Vượt khó…
Những ngày đầu về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hàm Yên, chị không khỏi nản lòng vì cơ sở vật chất thiếu thốn, điện chưa có, phải đi vài cây số mới lấy được nước về dùng. Khu nhà làm việc xập xệ, trang thiết bị thiếu đủ thứ, thiếu cả nhân lực, chỉ có duy nhất chị làm công tác xét nghiệm. Chị vẫn nhớ như in những buổi tối thắp đèn dầu để soi kính hiển vi...
Nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua để bám trụ với nghề mình đã chọn. Đến nay, chị vẫn nhớ khi mới sinh con đầu lòng, con thì nhỏ, công việc không có người thay thế, thời điểm đó, nhiều loại dịch bệnh xuất hiện như dịch sốt rét, tiêu chảy… Vừa làm xét nghiệm, vừa đi lấy mẫu hỗ trợ các xã trên địa bàn, con không có ai trông hộ. Hàng ngày, rồi có cả buổi đêm chị địu con trên lưng để làm việc.
Đợt ấy, ở xã Minh Khương dịch sốt rét bùng phát, chị địu con trên lưng đạp xe đến gần 1 ngày mới tới nơi. Hôm đó trời mưa tầm tã, đường lầy lội, có lúc ngã nhào nhưng vẫn phải chống tay để con không bị sao. Rồi lại đứng dậy đi tiếp, nước mắt hòa vào nước mưa... Thật may, cậu con trai của chị ngoan từ bé, không bao giờ ngầy mẹ cả. Chắc do hoàn cảnh như vậy, con chị đã biết sẻ chia từ khi còn bé như thế. Có lần nửa đêm có ca cấp cứu, chị phải đến bệnh viện, đành liều chị để con ngủ một mình, khi về nhà trời gần sáng, nhìn con vẫn ngủ say mà mắt chị cứ cay cay...
8 năm công tác tại Hàm Yên, qua nhiều lần chuyển nơi làm việc, đến năm 1999, chị được điều động về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Chị Hoàng Thị Mai Hương cùng đồng nghiệp làm các xét nghiệm.
Tìm thấy bình yên, hạnh phúc
Chị vừa nhận quyết định nghỉ hưu nhưng chị vẫn được lãnh đạo đơn vị đề nghĩ giúp đỡ đồng nghiệp chuyên môn xét nghiệm. Suốt 36 năm công tác, hình ảnh về chị - người cán bộ xét nghiệm chưa bao giờ ngơi nghỉ, luôn sẵn sàng nhận công việc khó vì sự sống của bệnh nhân, mãi là gương sáng cho đồng nghiệp trẻ noi theo.
Đã có rất nhiều bệnh nhân được cứu sống kịp thời từ những kết quả xét nghiệm của chị và các đồng nghiệp thực hiện. Chị Hương nhớ lại, năm 1992, khi còn đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hàm Yên (Hàm Yên), một lần chị bị sốt rất cao, nằm li bì, lúc đó khoảng 2 giờ sáng, ngoài trời rét đậm, mưa phùn, nhưng khi có tiếng đồng nghiệp gọi cửa đề nghị chị hỗ trợ xét nghiệm cho một bệnh nhân cấp cứu, chị như quên mình đang bị ốm, bật dậy, khoác thêm chiếc áo rét, một mạch đi đến bệnh viện. Sau khi lấy máu làm xét nghiệm cho kết quả xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và được cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch.
Trong những ngày tháng chống chọi với dịch Covid-19, Chị Hương đóng vai trò là chuyên gia hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị y tế tuyến huyện trong công tác phòng, chống dịch. Ngay từ đầu năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh, chị thường thâu đêm trong phòng thí nghiệm để trả kết quả cho các đơn vị, người dân. Có lúc, chị thấy lưng mình như gù xuống, đau nhức, nhưng vì nhiệm vụ chống dịch, chị đã vượt qua. Chị Hương chia sẻ, chị và các đồng nghiệp đều phải làm việc liên tục, gấp 2 đến 3 lần so với những ngày thường để cùng kiểm soát dịch bệnh. Có những đêm vừa ngả lưng xuống còn chưa kịp nhắm mắt thì lại nhận được điện thoại lên đường đi truy vết, lấy mẫu. Chống dịch quên thời gian, quãng đường về nhà thời điểm đó cứ xa vời vợi...
Chị Hoàng Thị Mai Hương, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét nghiệm với đồng nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng chia sẻ, chị Hương thực sự là người thầy, "bà đỡ" của những người trẻ trong khoa. Sự nhiệt huyết, trách nhiệm đó ở chị Hương thực sự là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo.
Công việc xét nghiệm luôn thầm lặng, nên mọi người thường nghĩ nhẹ nhàng, ít nhọc nhằn. Tuy nhiên thực tế đó lại là công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Không chỉ áp lực về thời gian, khối lượng công việc lớn, người làm xét nghiệm còn có nguy cơ lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào bởi trong bệnh viện, phòng xét nghiệm là nơi tập trung tất cả các bệnh phẩm nguy hiểm, nếu không may, không cẩn trọng sẽ bị phơi nhiễm. Nhưng, chị Hương đã hướng dẫn tận tình cho đồng nghiệp phòng tránh những điều này, bảo đảm an toàn nhất. Điều đó khiến đồng nghiệp cảm động và thực sự nhớ về một người chị, người đồng nghiệp đi trước đầy trách nhiệm.
Thời gian này, chị Hương vẫn tranh thủ hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cho các đồng nghiệp. Chị Hương bảo, dù làm bất cứ công việc gì, nếu mình yêu nghề, trọn tâm với nghề thì sẽ luôn cảm thấy bình yên, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết