Khát vọng hòa bình

- Nhà thơ Tố Hữu từng viết “Trường Sơn đông nắng tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”. Quả thực, hành trình tri ân các anh hùng liệt sỹ của Đoàn công tác Báo Tuyên Quang do đồng chí Mai Đức Thông, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh làm trưởng đoàn về với các địa danh lịch sử: Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Nghệ An), Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị) vừa qua đã thức tỉnh mỗi người chúng tôi về trách nhiệm của tuổi trẻ, về khát vọng được sống và cống hiến hết mình cho hòa bình và sự phát triển của quê hương, đất nước hôm nay.

Hóa tượng đài trong mùa xuân dân tộc

Bởi đây là chuyến đi mang nhiều ý nghĩa đặc biệt nên Đoàn công tác chuẩn bị rất kỹ và chu đáo các điều kiện cho chuyến hành trình tri ân. Ngoài những vòng hoa tươi thắm, trái cây, nén hương thơm, bánh kẹo, chè là đặc sản của Tuyên Quang được sắp xếp gọn gàng, trước ngày đi, đồng chí Tổng Biên tập còn trực tiếp đi tìm nguồn nước giếng khơi, đóng thùng cẩn thận mang theo trong suốt hành trình dài hơn 700 km để dâng lên anh linh các anh hùng liệt sỹ quê Tuyên Quang - Hà Giang nằm lại tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Bởi có một niềm tin trong chúng tôi rằng, nguồn nước quê hương trong trẻo, mát lành ấy sẽ giúp các anh xua bớt đi cái nắng “Khô rát thịt da, gió không xua nổi” của miền Trung.

Địa danh đầu tiên chúng tôi dâng lên nén hương thơm tri ân đó là Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn thuộc địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Truông Bồn là tuyến đường độc đạo, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1964 - 1968, đế quốc Mỹ đã trút xuống Truông Bồn gần 19 nghìn quả bom các loại, gần như san phẳng nơi này. Chỉ bằng một phép chia đơn giản đã cho thấy một con số rùng mình, cứ mỗi mét vuông, nơi đây phải gánh chịu sức công phá của hơn 3 quả bom tấn.

Những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong miền quê xứ Nghệ với trái tim và tâm hồn phơi phới tuổi đôi mươi “Quên cả hiểm nguy dưới mưa bom bão đạn/Nối những mạch đường cho bao chiếc xe thông”. Trong số hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ của Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước của tỉnh Nghệ An có 13 chiến sỹ “Tiểu đội cảm tử” thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317 đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Các chị, các anh hy sinh khi chỉ còn ít giờ nữa thôi, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom toàn miền Bắc, chỉ còn ít giờ nữa, họ sẽ bước chân về phía hòa bình. Cũng trong số 13 chiến sỹ thanh niên xung phong ấy có 8 người đã được xuất ngũ, 4 người chuẩn bị bước chân vào giảng đường nhưng vẫn tình nguyện ở lại chiến đấu.

Đoàn đại biểu Báo Tuyên Quang dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ
tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.    Ảnh: Huy Hoàng

Mang theo dòng cảm xúc nghẹn ngào, lắng đọng từ Truông Bồn, chúng tôi đến với Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là “chảo lửa”, là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Ngã ba Đồng Lộc không còn là một địa danh mà đã trở thành biểu tượng chung, một vùng đất đẫm máu xương và nặng nghĩa tình với nhân dân cả nước. Thắp từng nén nhang thơm, dâng lên anh linh các liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc và 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi lặng người trong hương trầm, trong dòng người khắp cả nước về viếng và trong cả tiếng thông reo như ru giấc ngủ mãi mãi tuổi đôi mươi của các anh, các chị.

Khác với bất kỳ nghĩa trang liệt sỹ nào, mỗi liệt sỹ đều có một nấm mộ nhưng đến với di tích Thành cổ Quảng Trị được ví như nghĩa trang không có nấm mộ cho riêng ai mà chỉ có một nấm mộ chung - Đài tưởng niệm được mô hình hóa là nấm mộ chung cho những liệt sỹ đã anh dũng nằm xuống trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972. Các anh hy sinh có những hài cốt không còn nguyên hình hài nữa, máu của các anh đã hòa vào lòng đất để mỗi tấc đất, nhành cây, ngọn cỏ, mỗi bước chân chúng tôi vào Thành cổ thấm máu của bao người nằm xuống. Tại nơi đây, chính giữa lòng Đài tưởng niệm đặt hành trang của người lính: Một chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, một bi đông nước, một chiếc ba lô và khẩu súng AK. Giản dị, thân thương thế thôi mà các anh đã làm nên lịch sử trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Bởi vậy mà nếu ai đặt chân đến nơi đây đều được nhắn nhủ rằng: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Thành cổ trong xanh và lộng gió/Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây”.

Từ Thành cổ Quảng Trị chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn trong một sáng trời trong xanh vời vợi. Những tiếng chuông thỉnh vang vọng khắp ngọn đồi thông. Đây là nơi quy tập của 10.263 hài cốt liệt sỹ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, còn được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Những ngôi mộ liệt sỹ tại đây được quy tập từ cuối những năm 1974 và được chia theo 5 khu mộ trên tổng diện tích 39,6 ha. Ở mỗi khu đều có đài tưởng niệm riêng mang dáng dấp của quê hương. Khu mộ liệt sỹ tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang thuộc khu mộ 5 với 109 mộ liệt sỹ tỉnh Tuyên Quang và 45 mộ liệt sỹ tỉnh Hà Giang. Tại đây, đoàn chúng tôi thành kính dâng hương, hoa tưởng nhớ các anh. Dòng nước mát lành từ quê hương Tuyên Quang thân thương được tưới đều lên các phần mộ. Kỳ lạ thay, khi phần lễ kết thúc, giữa cái nắng cháy bỏng của trời Quảng Trị, một làn gió mát thổi vào người mát rượi. Ai trong chúng tôi cũng tin rằng, chắc hẳn ở cõi vĩnh hằng, các anh đều đã đón nhận dòng nước mát lành của quê hương.

Bất tử và hồi sinh

Chắc chắc khi đến với những địa danh lịch sử Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị hay Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, chúng tôi cảm nhận rõ đổi thay và hồi sinh mạnh mẽ của mảnh đất xưa kia từng được mệnh danh là “tọa độ chết”, “mùa hè đỏ lửa”. Các khu di tích, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn không chỉ là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ, quy mô mà còn là công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật cao, được xây dựng vừa mang tính trữ tình, bi tráng, vừa mang tính linh thiêng, hướng mỗi người tìm về nguồn cội.

Đây không chỉ là những “địa chỉ đỏ” mà còn là điểm du lịch lịch sử nổi tiếng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho bao thế hệ. Công tác này đang được các tỉnh có khu di tích và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn làm tốt. Đồng chí Hoàng Chí, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn cho biết, hạ tầng của Nghĩa trang ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân liệt sĩ và người dân khắp cả nước về thăm viếng. Hàng năm, các khu mộ của các tỉnh, thành phố đều được các tỉnh, thành phố chú trọng đầu tư tôn tạo, tu bổ phần mộ, lát gạch, quét sơn, trồng cây xanh… làm cho khuôn viên của nghĩa trang ngày càng xanh, đẹp. Hệ thống điện chiếu sáng ở các khu mộ đều được đầu tư đồng bộ thuận lợi cho thân nhân liệt sỹ và người dân khắp cả nước về thăm viếng.

Ban Quản lý đã đưa hệ thống xe điện vào phục vụ người già, người khuyết tật đến thăm viếng. Tại khu mộ của các liệt sỹ Tuyên Quang - Hà Giang, từ cuối tháng 5-2022,  2 tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang đã phối hợp với Ban Quản lý Nghĩa trang Trường Sơn triển khai tôn tạo, tu bổ một số hạng mục trong khu mộ, vật liệu xây dựng như cát xây và nước đã được mang từ Tuyên Quang và Hà Giang vào để thi công. Những hạng mục này đã hoàn thành trước ngày 1-7.

Tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Nghệ An), Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, mỗi năm lượng lượt khách trong cả nước tìm về đây đều tăng, riêng năm nay theo dự đoán của các Ban quản lý có thể tăng từ 2 đến 3 lần so với những năm trước. Các địa danh này đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị quan tâm đầu tư, kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và nhân dân xã hội hóa đầu tư hạ tầng khang trang. Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn có diện tích 22 ha với 22 hạng mục công trình. Khu di tích cũng vừa được đầu tư tôn tạo thêm chứng tích bãi bom cùng với việc sưu tầm nhiều hiện vật lịch sử khác. Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc có diện tích 107,5 ha với 13 công trình hạng mục.

Đồng chí Đào Anh Tuân, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Di tích cho biết, hiện nay, Khu Di tích đang được đầu tư xây dựng thêm hồ sinh thái với hệ thống cây xanh bao quanh, đảm bảo sẽ tạo ra một không gian xanh mát hơn cho Khu Di tích. Còn tại Thành cổ Quảng Trị, những năm gần đây, một số hạng mục công trình như Đài Tưởng niệm, Nhà phục vụ, đón tiếp khách vừa được đầu tư mới và tôn tạo. Bên cạnh đó, từ nguồn xã hội hóa, Thành cổ Quảng Trị còn được đầu tư một vườn tượng điêu khắc với 22 tác phẩm điêu khắc tái hiện lại Thành cổ Quảng Trị trong khói lửa và trong hòa bình.

Từ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, trên hành trình tri ân, Đoàn công tác của Báo Tuyên Quang còn về dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Người căn dặn Đảng ta, nhân dân ta phải quan tâm chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đoàn chúng tôi đã thành kính báo cáo với Bác về kết quả chuyến đi và các hoạt động tri ân thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng thời gian qua của Báo.

Hành trình tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ từ Tuyên Quang đến Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị) khơi lên trong mỗi chúng tôi cảm xúc tự hào bất tận.  Công lao to lớn của những liệt sỹ sẽ mãi mãi tạc vào trái tim mỗi người dân Việt Nam để rồi hóa thân thành dáng hình đất nước tươi đẹp và thanh bình.

Xin mượn những lời thơ trong bài thơ “Lời ru Trường Sơn” của thi sĩ Hoàng Cẩm Giang để bày tỏ lòng thành kính trước các anh hùng, liệt sỹ Trường Sơn: “Anh cứ ngủ yên giấc nghe anh/Khoảng trời xưa bốn mùa êm dịu nắng... Trường Sơn thương anh nên rừng lá đỏ/Và mây lặng im - mây trắng đến bây giờ”.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục