Đèo Trám đồng lòng

- Đồng lòng, đoàn kết là truyền thống quý báu được giữ gìn bao đời nay của người Nùng thôn Đèo Trám, xã Tiến Bộ (Yên Sơn). Nhờ đoàn kết một lòng, cuộc sống của người dân Đèo Trám đã sang trang mới…

Đồng lòng làm đường

Cách đây mấy năm về trước, đường giao thông vào Đèo Trám rất vất vả vì chỉ có đường đất. Nay đường bê tông đã nối từ trung tâm xã Tiến Bộ, qua thôn Đèo Tượng tới Đèo Trám. Xe ô tô vào đến tận thôn. Đường bê tông uốn lượn qua sườn núi, bên dưới là những ngôi nhà sàn bê tông, mái lợp tôn xanh dương làm cho khung cảnh ở Đèo Trám thật nên thơ trong những ngày đông giá buốt.

Đồng chí Vũ Văn Chính, Bí thư chi bộ Đèo Trám dừng xe trước một tuyến đường bê tông dốc dựng thẳng đứng như để giới thiệu: “Tuyến đường này vừa hoàn thành trong năm nay dài hơn 300 mét, rộng 5 mét nhưng chỉ có 3 hộ đóng góp tiền để làm, Nhà nước hỗ trợ xi măng. Vì vậy, mỗi hộ phải đóng góp mấy chục triệu đồng để làm”. Đường bê tông nội thôn ở Đèo Trám giờ đã được bê tông tới 90%, chỉ còn 600 mét chưa bê tông được đưa vào kế hoạch của năm sau. Năm 2022, toàn thôn bê tông hóa được 2 tuyến đường dài 600 mét. Tuyến nào cũng có vài nhà dân nên số tiền mà nhân dân phải đóng góp khá lớn. Tuy nhiên, nhân dân đồng lòng thì khó mấy cũng hoàn thành.

Một tuyến đường bê tông dài 300 mét do Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để thi công.

Gia đình chị Hoàng Thị Rích là một trong ba hộ dân đóng góp số tiền 50 triệu đồng để thi công tuyến đường dài hơn 300 mét vừa hoàn thành. Gia đình chị còn hiến 300 m2 đất rừng để mở rộng tuyến đường từ 3 mét lên 5 mét. Chị Rích kể: “Gia đình mình trước đây là hộ nghèo, đường giao thông khó khăn lắm. Có cái gì bán được mang ra ngoài bán cũng khó, người ngoài vào mua cũng khó. Khi Nhà nước hỗ trợ xi măng, gia đình mình và hai hộ nằm trên tuyến đường bàn bạc dù đóng góp lớn mấy cũng phải làm.

Khi làm còn được bà con trong thôn đến hỗ trợ ngày công lao động nữa. Gia đình mình quyết định đóng góp số tiền 50 triệu đồng từ tiền bán rừng để làm đường. Tuyến đường hoàn thành giờ bán rừng có xe ô tô vào tận nhà thu mua rồi”. Chị Rích cười rạng rỡ khi nói về chuyện đóng góp để làm đường.

Giúp nhau làm nhà

Từ đằng xa đã nghe tiếng cười nói rộn vang ở nhà anh Sùng Văn Chỉu. Chả là mấy hôm nay, nhà anh Chỉu đang làm ngôi nhà mới. Có khoảng 20 người to khỏe đang leo trèo lên mái, bốc vác vật liệu để giúp đỡ gia đình anh Chỉu. Hỏi ra mới biết, đây không phải là thợ do anh Chỉu thuê mà toàn bộ là người dân trong thôn, hàng xóm láng giềng và anh em đến giúp đỡ ngày công.

Anh Chỉu cho biết, phong tục giúp nhau làm nhà, giúp nhau khi có khó khăn, hoạn nạn, có công to việc lớn của người Nùng trong thôn đã được duy trì lâu đời ở đây. Bất kể khi gia đình nào làm nhà, thôn đều biết. Mỗi nhà cử từ 1 đến 2 người đến giúp đỡ chủ nhà ngày công từ khi bắt đầu cho tới khi hoàn thành xong ngôi nhà mới thì thôi. Gia chủ làm một mâm cơm chiêu đãi, cảm ơn tấm lòng của dân làng chứ người đến giúp đỡ không đòi hỏi gì. Người Nùng ở đây quan niệm: “Cho đi rồi nhận lại, mình giúp người, người giúp mình”.

Bởi vậy, khi người Nùng làm nhà mới, các hộ trong thôn tự đến giúp, chủ nhà không phải đến từng hộ để nhờ vả. Thanh niên trong thôn khỏe mạnh, có sức vóc thì trèo lên lợp mái, dựng cột, đắp nền, còn những người già hơn và phụ nữ thì phụ giúp những việc nhẹ. Gia chủ cũng bớt đi kinh phí thuê thợ. Do đó, áp lực để làm một ngôi nhà mới đối với mỗi hộ cũng giảm đi. Hiện nay, ở Đèo Trám, 100% người dân đã có nhà kiên cố, không còn nhà tạm, dột nát, có tới 50% số hộ có nhà sàn bê tông mới. Ông Hoàng Văn Chấn ba hôm nay đã đến phụ giúp nhà anh Chỉu làm nhà mới cho biết: “Nhà mình ngày nào cũng sắp xếp công việc gia đình để có người đến giúp anh Chỉu. Có ngôi nhà mới, gia đình anh Chỉu an cư lạc nghiệp, bà con trong thôn cũng yên tâm, phấn khởi”.

Những ngôi nhà tiền tỷ từ trồng rừng ở Đèo Trám.

Ở Đèo Trám đã có biết bao ngôi nhà đã được xây dựng từ tình đoàn kết như vậy. Từ những ngôi nhà ấm tình làng nghĩa xóm, người dân ở Đèo Trám ngày càng đoàn kết, gắn bó.

Làm giàu từ rừng

Đèo Trám có 43 nóc nhà, gần 100% người Nùng sinh sống nhưng có trên 150 ha rừng trồng sản xuất. Bí thư chi bộ Vũ Văn Chính cho biết, người Nùng ở Đèo Trám những năm gần đây giàu lên nhờ rừng, có hộ thu tiền tỷ từ rừng, thoát nghèo từ rừng. Người nọ bảo người kia cách trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao, nhà nhà thi đua trồng rừng. Bởi vậy, đời sống đi lên từ rừng.

Trước đây, gia đình anh Tráng Văn Sò là hộ nghèo. Gia đình anh cũng có khoảng 10 ha đất đồi nhưng chưa tập trung đầu tư trồng rừng. Sau khi được cán bộ xã, thôn vận động và học hỏi kinh nghiệm trồng rừng của các hộ trong thôn, gia đình anh Sò đã tập trung phát triển kinh tế rừng. Năm 2021, gia đình anh được khai thác lần đầu 3 ha rừng, thu về gần 200 triệu đồng. Có tiền từ rừng, anh đầu tư chăn nuôi lợn, gia cầm. Đời sống từng bước ổn định. Cũng năm đó, anh xin thoát nghèo. Hiện nay, 7 ha rừng của gia đình anh đang chuẩn bị khai thác, hứa hẹn sẽ cho nguồn thu nhập khá.

Dẫn tôi đến ngôi nhà to nhất của thôn, Bí thư chi bộ Vũ Văn Chính cho biết, đây là hộ anh Hoàng Văn Vần. Anh Vần đang sở hữu diện tích rừng trồng lớn nhất thôn với diện tích 15 ha. Anh Vần cho biết, diện tích rừng của gia đình anh khai thác lần 1 được 1,2 tỷ đồng. Vừa qua có 2 ha, gia đình anh đã khai thác lần 2, thu về 200 triệu đồng. Anh Vần kể: “Ngoài trồng rừng, mình và nhiều hộ khác còn bảo nhau đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Chẳng hạn như trồng rừng thuê, khai thác rừng thuê. Tiền đi làm thêm để trang trải chi phí trong gia đình và lấy ngắn nuôi dài. Vì trồng rừng phải vài năm mới cho thu tiền. Nhưng dân làng vẫn bảo nhau trồng rừng. Có trồng rừng, đời sống mới ổn định như bây giờ”.

Ông Hoàng Văn Sán, người có uy tín trong thôn kể: “Từ khi chuyển từ nơi khác về Đèo Trám khai hoang, lập nghiệp, người Nùng đã gìn giữ tục cúng thần rừng. Người Nùng Đèo Trám nguyện giữ lời thề bảo vệ rừng, phát triển rừng để có cuộc sống no ấm. Bởi vậy, người Nùng ở đây đều động viên nhau trồng rừng là công việc chính và mang lại thu nhập chính”.

Đèo Trám như một thung lũng nhỏ, bao quanh bởi dãy núi xanh ngắt từ rừng. Từ tinh thần đoàn kết một lòng, người Nùng nơi đây không những gìn giữ những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình mà còn làm cho cuộc sống mới ngày càng ấm no, trở thành điểm sáng về tình đoàn kết để nhiều nơi khác học tập.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục