Hành trang vào đời

- “Mình luôn cố gắng cho con có cái chữ, có kiến thức để sau này các con bươn chải với đời”. Đó là lời bộc bạch chân thật của nhiều nông dân ở xã Trung Yên (Sơn Dương). Từ suy nghĩ đó đã có nhiều gia đình ở xã thuần nông này rất coi trọng việc học, dù có khó khăn đến mấy nhưng họ vẫn quyết tâm nuôi các con được học hành đến nơi đến chốn.

Tiếp nối truyền thống hiếu học
Trong những ngày này, ông Nông Hoài Quang, 72 tuổi, dân tộc Tày ở thôn Quan Hạ, xã Trung Yên miệt mài dõi theo kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội trên các phương tiện truyền thông. Ông Quang rất mừng vì quê hương, đất nước đang ngày càng đổi mới, vượt qua dịch bệnh Covid-19 để tăng trưởng.

Ông Quang bảo, nếu không học, không chịu tìm hiểu, không theo dõi thời sự thì làm sao nắm được những chủ trương, chính sách, những hoạch định của Đảng và Nhà nước được. Chính vì thế từ trước đến nay, ông luôn nhắc nhở các con phải “học nữa, học mãi”, học để có kiến thức làm việc hiệu quả hơn. Gia đình ông Quang có 7 người con thì đều được ông bà nuôi ăn học, trưởng thành, trong đó 4 người đi học đại học, cao đẳng hiện đang công tác tại các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và tỉnh Hà Giang.

Bản thân ông Quang là người ham học từ nhỏ. “Hồi đó cứ đến lớp được nghe thầy giáo giảng là mắt lại sáng long lanh vì với mình cái gì cũng thật mới mẻ, lạ lẫm, càng học càng cuốn” - ông Quang kể. Học xong phổ thông, ông còn học lên trung cấp kế toán rồi làm cán bộ hợp tác xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã... Cuộc sống thời bao cấp rất khó khăn, thiếu thốn nhưng ông, bà luôn động viên các con cố gắng đi học cái chữ để sau này lập nghiệp. Tinh thần hiếu học từ người cha đã lan truyền, tiếp thêm động lực cho các con vượt khó vươn lên...

Ông Nông Hoài Quang cùng con trai Nông Văn Đủ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Yên và lãnh đạo,
cán bộ xã theo dõi Báo Tuyên Quang.

Anh Nông Văn Đủ là con trai cả của ông Quang hiện là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Yên cũng đã từng trải qua những tháng ngày ăn cơm trộn sắn để đến trường. Anh Đủ nhớ lại: “Có những lúc vì khó khăn quá định xin bố mẹ tạm hoãn việc học để phụ giúp gia đình nhưng bố gạt phắt đi. Bố bảo, việc học là không thể trì hoãn được, dù khó khăn đến đâu nhưng nhất quyết ông phải để các con tới trường, các con có sức học đến đâu ông nuôi đến đó...”.

Anh Nông Văn Đủ đến nay đã trải qua nhiều cương vị khác nhau và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những lời dạy của bố mẹ về việc học, đạo nghĩa làm người... đã giúp anh trưởng thành và nỗ lực hết sức mình trong công việc.

“Tài sản” vô giá

Câu chuyện của gia đình ông Hà Mạnh Hùng và bà Ngô Anh Tân ở thôn Ao Búc, xã Trung Yên nuôi 4 người con gái học đại học từng là đề tài bàn tán của nhiều người. Có người bảo “con gái là của người ta, nuôi ăn học làm gì cho mệt”, có người lại bảo “tiền nuôi ăn học ấy thà để đầu tư làm ăn thì hơn”...

Thế nhưng bỏ qua mọi lời gièm pha, ông Hùng, bà Tân vẫn quyết tâm nuôi các con đi học dù 2 vợ chồng chỉ làm nghề nông. Bà Tân bảo: “Mình không có gì cho con nên cố gắng nuôi con ăn học, có kiến thức để sau này bươn chải với đời. Khi con nhận được giấy báo đỗ đại học nó nhảy lên vui sướng, mẹ cũng không cầm được nước mắt vì hạnh phúc”. Nhưng gánh nặng tiền bạc nuôi con ăn học khiến ông bà có lúc cũng căng thẳng nhưng thật may Nhà nước quan tâm triển khai chương trình vay vốn ưu đãi dành cho sinh viên đã đỡ đi phần nào.

Gia đình bà Tân có 4 người con đều đi học đại học, trong đó người con đầu học Đại học Văn hóa Hà Nội, người con thứ 2 học Đại học Công đoàn, 2 người con sinh đôi học Học viện Hành chính Quốc gia và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Đến nay, bà Tân còn nhớ như in lần 2 người con sinh đôi cùng đỗ đại học, nhiều người khuyên bà nên cho một đứa nghỉ chứ nuôi 2 đứa cùng lúc làm sao kham nổi. Nhưng là người mẹ, bà trằn trọc lắm bởi chẳng biết cho đứa nào nghỉ khi cả 2 đứa đều học giỏi. Cho đứa nào nghỉ cũng không đành, thế nên trước hôm các con nhập trường bà lặng lẽ vác sổ đỏ đi cắm ngân hàng. Ông Hùng, chồng bà Tân bảo: “Tôi rất ủng hộ vợ, làm cha mẹ ai chẳng thương các con, đời mình khổ nhiều rồi mình cố gắng làm lụng thêm chút nữa để nuôi các con ăn học, sau này các con có cái nghề làm hành trang vững bước vào đời”.

Gia đình ông Hà Mạnh Hùng và bà Ngô Anh Tân ở thôn Ao Búc là gia đình hiếu học tiêu biểu của xã Trung Yên.

Hiện nay, các con của gia đình ông Hùng bà Tân đều đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định. Gia đình ông bà đã trả hết nợ cho ngân hàng, xây dựng được nhà khang trang nhưng ông bà vẫn giữ lại ngôi nhà vách đất năm xưa như là một kỷ niệm khó quên của một thời gian khó. Ông bà bảo, bao nhiêu năm vất vả ngược xuôi lo cho các con ăn học thì nay nhìn các con trưởng thành ông bà thấy như được đền đáp, đúng là “tài sản” lớn nhất của mình chính là con cái, các con trưởng thành chính là điều hạnh phúc nhất cuộc đời.  

Xây dựng điểm sáng

Nhiều gia đình ở Trung Yên luôn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng đã cố gắng nuôi các con ăn học thành tài, tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Ngọc Giao ở thôn Yên Thượng nuôi 5 người con học đại học, cao đẳng. Gia đình ông Đào Xuân Điều ở thôn Quan Hạ có 5 con, trong đó nuôi 3 người đi học đại học, cao đẳng trở thành sỹ quan quân đội, y sỹ và cán bộ khuyến nông. Gia đình bà Đặng Thị Định ở thôn Trung Long có 6 người con, trong đó có 4 người học hành thành đạt công tác ở Bộ Quốc phòng, cán bộ tại địa phương và làm chủ doanh nghiệp về công nghệ thông tin tại Hà Nội...

Hàng năm, xã Trung Yên tổ chức đánh giá công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn. Thông qua đó phát hiện những mô hình khuyến học hiệu quả, tuyên dương những gia đình hiếu học tiêu biểu tạo điểm sáng để mọi người học tập, noi theo. Đồng chí Ma Văn Tụ, Chủ tịch UBND xã Trung Yên cho biết, trong 5 năm qua, Hội khuyến học xã và các chi hội đã tổ chức khen thưởng hơn 2.000 lượt học sinh đạt học sinh giỏi các cấp. Cùng với đó hoạt động ủng hộ quỹ khuyến học luôn được các gia đình, dòng họ và cộng đồng quan tâm với phương châm “Người người làm khuyến học, nhà nhà làm khuyến học và cả xã hội làm khuyến học”. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn dân về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao dân trí và đời sống nhân dân trên địa bàn.

Nhờ tinh thần hiếu học, sự quan tâm, giáo dục từ gia đình và việc triển khai hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn đã tạo động lực để những người con xã Trung Yên thi đua học tập, rèn luyện trở thành công dân có ích trong xã hội.

Phóng sự: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục