Hiện thực giấc mơ sau xuất khẩu lao động

- Trở về nước sau nhiều năm làm việc xa quê hương, người lao động đã tích cóp được khoản vốn khởi nghiệp. Những mô hình kinh tế được tạo dựng từ nguồn vốn ấy đang phát huy hiệu quả, giúp nhiều gia đình trước đây là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Đóng góp cho quê hương

Sau thời gian đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhiều người trở về quê với “hành trang” là số tiền công lao động khá lớn cùng những kiến thức, kinh nghiệm quản lý, ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp học hỏi được từ xứ người để gây dựng cuộc sống cho mình và gia đình. Chị Chẩu Thị Hiến, thôn Tống Pu, xã Bình An (Lâm Bình) là một người như thế.

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý đất đai, Khoa Tài nguyên môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chị Hiến quyết định đi XKLĐ. Chị cho rằng, đi theo con đường này sẽ giúp chị trả khoản nợ cho gia đình. Chị Hiến tâm sự, gia đình chị là hộ cận nghèo, để có tiền nuôi chị ăn học, gia đình chị đã phải vay mượn của anh em, bạn bè. Nhờ chăm chỉ làm việc và chi tiêu tiết kiệm, năm 2018, sau khi về nước, chị không chỉ trả hết các khoản gia đình vay mượn mà còn dư trên 500 triệu đồng. Số tiền này, chị đã giúp bố mẹ xây dựng một ngôi nhà khang trang và có thêm chút vốn để tăng gia sản xuất. Cũng từ đó, gia đình chị thoát khỏi hộ cận nghèo.

Với sự năng động, ham học hỏi, nhất là giỏi tiếng Nhật, sau khi về nước, chị Hiến đã xin về làm việc tại Công ty Cổ phần Traenco Quốc tế (Hà Nội), đến năm 2020, chị được điều động làm trưởng văn phòng đại diện tại huyện Lâm Bình. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay, văn phòng của chị đã giới thiệu, tư vấn gần 100 người tham gia XKLĐ tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan với các ngành nghề cơ khí, xây dựng, trồng rau… Điều đặc biệt, hiện nay, công ty còn hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn muốn đi XKLĐ.

Ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Thế Anh, xã Yên Phú (Hàm Yên) được xây dựng từ tiền tích lũy đi XKLĐ.

Em Nguyễn Văn Rực, tổ dân phố Đon Đả, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) là một người được tư vấn hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đi XKLĐ tại Đài Loan cho biết: “Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình em gồm 5 người chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng và công đi làm phụ hồ của bố. Được chị Hiến và các anh chị tư vấn nên ngay sau khi tốt nghiệp THPT em đã đi học tiếng để đi XKLĐ. Biết được hoàn cảnh gia đình, Công ty hỗ trợ gia đình em 60% chi phí xuất khẩu lao động. Sau hơn 1 năm qua Nhật Bản, em cố gắng làm việc, chi tiêu tiết kiệm, em đã phụ giúp cho gia đình rất nhiều. Khi trở về nước, em hy vọng được làm việc trong công ty để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn giống em trước đây”.

Xuất ngoại để thoát nghèo

Đến thăm nhà gia đình anh Nguyễn Văn Thế Anh, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) trước mắt chúng tôi là cơ ngơi khang trang. Qua câu chuyện anh kể, chúng tôi hiểu rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay là cả quá trình phấn đấu, dựng xây không ngừng nghỉ, làm việc cật lực bên nước bạn, có nguồn vốn tích lũy để về quê gây dựng, phát triển kinh tế. Anh Thế Anh tâm sự với chúng tôi về quá trình lập nghiệp của mình: “Lúc đó có mấy người bạn đi làm ăn ở Nhật Bản về kể chuyện sang bên đó làm việc mỗi tháng trừ tiền sinh hoạt cũng bỏ ra được khoảng 15 -20 triệu đồng.

Để có vốn làm ăn, tôi bàn với gia đình vay mượn họ hàng và ngân hàng lấy tiền đi XKLĐ. Nói là làm, năm 2015 anh quyết định đi XKLĐ ở Nhật Bản. Sau ba năm lao động chăm chỉ bên xứ người, khi trở về nước, tôi dùng số tiền tiết kiệm được xây được một ngôi nhà khang trang, phát triển kinh tế với mô hình trồng cây ăn quả, vườn rừng, thu mua, sản xuất chè. Từ quy mô nhỏ, đến nay tôi đã có 5 ha quế, 1.600 trụ thanh long, 1 xưởng thu mua, chế biến chè”.

Chị Chẩu Thị Hiến tư vấn, hướng dẫn người dân làm hồ sơ XKLĐ.

Sau khi đi vào hoạt động ổn định, có lợi nhuận, đến nay anh Thế Anh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương từ 5 - 6 triệu/người/tháng và 6 người lao động theo thời vụ. Hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm anh Thế Anh thu lợi trên 200 triệu đồng.

Ngắm nhìn đàn bò gần 30 con và hàng chục con gà, lợn đen, anh Đặng Văn Nghị, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) vẫn ngỡ như một giấc mơ. Cái nghề chăn nuôi này vốn chẳng xa lạ gì với một nông dân như anh, nhưng để anh có được mô hình chăn nuôi như hiện nay là điều mà trước kia anh không bao giờ nghĩ đến.

Sau bao đêm trăn trở, anh Nghị đã quyết định đi XKLĐ tại Nhật Bản để… thoát nghèo.

Với ý chí và nghị lực, 2 năm lao động ở xứ người, nhờ chăm chỉ học hỏi, làm việc, anh Nghị tích góp được số vốn kha khá để về quê khởi nghiệp. Anh dùng một phần số tiền đó để sửa sang căn nhà cho bố mẹ, số còn lại anh đầu tư vào phát triển chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi gà và lợn đen. Sau gần 2 năm làm kinh tế, đến nay, anh đã có một mô hình kinh tế chăn nuôi với gần 30 con bò sinh sản, hàng chục con gà, con lợn.

Mỗi người lựa chọn cho mình lối đi riêng và xuất khẩu lao động cũng là một con đường để đi tới thành công. Và với ai biết tận dụng cơ hội, biết tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng và vốn sống, chắc chắn khi trở về quê hương, họ sẽ thực sự vững vàng để lập nghiệp.

Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục