Chuyện “nghệ nhân” đường phố

- Cứ mỗi độ thu về, phố phường Tuyên Quang lại bừng lên với nhiều màu sắc của Lễ hội thành Tuyên. Đằng sau sự lung linh, huyền diệu đó là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật, sự kỳ công của những “nghệ nhân” đường phố.

Những “nghệ nhân” tay ngang

Tìm đến “nghệ nhân” Phạm Ngọc Toán, tổ 15, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang không quá khó. Bởi tiếng tăm anh đã nổi như cồn trong giới làm mô hình trung thu ở thành Tuyên. Cầm cây cọ vẽ từng chi tiết trên những mô hình đèn, anh Toán vui vẻ, lạc quan kể sự nghiệp làm mô hình đèn trung thu đầy chất nghệ thuật này.

Nghề chính là công nhân thi công điện nước dân dụng nhưng anh Toán rất đam mê nghệ thuật, trong đó có hội họa, đan lát. Anh Toán bảo, thời đôi mươi hễ đến Tết trung thu là anh làm đèn cho con chơi mà đèn của con anh phải đẹp nhất, độc đáo nhất khu phố. Con lớn, anh đi “xin” việc làm đèn cho đám trẻ hàng xóm. Anh Toán bảo, thời ấy nhiều người nói anh rỗi việc. Mặc miệng lưỡi thiên hạ anh cứ làm bạn với đám trẻ con khi Tết Trung thu về. Những chiếc đèn ông sao, con giống, đèn lồng, đèn kéo quân... làm ra đều làm đám trẻ thích thú. Thế rồi năm 2000, anh “chơi” lớn làm mô hình đèn trung thu lớn nhất, với chủ đề  “Anh hùng tương ngộ”, nhân vật là con đại bàng và chúa sơm lâm để đám trẻ trong khu phố chơi trăng rằm.

Anh Toán kể, ngày đó làm mô hình hoàn toàn bằng tre nứa, kích thước lớn, nhiều chi tiết phức tạp phải mất hàng tuần trời làm nan, dựng khung, không ít lần bàn tay tứa máu. Vất vả nhưng nhìn đám trẻ vây quanh, háo hức, chờ đón, anh Toán có thêm động lực. Anh Toán nhớ lại, mô hình được trang trí rất bắt mắt, nét oai vệ, dũng mãnh của 2 loài vật được mệnh danh chúa tể bầu trời và rừng xanh đã được khắc họa rõ nét, trẻ con, người lớn trong tổ thích lắm, kéo khoe khắp các phố phường. Điều mừng hơn là diễn, diễu đến đâu người dân trầm trồ, ngạc nhiên, thích thú nên anh tự tin hẳn và cũng từ dạo đó, các tổ chức, cá nhân tìm đến anh để gửi gắm ước muốn. Anh Toán chia sẻ, giờ không riêng người dân thành phố Tuyên Quang, các tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... cũng trở thành bầu bạn. Riêng năm nay anh “vượt biên” với 2 đơn đặt hàng của tổ chức phi chính phủ Nhật Bản và Úc. Anh Toán cười mãn nguyện.

“Nghệ nhân” Tạ Trung Kiên, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) hoàn thiện mô hình trưng bày
tại bờ hồ công viên Tân Quang trong Lễ hội thành Tuyên 2022.

Cũng là dân tay ngang song anh Tạ Trung Kiên, tổ 4, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) rất thành danh với nghề làm mô hình đèn trung thu. Anh Kiên khiêm tốn kể, nghề chính của anh là buôn bán, năm 2010, tổ dân phố tổ chức làm đèn cho đám trẻ vui trung thu anh tham gia như một thành viên. Làm rồi bị mê hoặc nên năm nào anh cũng xung phong nhận, mỗi năm anh Kiên làm một mô hình khác nhau để tặng cho đám trẻ. Những mô hình anh Kiên làm đều đạt những cái nhất, đặc sắc nhất, lớn nhất... Năm 2019, anh Kiên đã có sản phẩm mô hình “Rồng vàng” được giới làm mô hình đánh giá rất cao cả về kích cỡ, ý nghĩa, độ tinh xảo, thẩm mỹ. Đây chính là mô hình đã được tỉnh lựa chọn để trưng bày, triển lãm, giới thiệu và diễu tại bờ hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội. Anh Kiên chia vui, năm nay, ngoài những mô hình làm cho tổ dân phố, các tổ chức, doanh nghiệp, lần thứ 2 anh và cộng sự của mình được thành phố tin tưởng giao đảm nhận làm 6 linh vật trong 12 con giáp để trưng bày, tạo thêm điểm nhấn tại bờ hồ công viên Tân Quang.

Kỳ công tạo hình

Mục sở thị quá trình làm những mô hình trong Lễ hội đường phố Tuyên Quang được Sách kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận là lễ hội có nhiều mô hình đèn trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam, mới thấy hết vốn kiến thức, óc sáng tạo vô cùng phong phú, sự kỳ công và hơn hết là tâm huyết của những nghệ nhân đường phố như anh Toán, anh Kiên và đội ngũ cộng sự với món tạo hình rất nghệ thuật này.

Anh Phạm Ngọc Toán chia sẻ, để làm các mô hình, người thợ như anh phải chọn chủ đề, ngoài truyền thống các mô hình phải có tính giáo dục và thẩm mỹ. Đây là lý do mà các mô hình trong Lễ hội đường phố luôn gần gũi với người dân, đặc biệt là trẻ em. Những nhân vật truyền thuyết trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam như: Thánh Gióng; Hai Bà Trưng; Bà Triệu cưỡi voi ra trận; Hưng Đạo vương - Trần Quốc Tuấn; những tích truyện cổ tích, ngụ ngôn như: Tấm Cám, Đám cưới chuột, Trí khôn của ta đây, chú Cuội chơi trăng... Gần đây, hình tượng người chiến sĩ bảo vệ an ninh, biên cương Tổ quốc cũng được mô phỏng. “Nghệ nhân” Toán bảo, những năm qua, trung bình mỗi năm, anh và đội ngũ cộng sự sản xuất ra khoảng trên 50 - 60 mô hình nhưng không có mô hình nào trùng lặp về kích thước, mẫu mã, thần thái.

“Nghệ nhân” Phạm Ngọc Toán, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang trang trí mô hình tham gia Lễ hội thành Tuyên 2022.

Trước đây, nguyên liệu làm mô hình chủ yếu là xốp, tre nứa, vài năm gần đây vật liệu đã được thay đổi để đảm bảo độ bền hơn và tính an toàn cao hơn như: sắt, thép, tre, nhựa mica... “Nghệ nhân” Toán tiết lộ, sở dĩ những năm gần đây các mô hình trong Lễ hội đường phố trở nên tinh xảo hơn, người thợ như anh đã ứng dụng cả công nghệ 3D - công nghệ tiên tiến bậc nhất để tạo hình. Tạo hình 3D xong, mới đến quá trình dựng khung, trong đó khâu chia tỷ lệ là rất quan trọng, mô hình càng to, càng nhiều chi tiết thì việc chia tỷ lệ càng khó và phải tính toán kỹ lưỡng. Mỗi mô hình có thể gồm 1 phần hay nhiều phần ghép lại. Theo lời anh Toán, điều ít ai biết đến, là việc dựng khung hình, bọc giấy thường được người thợ như anh làm ban ngày nhưng khi đi vào những tiểu tiết lại phải chờ khi tối trời. Bởi dưới ánh sáng của đèn, người thợ sẽ dễ dàng nhận biết để trang trí chuẩn nhất.  

Cũng theo “nghệ nhân” Tạ Trung Kiên, để làm một mô hình rất kỳ công, ngoài một “nhạc trưởng” thì cần cả ê-kíp. Anh Kiên dẫn chứng, các bước chính như: chia tỷ lệ, vẽ hình, lắp ráp, trang trí mình anh đảm nhận. Tuy nhiên, đến công đoạn cắt, dán mô hình là hệ thống cộng sự với khoảng 5 - 7 người. Thời gian làm một mô hình kéo dài từ 5 - 20 ngày, tùy theo kích cỡ, độ chi tiết, tinh xảo của mô hình. Đa phần các mô hình được làm bằng giấy đề-can hoặc nhựa mica mỏng. Theo anh Tạ Trung Kiên, các mô hình có thần thái, cốt cách hay không, phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó công đoạn trang trí đòi hỏi cao về độ tính thẩm mỹ. Làm được điều này mới tạo ra thần thái của mô hình. Cụ thể như những mô hình mô phỏng các vị anh hùng của dân tộc phải thể hiện được sự uy dũng của nhân vật. Ngoài ra là phải tính đến sự hài hòa giữa hình khối bảo đảm khi ánh sáng được thắp lên sẽ phô diễn nét đẹp của mô hình, tạo sức hút cho người xem. 

Lễ hội Thành Tuyên năm nay có gần 100 mô hình tham gia, với rất nhiều mô hình đặc sắc, các chủ đề từ truyền thống đến hiện đại. Điều này cho thấy sức sáng tạo vô cùng phong phú của những “nghệ nhân” như anh Toán, anh Kiên... và đội ngũ cộng sự. Những “nghệ nhân” đã mang đến những Tết Trung thu vui vẻ, ấn tượng cho trẻ thơ. Hơn cả đã góp phần không nhỏ tạo nên một lễ hội của sắc màu - một sản phẩm du lịch độc đáo nhất mời gọi, níu chân du khách gần xa.

Ghi chép: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục