Mở đường lên Bản Bung

- “Tấc đất, tấc vàng”, ấy vậy mà các hộ người Tày, Dao ở thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) đã không ngần ngại hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở đường giao thông, về bản. Dân bản ở đây bảo rằng, mở đường là mở hướng phát triển mới...

“Cán bộ phải nêu gương...”

Vượt qua con đường dốc đá dưới tán rừng già là một không gian choáng ngợp mở ra. Ấy là thung lũng lúa chín vàng và những nương ngô xanh ngắt. Lúa ngô men đến từng mái nhà sàn, nhà đất. Khắp bề là bạt ngàn rừng nguyên sinh, nào là đinh, lim, nghiến, lát, chò chỉ... Rừng núi chở che cho làng bản yên bình.

Đón chúng tôi ngay đầu bản, Bí thư Chi bộ thôn Triệu Thế Hải nói: “Đường được mở rộng ô tô đi vào thôn dễ dàng rồi. Đầu năm 2021 thôn cũng đã có điện lưới quốc gia, sáng bừng từng nếp nhà nhỏ”. Thôn có 49 hộ với 202 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Tày, Dao sinh sống hòa thuận từ nhiều đời nay. Ngày trước, người dân muốn ra xã, ra huyện thì chỉ có đi bộ thôi. Khi tỉnh có chủ trương làm đường giao thông từ trung tâm xã lên thôn, người dân phấn khởi lắm nhưng mắc ở chỗ là đi qua đất sản xuất của nhiều gia đình. Thôn tổ chức họp dân, cán bộ vào cuộc “nói để dân nghe, dân hiểu” nên nhà nào cũng đồng thuận cả. 

Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân trong thôn.

Để dân đồng tình và làm theo, cán bộ phải nêu gương, điều này Bác Hồ đã dạy rồi - Bí thư Chi bộ thôn Triệu Thế Hải chia sẻ. Anh đã đi đầu hiến 720 m2 đất ruộng 2 lúa của gia đình, thế là 38 hộ trong thôn noi theo, lần lượt đồng ý hiến đất mở đường. Tổng diện tích đất người dân hiến là hơn 1 ha để mở đường, hộ hiến nhiều đất nhất là hộ bà Nông Thị Hoài hiến 1.100 m2, hộ Ma Văn Tuyên hiến gần 1.000 m2, hộ Nông Thị Lan hiến 600 m2.

Ông Ma Văn Hoàng, một người dân trong thôn cho biết, đường đi qua phần đất ruộng của gia đình khoảng 1.000 m2. Thôn vận động gia đình hiến đất để làm đường, lúc đầu ông cũng phân vân, vì đất sản xuất còn đang thiếu, ai lại mang đi hiến. “Nhưng rồi hai vợ chồng bàn nhau, không có đường đi lại không vận chuyển hàng hóa ra ngoài tiêu thụ thì vẫn cứ nghèo thôi. Có đường, ô tô lên chở nông sản, hàng hóa đi tiêu thụ cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Nghĩ thế, vợ chồng ông đã nhất trí cho đi cả nghìn mét vuông đất mà không băn khoăn điều gì cả” - ông Hoàng chia sẻ.

Mở đường là mở tương lai

Đồng chí Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tương cho biết, Dự án hạ tầng du lịch thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang, trong đó xã Thanh Tương được đầu tư tuyến đường bê tông dài 6,6km từ trung tâm xã lên thôn Bản Bung với kinh phí 16 tỷ đồng, không có tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Nhờ sự đồng thuận hiến đất, góp sức làm đường của người dân đã tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt kinh phí thi công. Nền đường được mở rộng từ 2m lên 5m, vậy nên việc đi lại, mua bán hàng hóa dễ dàng hơn. Thương lái đến tận nơi thu mua nông sản nên thời gian gần đây người dân Bản Bung thâm canh tăng vụ, mạnh dạn đưa vào gieo trồng một số cây có giá trị cao, nhất là dưa hấu giúp người dân nâng cao thu nhập...

Một góc thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang).

Bản Bung có không khí trong lành, mát mẻ, con người nơi đây sống hòa mình với thiên nhiên, những nếp nhà truyền thống vẫn còn được lưu giữ, cảnh quan thơ mộng. Trong thôn có một khối đá khá độc đáo, người dân bảo rằng, đó là viên đá lửa của Tài Ngào, một người trong truyền thuyết có công lớn trong việc trị thủy giúp bản làng Na Hang tránh được những trận cuồng phong. Điều khiến nhiều người đến đây thực sự ấn tượng là quần thể nghiến hàng trăm năm tuổi đường kính 3 - 4 m nằm ngay bìa rừng như những chiếc điều hòa làm cho mùa hè ở đây không còn nóng nữa.

Trưởng Trạm Kiểm lâm Thanh Tương Lục Văn Thiên tự hào nói về trách nhiệm giữ rừng của người dân Bản Bung. Anh bảo, lực lượng Kiểm lâm mỏng, nếu không có người dân thì làm sao mà giữ được những cây rừng to đùng như vậy. Đây là “báu vật” không chỉ của Bản Bung mà của cả Na Hang để khách du lịch đến đây thưởng ngoạn. Huyện, xã đã có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái ở Bản Bung gắn với du lịch cộng đồng, vậy nên mở đường lên đây là điều lý tưởng mà xưa nay người dân nơi này chưa bao giờ nghĩ đến. 

Mở đường là mở ra tương lai, bởi từ thị trấn đến Bản Bung không còn xa nữa khi đường to ô tô đến được. Huyện sẽ xây dựng các tour du lịch sinh thái, du khách đi thuyền trên lòng hồ thỏa thích rồi lên Bản Bung ngắm cây cổ thụ, ngắm cảnh núi non trong không khí mát lành, được thưởng thức những món ăn đậm bản sắc, quả là điều khó có thể bỏ qua...

Ghi chép: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục