Người đưa sản phẩm OCOP về làng

- Bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với sự quyết tâm vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, đảng viên trẻ Trần Văn Thịnh, sinh năm 1991, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam (Sơn Dương) là người đầu tiên của xã đưa cây thanh long ruột đỏ trở thành cây trồng thế mạnh cho địa phương.

Đưa cây thanh long về làng

Một ngày giữa tháng 2, chúng tôi cùng với đồng chí Lê Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Nam (Sơn Dương) đến thăm nhà đảng viên Trần Văn Thịnh. Ngay từ ngoài cổng đã thấy bà con ở xung quanh đến mua giống cây thanh long ruột đỏ về trồng, người dân nơi đây bảo nhau nhờ anh Thịnh mà bà con biết thêm cây trồng mới để phát triển kinh tế đấy nhà báo ạ!.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây khang trang sạch đẹp, anh Thịnh khoe, đây chính là thành quả từ cây thanh long ruột đỏ của gia đình, nhưng cũng nhiều vất vả và gian truân lắm. Anh Thịnh kể, anh sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà lại đông anh em, tốt nghiệp THPT anh đi làm công nhân cho các khu công nghiệp, rồi nhiều nghề khác nhau. Nhưng anh luôn ước mơ có chút vốn sẽ làm điều gì đó cho quê hương mình. Với suy nghĩ đó, năm 2011, anh tự tìm hiểu về các loại giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với vùng đất Sơn Nam. Anh loay hoay mãi không biết tìm hướng nào để thoát nghèo cho mình và cho gia đình. Cũng rất tình cờ trong một lần xem kênh VTV2 có chuyên mục “Bạn của nhà nông” giới thiệu về mô hình trồng thanh long ruột đỏ, cho năng suất cao, lại chịu hạn tốt, không mất công sức chăm sóc. Hình ảnh loại cây nở hoa trắng như hoa quỳnh, quả chín có màu nhuộm đỏ luôn ở trong đầu, nên anh quyết tâm đưa cây thanh long về trồng trên mảnh đất của gia đình.

Đảng viên Trần Văn Thịnh, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam (Sơn Dương)
chia sẻ mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho các bạn đoàn viên trẻ học tập.

Với sự nhạy bén của tuổi trẻ cùng kinh nghiệm anh “khăn gói” xuống Vĩnh Phúc học hỏi tham quan các mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2012, anh đầu tư hơn  200 triệu đồng để xây trụ trồng 400 gốc thanh long ruột đỏ. Mặc dù cây bén rễ xanh mướt cả một vùng, nhưng quả nhỏ, lại không đều, anh nản lắm. Anh chia sẻ, lúc đó mình nghĩ mọi vốn liếng có được đã dồn hết vào đây, không gì bằng là lại làm lại từ đầu, coi như “đánh bạc” thêm một lần nữa xem sao. Vậy là năm 2015, anh phá hết thanh long cũ trồng lại thanh long ruột đỏ mới toàn bộ. Anh tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức, chịu khó mày mò, tìm hiểu kiến thức về trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ trên mạng, theo mô hình trồng phân hữu cơ, rồi vận dụng vào thực tiễn. Nhờ vậy 400 gốc thanh long ruột đỏ đã không phụ công người trồng. Sau 18 tháng xuống giống, vườn thanh long ruột đỏ mong đợi đã cho thu hoạch. Những lứa quả đầu tiên đỏ au, ngọt lịm. Bình quân mỗi gốc cho 4 - 5 quả, trung bình mỗi quả nặng 5 - 7 lạng/quả. Vụ thu hoạch ấy, anh hái được trên 9 tấn quả, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, thu về hàng trăm triệu đồng.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, bản thân anh đã mang thanh long ra chợ, các cửa hàng hoa quả trong xã, huyện để chào hàng. Nhờ chất lượng quả ngon ngọt, giá cả phải chăng, giá trị dinh dưỡng gấp đôi so với loại thanh long ruột trắng nên các cửa hàng đã đồng ý thu mua. Thị trường đầu ra đã ổn định anh tiếp tục nhân rộng mô hình của mình. Đến nay, với tổng diện tích hơn 2 ha thanh long ruột đỏ, mỗi năm anh thu về được hơn 400 triệu đồng.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ sấy dẻo.

Tiếng lành đồn xa nhiều người dân trong thôn đến tham quan, học tập mô hình. Chị Lý Thị Hương, thôn Cây Cọ cho biết, nhờ đảng viên Thịnh đưa cây thanh long ruột đỏ về thôn nên gia đình học theo để phát triển kinh tế. Gia đình trồng gần 1 ha, mỗi năm thu hoạch 8 lứa, mỗi lứa cũng được gần 1 tấn quả, với giá từ 15 - 20.000 nghìn đồng/kg, trừ chi phí gia đình chị cũng có thu về được trên 150 triệu đồng.

Đưa sản phẩm Ocop xa hơn

Dẫn chúng tôi thăm vườn thanh long ruột đỏ của gia đình, anh Thịnh nói, để cây thanh long ruột đỏ của thôn Cây Cọ cũng như ở xã không bị manh mún, nhỏ lẻ, tháng 5-2021, anh đã đứng lên thành lập HTX Hưng Thịnh với 7 thành viên. 

Hiện diện tích thanh long ruột đỏ của HTX trên 13 ha. Sản lượng trung bình đạt từ 10 - 15 tấn/ha, thu về vài tỷ đồng/năm. Các xã viên thực hiện theo đúng quy trình trồng và chăm sóc cây thanh Long theo hướng VietGAP, nói không với thuốc kích thích, thuốc bảo quản và hóa chất, đồng thời giữ vững ổn định đầu ra cho sản phẩm quả thanh long ruột đỏ, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp nông thôn.

Vườn thanh long ruột đỏ thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam (Sơn Dương) xanh mướt.

Anh Trần Văn Khởi, thôn Cây Cọ, thành viên HTX Hưng Thịnh chia sẻ, ban đầu gia đình chỉ trồng theo hướng nhỏ lẻ, nhưng khi có HTX Hưng Thịnh, anh đã tham gia và mở rộng diện tích với hơn 1,5 ha thanh long ruột đỏ. Nhờ cây thanh long ruột đỏ, cái nghèo và lạc hậu của anh và người dân trong thôn đã được đẩy lùi. 

Niềm vui hơn nữa tháng 7-2021, thanh long ruột đỏ của HTX Hưng Thịnh đã được UBND tỉnh chứng nhận được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đây được xem là viên gạch quan trọng đặt nền móng cho bước phát triển tiếp theo của thanh long ruột đỏ xã Sơn Nam trên hành trình khẳng định thương hiệu. 

Để thanh long ruột đỏ tiến xa hơn nữa trong và ngoài tỉnh, đồng chí Lê Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Nam cho biết, xác định đây là cây trồng chủ lực của địa phương, thời gian tới xã xây dựng, mở rộng vùng sản suất thanh long ruột đỏ lên 20 ha, trở thành nông sản có giá trị cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người nông dân. Ngoài ra, HTX Hưng Thịnh phối hợp với HTX An Quang thị trấn Sơn Dương sẽ tạo sản phẩm thanh long ruột đỏ sấy dẻo; sấy khô, nước ép; siro, rượu thanh long... Đồng thời tạo các mối liên kết, nhất là liên kết doanh nghiệp tiêu thụ trong nước và ra thị trường nước ngoài.

Ghi chép: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục