trao đổi mô hình làm kinh tế trồng cây ăn quả.

Năm 2022, thấy được lợi nhuận 2 hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Ngọc Tùng đã mạnh dạn liên kết với các công ty, đại lý để đầu tư cho các hộ dân. Bao gồm giống, phân lưới, ni lông, thuốc bảo vệ thực vật và khâu bao tiêu cho một số hộ dân. Anh Nguyễn Ngọc Tùng chia sẻ: “Người dân nơi đây luôn chịu khó học hỏi cái hay, cái mới. Các cán bộ thôn cũng vận động, khuyến khích chúng tôi đầu tư để giúp đỡ hỗ trợ bà con, đồng hành cùng bà con, chia lợi nhuận sau khi thu hoạch”. Hiện nay toàn thôn có 10 ha dưa chuột, trở thành 1 trong những thôn dẫn đầu về phát triển mô hình dưa chuột của xã.

Giờ đây, đến thôn Làng Un mới thấy diện mạo đổi mới của bản làng nơi đây. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả không chỉ các đảng viên sở hữu mà nhiều hộ dân phát triển mô hình quy mô lắm. Bây giờ đảng viên còn phải học dân nhiều đấy, cứ người này học hỏi người kia để có nhiều cái hay, cái mới về bản. Bí thư Chi bộ Trần Xuân Hiện phấn khởi khoe như thế!

Cuối năm nay, ông Vàng Seo Tính vui hơn vì thành quả đã đạt được. Ông bảo, từ ngày chuyển sang trồng cây ăn quả thì thu nhập của gia đình mỗi năm cũng được khoảng 300 triệu đồng. Từ đó, các con cùng bàn bạc xây dựng được một căn nhà khang trang, rộng rãi, 3 gian, 2 tầng, giá trị 1,3 tỷ đồng.

Làng Un đầy sức sống khi được phủ đầy bởi cây cam, cây  bưởi, cây chuối tây. Cả thôn giờ có 30 ha cam, gần chục ha bưởi, chuối tây thì gần như nhà nào cũng có vài ha.

Thế nhưng điều làm những đảng viên và người dân Làng Un luôn trăn trở đó là giao thông khó khăn từ khu trung tâm xã đến Làng Un. Đây được gọi là “con đường bất khuất” với đậm đặc các “ổ gà, ổ voi, ổ vịt”. Bí thư Chi bộ Trần Xuân Hiện bày tỏ, con đường có khoảng 6 km thôi nhưng trời nắng thì đỡ hơn cơ mà trời mưa phải mất gần 1 tiếng mới đi qua được. Giao thông xấu nên việc thu mua nông sản khó khăn lắm. Thương lái ép giá, bà con đành phải chịu. Chỉ mong tương lai không xa đường sá được đầu tư để nông dân Làng Un có thêm nhiều cơ hội giao thương, phát triển.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục