Nghề đi sớm về muộn

- Nghề đi sớm về muộn hay là nghề “làm dâu trăm họ”… mới chỉ phần nào nói lên sự vất vả trăm bề của nghề giáo viên mầm non. Các thầy, cô không chỉ dạy dỗ mà còn giống như người mẹ, người bạn thân thiết để gần gũi, chăm sóc và nuôi dưỡng cho trẻ phát triển một cách toàn diện…

Cái duyên với nghề

Đến nay đã hơn 20 năm gắn với nghề nuôi dạy trẻ, không biết bao nhiêu lứa “măng non” đã “qua tay” và trưởng thành nhưng đối với cô giáo Đặng Thị Hường, trường Mầm non Tân Trào (TP Tuyên Quang) tình yêu nghề vẫn cháy bỏng như ngày nào. Lý do cô Hường chọn học sư phạm như đã được sắp đặt từ trước, hồi thiếu nữ cứ thấy bóng dáng cô là cả lũ trẻ hàng xóm cứ bám lấy, trẻ nhỏ nào cô bế cũng theo. Có duyên với trẻ nên anh em, họ hàng thấy cô rảnh là mang con đến nhờ trông hộ, thành ra cô rất yêu bọn trẻ, ngày nào không được chơi với trẻ con là nhớ.

Học xong Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương I, cô Hường công tác ở Hà Nội vài năm rồi về trường Mầm non Tân Trào. Chồng làm bộ đội vắng nhà thường xuyên lại thêm công việc nuôi dạy trẻ phải dậy từ sáng sớm đến tận chiều tối mới về nhà khiến có lúc cuộc sống của gia đình cô có lúc thật “khó thở”. Cô Hường kể, có hôm gần 7 giờ tối vẫn chưa thấy gia đình học sinh đến đón cô sốt ruột không biết gia đình trẻ có chuyện gì gọi điện thoại mãi cũng không được, mãi sau thấy phụ huynh đến đón bảo cô giáo với lý do hết sức hồn nhiên “gia đình em quên”. Làm nghề này mình phải xác định việc đi sớm về muộn là “bất thành văn rồi” thế nên nếu được gia đình thông cảm, ủng hộ mới hoàn thành tốt công việc còn không thì rất khó, không ít trường hợp phải bỏ nghề giữa chừng…

Cô giáo Hà Thị Tính, trường Mầm non Hoa Hồng (TP Tuyên Quang) dạy trẻ nhận biết đồ vật.

Đối với cô giáo Lộc Thị Mừng, trường Mầm non Tân Tiến (Yên Sơn), mỗi ngày được đến trường với trẻ là một ngày vui dù chặng đường đến điểm trường đầy khấp khểnh, có lúc xe đâm vào ổ gà ngã dúi dụi, chân tay xây xát, cô lại nén đau tiếp tục đến trường vì các con đang chờ. Năm học mới 2022 - 2023, cô Mừng được phân công dạy học ở điểm trường thôn 1 (trước đây là thôn Roàng), đây là điểm trường xa nhất xã. Để đến điểm trường, cô giáo Mừng phải dậy từ hơn 5 giờ sáng để chuẩn bị hành trang đến lớp, cô phải trừ hao đến sớm nhất vì sợ phụ huynh lên nương sớm đến gửi con lại chưa thấy cô giáo đến. Đến cuối ngày, khi trời nhập nhoạng tối khi giao hết trẻ cô mới trở về cùng các con lo cơm nước rồi bảo ban bọn trẻ học bài…

Mỗi cô giáo một hoàn cảnh khác nhau nhưng trong họ đều có chung một tình yêu với nghề, dù khó khăn, gian khổ nhưng chưa bao giờ họ nản chí, trên môi luôn nở một nụ cười tươi. Các cô cười tươi, nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc trẻ đã tạo cho trẻ sự hứng thú để ngày mai các con lại mong muốn được đến trường để cho gia đình, bố mẹ các con yên tâm công tác. Anh Nguyễn Khắc Bình ở xã Sơn Nam (Sơn Dương) chia sẻ, đúng là mỗi lần đến đón con thấy các cô giáo mầm non thật vất vả, trong một lớp có em thì khóc, em đòi bế, em đòi đi vệ sinh… mà các cô cũng là người bình thường chứ có phải “trăm tay, nghìn mắt” đâu. Thế mà loáng cái lúc sau lớp học đã đâu vào đấy rồi!. Phải cảm ơn các cô lắm, nhờ có các cô mà các trẻ đến trường đều khỏe mạnh, chăm ngoan, lễ phép…

Cô giáo Đặng Thị Hường, trường Mầm non Tân Trào hướng dẫn trẻ chơi trò chơi.

Không có chỗ cho người sợ vất vả

Nói về mặt bằng chung so với các bậc học khác thì giáo viên mầm non không có cơ hội thu nhập tăng thêm như dạy thêm giờ, dạy ngoài giờ, đi trông thi… trong khi đó áp lực nuôi dạy trẻ là rất lớn. Theo thống kê, hiện nay mức thu nhập trung bình của giáo viên mầm non khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng, giáo viên mới ra trường là hơn 3 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 kéo dài, các giáo viên trường mầm non, nhóm trẻ tư thục gặp rất nhiều khó khăn khi thu nhập giảm sút, không đảm bảo cuộc sống có người phải chuyển nghề, có người làm tạm công việc khác để vượt qua giai đoạn khó khăn…

Chị Long Thu Hương từng là giáo viên của Nhóm trẻ tư thục Sơn Ca, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) chia sẻ, chị đã gắn bó với công việc giáo viên 3 năm tại Nhóm trẻ tư thục Sơn Ca. Do công việc vất vả, thời gian làm việc kéo dài đến hơn 10 tiếng/ngày, 1 tuần chỉ nghỉ ngày chủ nhật và chịu nhiều áp lực của công việc. Đợt dịch kéo dài vừa qua chị đã phải tạm gác công việc này để tìm công việc mới. Đến nay công việc mới cũng ổn định nên chị quyết định không quay lại nghề cũ nữa.

Cô giáo Hà Thị Tính, phụ trách nhóm trẻ 24 đến 36 tháng tuổi, trường Mầm non Hoa Hồng (TP Tuyên Quang) cho rằng, giai đoạn đầu khi mới bước vào nghề là khó khăn nhất và phải nhờ sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều từ Bam Giám hiệu, các giáo viên trong trường, những người đi trước đã giúp cô dần thích nghi với cường độ công việc. Hiện cô mới lập gia đình, cuộc sống rất khó khăn, 2 vợ chồng cô phải thuê trọ ở tận trên xã Trung Môn (Yên Sơn) để tiết kiệm tiền thuê mỗi tháng so với thành phố. Song cô xác định từ đầu là dù có khó khăn đến đâu cô vẫn gắn bó với nghề vì mình lòng đam mê và tình yêu với con trẻ, mỗi người một công việc, nghề nghiệp đặc thù khác nhau, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”?

Giáo viên trường Mầm non Sơn Nam (Sơn Dương) tổ chức cho trẻ chơi trò chơi.

Là người có tâm huyết với giáo dục mầm non và đã gắn bó với nghề được hơn 40 năm, cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hồng (TP Tuyên Quang) cho biết, do đặc thù công việc nên giáo viên mầm non phải là những người không sợ vất vả, phải thật sự yêu nghề, chịu được áp lực công việc, có phẩm chất, chuyên môn mới đáp ứng được lâu dài. Do vậy khi tuyển giáo viên mới nhà trường phải lựa chọn thật kỹ, khi có giáo viên dạy tốt rồi nhà trường tích cực phối hợp gia đình trong nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ. Từ đó sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Giáo dục mầm non là rất quan trọng, chất lượng giáo dục mầm non được nâng lên tạo tiền đề cho các bậc học tiếp theo. Tuy nhiên, do đặc thù công việc vất vả, lương thấp nên hiện nay nhiều trường mầm non tư thục, nhóm trẻ trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên, tỷ lệ giáo viên, đời sống nhiều giáo viên gặp khó khăn…

Trong thời gian qua, để hỗ trợ, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục tư thục, giảm tải cho các cơ sở giáo dục công lập, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách như: hỗ trợ kinh phí đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập xây mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ một phần kinh phí trả lương cho giáo viên; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mầm non; triển khai chính sách của Nhà nước hỗ trợ giáo viên mầm non bị ảnh hưởng do dịch Covid-19… Hy vọng rằng, từ những chính sách thiết thực này cũng như sự quan tâm, đổi mới trong giáo dục và đào tạo sẽ giúp các giáo viên mầm non ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp họ thêm động lực để gắn bó và sống tốt với nghề đã chọn.

Phóng sự: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục