Dạy “Đường về bản”
“Đường về bản” chỉ là một trong số rất nhiều những bài hát Then khác như: “Mùa xuân ơn Đảng”, “Tuyên Quang quê em”, “Trong xanh Khuôn Pén”... đã được cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, giáo viên dạy môn Âm nhạc - Giáo dục công dân, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh dạy cho những học sinh trong Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính của nhà trường. Cô Hồng cũng chính là người có sáng kiến thành lập Câu lạc bộ, đưa hát Then vào nhà trường.
Cô Hồng kể lại, cách đây hơn 12 năm trước cô cùng đội văn nghệ nhà trường được tham gia nhiều chương trình giao lưu khối các trường nội trú và ở nhiều nơi thấy họ giữ gìn văn hóa truyền thống rất tốt. Về trường cô tham mưu với Hiệu trưởng về ý định thành lập Câu lạc bộ hát Then của nhà trường và được đồng ý ngay. Thế là chỉ từ 10 cây đàn tính ban đầu được đầu tư, cô mày mò học hỏi và tình yêu với hát Then được nhen nhóm “thổi bùng” lên niềm đam mê đến tận bây giờ. Nhờ có cô Hồng rất nhiều lớp học sinh trưởng thành đi học, đi làm vẫn mang trong mình một tình yêu với hát Then, trở thành những hạt nhân trong các cơ quan, đơn vị...
Cô Hồng cho biết, lúc đầu cô chỉ nghe hát Then và rất thích nhưng để biết hát và chơi được đàn tính là cả một quá trình. Vậy nên cô đã tìm đến các nghệ nhân hát Then gạo cội của tỉnh như: nghệ nhân Hà Thuấn ở xã Tân An (Chiêm Hóa), nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến ở thành phố Tuyên Quang... để “tầm sư học đạo”, mời các thầy về dạy cô và trò trong Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính của nhà trường. Sau này đã có nhiều vốn kiến thức và hát Then, đánh đàn Tính thành thạo, cô Hồng chủ động truyền dạy lại cho các em học sinh của nhà trường.
Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng.
Cô Hồng bảo, hát Then là loại hình nghệ thuật dân gian rất đặc sắc nhưng hát Then sẽ bị mai một dần nếu không được truyền dạy cho thế hệ trẻ kế cận. Do vậy cô mong muốn, các em học sinh dân tộc thiểu số khi đã phải xa gia đình, học tập dưới mái trường nội trú thân yêu, các em không chỉ được các thầy, cô giáo dạy chữ mà còn giáo dục kỹ năng sống, dạy các em giữ gìn văn hóa dân tộc để sau này các em lớn lên tự hào về nguồn gốc của mình...
Em Vi Thị Tâm, dân tộc Tày, lớp 12B, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết: “Khi học ở trường nội trú em mới được học và biết hát Then. Việc tham gia Câu lạc bộ hát Then - đàn tính đã lấy lại được cân bằng sau những giờ học tập căng thẳng, để việc học hiệu quả hơn. Em rất ấn tượng với cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, dạy Âm nhạc bởi cô như người mẹ hiền luôn quan tâm, giúp đỡ chúng em. Em rất cảm ơn cô đã dạy em hát Then bởi mai này khi ra trường đi học, đi làm thì biết hát Then sẽ là một lợi thế, là động lực giúp chúng em tự tin và góp phần quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến mọi người...”.
Câu lạc bộ hát Then - đàn tính của trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh thu hút thường xuyên từ hơn 30 học sinh tham gia mỗi năm học, trong đó có rất nhiều học sinh thuộc các dân tộc khác nhau như: Tày, Dao, Mông... Hiện nay, Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn vào các ngày thứ 7 và chủ nhật trở thành hoạt động ý nghĩa để học sinh tham gia. Các thành viên Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, đã từng tham gia biểu diễn nhiều chương trình, sự kiện cấp tỉnh và dành được nhiều lời ngợi khen. Đặc biệt, trong các lần tham gia Festival các trường nội trú toàn quốc thì có 6 lần các tiết mục văn nghệ, trong đó có hát Then của nhà trường đạt Huy chương vàng, 1 lần đạt Huy chương Bạc tại Hội thi “Giai điệu tuổi hồng học sinh THPT” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Tâm huyết, sáng tạo trong công việc
Gắn bó với mái trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh hơn 25 năm, cô Hồng là người hiểu rất rõ về học sinh dân tộc, các em thường rụt rè, ít bộc lộ ra ngoài... chính vì thế việc tổ chức cho các em tham gia sinh hoạt vào các hoạt động tập thể sẽ giúp các em tự tin hơn.
Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh dạy hát Then cho học sinh.
Là giáo viên dạy môn Âm nhạc và Giáo dục công dân cô luôn gần gũi, nắm bắt hoàn cảnh từng em để động viên, chia sẻ giúp các em rèn luyện và học tập tiến bộ. Em Đặng Thị Chung, học sinh khối 12 cho biết, 3 năm học tập ở trường là 3 năm em tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính và cảm nhận hoạt động ý nghĩa này đã cho em có thêm những người bạn mới, hiểu biết về văn hóa dân tộc được mở rộng. Năm nay đã là năm cuối cấp và em có dự định thi vào trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Đây là một mục tiêu rất khó nhưng em sẽ cố gắng nỗ lực hết mình bởi mỗi khi nghĩ đến cảnh các thầy, cô trong trường quan tâm chúng em đến từng bữa ăn, giấc ngủ, dành cho chúng em những những gì tốt đẹp nhất thì chúng em phải quyết tâm thật nhiều.
Hoàn cảnh khó khăn, chồng mất, một mình cô giáo Bùi Thị Thu Hồng phải gồng gánh nuôi con học đại học song cô luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều năm cô đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.
Cô giáo Hà Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh nhận xét, cô giáo Bùi Thị Thu Hồng là người rất tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo trong công việc. Các hoạt động chuyên môn, hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà trường khi được trường và cấp trên giao cô Hồng đều cố gắng hoàn thành tốt nhất. Đặc biệt, cô Hồng đã phát triển, duy trì hoạt động hiệu quả của Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính của nhà trường, từ đó đã góp phần quan trọng trong công tác giáo dục học sinh giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học…
Các thế hệ học sinh của trường nội trú trưởng thành, “bay xa” mang theo trong mình tình yêu với hát Then. Đó chính là những hạt nhân giúp lan tỏa nét đẹp văn hóa độc đáo của mảnh đất, con người xứ Tuyên đến bạn bè muôn nơi.
Gửi phản hồi
In bài viết