Người cao tuổi tiên phong hiến đất
Những năm trước muốn đi lại hay vận chuyển nông, lâm sản người dân thôn Bản Tha, xã Hồng Quang (Lâm Bình) phải lội qua suối. Đây là con đường duy nhất dẫn vào khu sản xuất và đi lại thường ngày của 10 hộ dân tộc Mông sống bên kia suối. Mùa mưa lũ đến, xóm nhỏ bên kia suối thường xuyên bị cô lập, trẻ con không đi học được, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Từ khi có cầu mới đến nay, thôn nối thôn, xóm liền xóm, giao thông thuận tiện, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. Người dân nói vui: “Từ nay xe máy có thể chạy bon bon đi thăm ruộng, thăm đồi cây được rồi”. Có cây cầu mới đi lại thuận lợi, công lớn là nhờ gia đình ông Ma Đình Vệ, một trong hai hộ của thôn hiến hơn 500m2 đất để làm cầu.
Ông Vệ từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Ông Vệ bảo “Tôi may mắn được sống trong giai đoạn không còn chiến tranh, tôi biết ơn những đồng đội đã hy sinh để giành lại hoà bình cho đất nước. Tôi luôn nhắc mình phải phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Trong đó, phải biết cho đi quyền lợi riêng tư để mang lại những lợi ích chung cho cộng đồng”.
Cán bộ xã Hồng Quang (Lâm Bình) tuyên tuyền, vận động người dân hiến đất làm cầu.
Từ suy nghĩ đơn giản, là địa phương vẫn còn nghèo, không đủ kinh phí để vừa có thể đền bù giải phóng mặt bằng vừa có thể làm cầu, ông Vệ đã quyết định hiến phần đất sản xuất để nắn đường làm cầu mà không cần thôn phải vận động quá nhiều. Để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công ông đã huy động con cháu chặt bỏ hàng trăm cây keo 4 năm tuổi, tạo điều kiện thuận lợi thi công cây cầu. Đây không phải là lần đầu tiên ông Vệ hiến đất, những năm trước để có con đường rộng rãi đi vào thôn, ông Vệ đã hiến hàng trăm mét đất, lấp cả ao cá để đường thôn được mở rộng.
Hay câu chuyện bà Lương Thị Nhự, thôn Cả, xã Minh Thanh (Sơn Dương) năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng bà là người tiên phong hiến đất làm cầu. Đứng trên cây cầu mới, bà Lương Thị Nhự nói: “Từ nay đi làm đồng, thăm rừng không phải lội qua suối như trước nữa, ô tô, máy gặt, máy cày vào tận ruộng, người dân chúng tôi đỡ vất vả rồi”. Gia đình bà Nhự đã hiến hơn 50m2 đất sản xuất nông nghiệp để làm cầu. Dù nhiều điều ra tiếng vào về quyết định hiến đất nhưng bà vẫn bỏ ngoài tai. Không chỉ đi đầu hiến đất, bà Nhự vận động con, cháu cùng hiến đất để tạo điều kiện thi công cây cầu. Ngày cắm mốc xây cầu người dân xung quanh thấy bà nhổ bỏ những hàng lúa non nhường đất cho đơn vị thi công thế là người này nhìn người kia cùng nhau hiến đất giao mặt bằng. Theo bà Nhự, tấc đất, tấc vàng nhưng nghĩ về lợi ích chung mà hiến vài chục mét đất gia đình cũng không tiếc.
Phong thào hiến đất xây cầu đang lan toả ở những nơi có dự án làm cầu. Người dân hiểu rằng đây chính là cơ hội để thay đổi bộ mặt nông thôn nên người dân sẵn sàng hiến đất vì lợi ích chung. 38 cây cầu đầu tiên được xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh theo Nghị quyết 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 từ năm 2021 đã mang lại diện mạo mới, khởi sắc cho những thôn bản vùng sâu vùng xa. Tiếp nối những thành quả đã đạt được, năm 2022 sẽ có 36 cây cầu dân sinh tiếp tục được khởi công xây dựng tại các vùng còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vân tải, hiện tất cả các địa phương đã bàn giao mặt bằng đảm bảo đưa công trình khởi công đúng tiến độ đề ra.
Ông Ma Đình Vệ (bên trái) thôn Bản Tha, xã Hồng Quang (Lâm Bình) hiến hơn 500m2 đất làm cầu dân sinh.
Thêm những cây cầu
Với mục tiêu tăng cường kết nối hệ thống giao thông nông thôn vùng sâu vùng xa, từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng 200 cây cầu dân sinh. Thời điểm này một số cây cầu đã được khởi công.
Ngày động thổ thi công cây cầu Nà Kham, thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang (Lâm Bình), người dân như mở hội ăn mừng. Các hộ dân vui vẻ cắt bỏ một phần diện tích lúa đang trổ đòng tạo mặt cho đơn vị thi công. Trong đó có những hộ cắt bỏ cả sào lúa non như gia đình các ông Ma Đình Vàng, Ma Đình Bóng, Ma Đình Điện… Ông Ma Đình Điện chia sẻ: “Cây cầu là niềm mong mỏi bấy lâu nay của người dân chúng tôi. Dù có cắt bỏ lúa non hay hiến cả sào ruộng thì cũng không bằng lợi ích to lớn mà cây cầu mang lại ”. Không chỉ hiến đất gia đình ông Điện còn cho công nhân thi công cầu ở nhờ, cùng ăn, cùng sinh hoạt như những người thân trong gia đình.
Linh Phú là xã vùng khó khăn của huyện Chiêm Hoá. Với địa hình rừng núi, người dân sống không tập trung và bị chia cắt bởi nhiều con suối nhỏ. Tuy nhiên khi mùa mưa lũ về các thôn, bản thường xuyên bị chia cắt, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2021 xã được đầu tư xây dựng cầu tại thôn Nà Luông, hiện cầu đã hoàn thành 90% khối lượng thi công dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 9. Để giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá dễ dàng hơn, năm 2022, xã tiếp tục được đầu tư xây dựng 1 cầu tại thôn Khuổi Đấng. Anh Quan Văn Chiều, Trưởng thôn Khuổi Đấng cho biết, để làm được cầu sẽ có 8 hộ dân phải hiến gần 1.000m2 đất chủ yếu là đất sản xuất. Khi có chủ trương làm cầu, thôn tổ chức họp lấy ý kiến người dân. Mặc dù không có tiền đền bù nhưng tất cả các hộ có đất nằm trong phạm vi thi công cầu đều đồng tình hiến đất, thậm chí các hộ thúc giục đơn vị thi công sớm triển khai xây dựng cầu càng sớm càng tốt để mùa mưa lũ tới người dân có cầu đi lại thuận tiện.
Sức lan tỏa trong mỗi câu chuyện người dân hiến đất làm cầu là minh chứng rõ nét cho thấy Nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống. Đặc biệt, ở những nơi người dân còn khó khăn, thiếu thốn thì tấm lòng thơm thảo càng rõ nét. Để có thêm những cây cầu của ý Đảng, lòng dân thì vai trò của cán bộ và hệ thống chính trị ở cơ sở vô cùng quan trọng. Do vậy cần tăng cường tuyên truyền vận động để người dân thấy rằng mỗi một cây cầu hoàn thành đều có đóng góp của người dân, việc xây cầu phục vụ cho chính lợi ích của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết