Vượt lên gian khó
Thương binh Hà Hữu Độ ở thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) tham gia quân đội từ 17 tuổi. Sau một thời gian huấn luyện, đơn vị hành quân vào Nam tiếp sức cho tiền tuyến. Chiến tranh chống Mỹ kết thúc, ông tiếp tục được điều động về Huyện đội Quản Bạ (Hà Giang) giữ chức Đại đội trưởng.
Năm 1979, trong lần đi tuần tra biên giới Quản Bạ, ông không may bị trúng mìn, mắt trái bị mù vĩnh viễn, mắt phải thị lực chỉ còn 4%, vậy nên giờ ông phải đeo cặp kính dày cộp. Đôi chân thì không còn lành lặn... Sau một thời gian điều trị tại các trung tâm quân y, năm 1985, ông trở về quê nhà với chiếc ba lô sờn cũ và một cơ thể không còn lành lặn. “Những ngày tháng mới về quê, gia cảnh nghèo khó, con ốm đau, sức khỏe yếu, đôi lúc tôi thấy túng quẫn tưởng chừng không vượt qua được. Nhưng cứ nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh, thấy mình được trở về là may mắn rồi nên phải cố gắng vượt qua” - ông Độ chia sẻ.
Ông cùng vợ tích cực khai khẩn đất ruộng, đắp ao nuôi cá. Nhiều năm trời đánh vật với đất đồi, vợ chồng ông đã biến một khe núi hoang hóa thành 5 ha rừng keo, hơn 2.000 m2 ao thả cá, gần 1.000 m2 đất ruộng cấy lúa, trồng ngô… Giờ ở tuổi 75, được hưởng chế độ chính sách Nhà nước, nhưng ông vẫn cần mẫn cấy lúa, cắt cỏ nuôi cá, trồng rừng. Những ngày trái gió trở trời, chân của ông lại sưng tấy, đau buốt vào tận xương tủy. Thế nhưng ông nào đâu nao núng. Nhìn đôi chân bị tật, ông cười trấn an “không sao, chỉ cần vệ sinh, nghỉ ngơi là ổn ngay cháu ạ”. Gương mặt rắn rỏi, nụ cười hiền hậu của ông toát lên sự lạc quan, ý chí kiên cường. Tôi nhìn ông thấy tim mình như nghẹn lại.
Bệnh binh Nông Ngọc Hướng, thôn Làng Khây 1, xã Kiên Đài (Chiêm Hoá) chăm sóc đàn bò của gia đình.
Rời Làng Lạc, chúng tôi ngược lên xã vùng cao Kiên Đài (Chiêm Hóa) tìm gặp bệnh binh Nông Ngọc Hướng, thôn Làng Khây 1. Tay ông thoăn thoắt gom từng bó cỏ voi cho vào máy, rồi ông bảo, vào nhà uống nước, sẽ kể cho nhau nghe chuyện chiến trường... Năm 1974, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xung phong ra trận, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Hơn 10 năm phục vụ trong quân đội, trở về quê với chế độ bệnh binh, mất 71% sức khỏe, ông tiếp tục tham gia công tác địa phương. Hồi ấy, cuộc sống gia đình khó khăn lắm, nhìn lên nhìn xuống chỉ thấy những khoảnh đất trơ trọi. Bởi vậy, những ngày nghỉ, ông lại cùng vợ lên đồi cải tạo đất trồng sắn, ngô, trồng rừng. Từ một hộ “phải ăn cơm độn sắn, chưa ăn bữa trưa đã phải lo bữa tối năm nào, giờ đây gia đình ông đã có cuộc sống đủ đầy, ấm no”.
Giờ đây, ở tuổi 70, ông Hướng vẫn cần mẫn cùng các con thái cỏ chăm bò, chăm trâu. Chẳng khi nào người ta thấy ông ngơi tay. Bởi ông Hướng nghĩ, còn sức thì còn làm việc để thấy mình còn là người có ích. Đây cũng là suy nghĩ, hành động của nhiều thương binh, bệnh binh viết tiếp bản hùng ca thời bình.
Còn sức còn cống hiến
Toàn tỉnh có trên 38.000 hội viên cựu chiến binh, trong đó có trên 7.000 người là thương binh, bệnh binh. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bằng ý chí, nghị lực và lòng nhiệt huyết, những thương binh, bệnh binh không chỉ nỗ lực vươn lên hoàn cảnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, chiến thắng cái nghèo mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.
Tiêu biểu là ông Tạ Quang Vinh, thương binh hạng 3/4, tổ 12, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang). Gần 5 năm trong quân ngũ, tham gia chiến tranh chống Mỹ, ông Vinh đã để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường Tây Nguyên. Sau khi bị thương, ông chuyển ngành về công tác Ty Lương thực đến năm 1989 thì nghỉ chế độ một lần.
Thương binh Tạ Quang Vinh, tổ 12, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) giới thiệu
lịch sử Đền Mỏ Than cho đoàn viên của phường.
Cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng ông Vinh vẫn tích cực tham gia công tác xã hội với nhiều vai trò từ Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng dân phố 12. Đến nay, ông đã có 16 năm liền làm Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng dân phố. Trong suốt chặng đường đó, bóng dáng người cán bộ tổ dân phố với giọng nói nhẹ nhàng, phong thái điềm tĩnh đi khắp xóm phố để tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khu phố văn minh đã quen thuộc với người dân. Bất cứ gia đình nào có việc cần giúp đỡ là ông có mặt ngay để động viên, chia sẻ, cùng các gia đình vượt qua khó khăn.
Với sự cần mẫn, mẫu mực, ông đã đưa Chi bộ tổ dân phố nhiều năm liên tục đạt Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các tổ chức chính trị xã hội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Người dân trong tổ dân phố đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh. Tháng 6 vừa qua, tổ dân phố 12 tổ chức bầu tổ trưởng nhiệm kỳ mới, ông Vinh tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng. Đó là niềm vinh dự cũng là trọng trách nặng nề đối với ông.
Trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Tây Nam, ông Hoàng Minh Phúc, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) bị thương, tỷ lệ mất sức lao động 78%, nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nghỉ chế độ bệnh binh năm 1988, ông công tác ở xã với nhiều chức vụ khác nhau và hiện đang là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã. Từ một chi hội nhỏ có vài hội viên, đến nay đã phát triển 26 hội viên. Giữ vai trò cầu nối, ông thường xuyên đến các gia đình hội viên thăm hỏi, vận động nhau tích cực phát triển kinh tế gia đình, xoa dịu nỗi đau, vượt qua mặc cảm. Những ngày lễ, Tết, ông kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ để thăm hỏi, tặng quà hội viên, gia đình chính sách, coi đây là sự tri ân với đồng đội của mình đã ngã xuống cho cuộc sống hòa bình hôm nay.
Các thương binh, bệnh binh tuổi giờ đã cao nhưng chưa khi nào vơi nhiệt huyết, bởi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ sáng mãi nơi trái tim họ. Dẫu mang trên mình thương tích, nhưng bằng ý chí, nghị lực, họ đã vượt qua khó khăn, thử thách, nêu gương sáng trên mọi mặt trận.
Gửi phản hồi
In bài viết