Người giúp Phú Lương ngát hương nhài

- Sớm tinh mơ, người qua tuyến đê Cấp Tiến (Sơn Dương) tranh thủ hít hà khí trời ngày mới và cả hương thơm thoang thoảng, dịu mát của hoa nhài - thứ cây mới bén duyên nhưng đã trở thành cây “định hình” cho nông nghiệp hàng hóa của xã nằm ven sông Lô này. Ít ai biết, người đưa giống hoa đài các, tưởng như chỉ dành cho giới thượng lưu ấy lại là lão nông chân lấm tay bùn Đào Huy Tiến, người thôn Phú Lương.

Bắt đất nở hoa

Không giống như hình dung, cả một vùng đất bãi ở Cấp Tiến khô cằn và kém màu mỡ. Người dân vùng này lâu nay chỉ quen đưa cây ngô về trồng, nhưng hiệu quả kinh tế chưa năm nào được như ý. Thế nhưng, 5 năm trở lại đây, vùng đất khô cằn này đã nở hoa, theo đúng nghĩa đen, khi hơn 3 ha hoa nhài nở trắng muốt suốt 9 tháng trong năm.

Người đầu tiên thử sức mình với loại cây này là lão nông nổi tiếng với thương hiệu Tinh bột nghệ Tiến Phát - Đào Huy Tiến. Có nhiều dịp đến Hà Nội, thấy người dân ở vùng Sóc Sơn thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày từ hoa nhài, năm 2016, ông Tiến quyết định đưa về trồng thử ở đất bãi sau nhà mình. Ông bảo, mình có duyên nợ với nông nghiệp, cũng là người lỳ lợm, muốn bắt tay vào làm việc gì là phải thành công ở việc đấy nên chịu khó tìm tòi. 1 ha nhài đầu tiên ông đưa vào đất bãi sau nhà không phát triển được do đất không đủ độ ẩm để cây bén rễ, Internet thời điểm này bắt đầu phát triển mạnh, ông Tiến sẵn chiếc Smartphone, cặm cụi lên mạng tìm kiếm đủ các thông tin, sau ông thay toàn bộ cây giâm bằng cành sang trồng bằng bầu thấy cây bám rễ, lớn nhanh và khỏe hơn hẳn.

Được mệnh danh là “người khởi nghiệp thành công” ở quê, sau thương hiệu Tinh bột nghệ Tiến Phát vượt ra khỏi lũy tre làng và chinh phục người tiêu dùng cả nước, thế nên khi thấy ông Tiến bỏ hơn 1 ha ngô chuyển sang trồng nhài, 26 hộ dân quanh vùng cũng học theo. Thế nhưng, kết quả bước đầu không hề giống như ông dự tính. Ông bảo, ở Sóc Sơn, mỗi nhà chỉ có 1 - 2 sào, sức người đến đâu làm đến đấy nên không tốn nhiều công chăm sóc. Trong khi mình và 26 hộ còn lại, diện tích trồng lớn hơn nhiều lần.

Người dân thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến thu hái hoa nhài.

Anh Lê Xuân Ký, thôn Tiến Thắng, một trong những người trồng nhài đầu tiên nhớ lại, người ta trồng ngô trồng màu, vụ nào có thu vụ đấy, ít nhiều cũng đều là tiền, trong khi mình trồng hoa nhài tiền thu về chẳng thấy đâu, lại phải bỏ tiền ra thuê người dọn vườn, phát cỏ liên tục, nên nản lắm. Vì trong suốt 3 năm đầu tiên, cây hoa nhài chưa cho thu hoạch nhưng người làm vườn phải tận lực mà bám vườn, chăm cây, bón phân, dọn cỏ liên tục. Đặc biệt là cỏ. Vốn là loại cây bụi, lại được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch, nên loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ cỏ ra khỏi quy trình sản xuất. Thế nên, cứ vài ngày, cỏ đã lúp xúp muốn vượt cả cây nhài.

“26 hộ trồng theo mình, chưa hết năm đầu tiên đã lần lượt bỏ cả” - ông Tiến trầm ngâm. Tự nhận mình là người lỳ lợm, khi đã từng kinh qua không biết bao nhiêu thứ nghề ở cái đất soi bãi cộc cằn này, trồng keo, bồ đề, bạch đàn, trồng sả, sắn, dong riềng đến nuôi ếch lai của Thái Lan, rồi thành công khi khởi nghiệp ở tuổi ngoài ngũ tuần, ông bảo, chỉ sợ không còn sức mà làm thôi, chứ quyết tâm thì mình có thừa. 

Là chủ thương hiệu Tinh bột nghệ Tiến Phát, ông Tiến “rủng rỉnh” hơn những người còn lại. Tiền thu từ bán tinh bột nghệ, ông lại đầu tư vào vườn hoa nhài. Đất không phụ lòng người, 1 ha hoa nhài của ông Tiến dần xanh tốt, sang năm thứ hai đã tạo tán, vươn cành và đến năm thứ 3 thì bắt đầu cho hoa. Ông Tiến cười, chỉ cần nắng và ấm, là nhài cho hoa liên tục. Mỗi một sào trồng nhài, một lứa thu hoạch cũng đạt xấp xỉ 500 kg hoa. Mỗi kg hoa nhài được Công ty Tân Kim Bắc (Sơn Dương) thu mua với giá dao động từ 60 nghìn đồng đến 85 nghìn đồng/kg.

Hương sắc quê nhà

Sau nỗ lực của lão nông Đào Huy Tiến, UBND huyện Sơn Dương quyết định hỗ trợ để xây dựng được chuỗi liên kết trồng, tiêu thụ hoa nhài. Từ 1 ha hoa nhài của ông Đào Huy Tiến, đã có 8 hộ trồng theo với hình thức hỗ trợ 50% tiền giống cây và một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại.  

Ở Cấp Tiến giờ có hơn 3 ha hoa nhài. Cả vùng đất bãi cằn cỗi giờ thay bằng những đồi hoa nhài lúp xúp, e ấp nụ trắng tinh khiết như một lời khẳng định, đất cằn cỗi thế nào, có sức người cũng nở hoa.

Lão nông Đào Huy Tiến là người tiên phong đưa cây hoa nhài về trồng ở Cấp Tiến.
 

Nhà giờ chỉ có hai vợ chồng già. Cách làm của ông Tiến để giải quyết bài toán về lao động là “ăn chia sản phẩm”. Chiều chiều, các bà các chị vừa ngơi tay việc đồng áng, việc nhà lại đến vườn nhà ông Tiến và các hộ trồng nhài để hái nụ. Hái được đến đâu, sẽ được hưởng 50% tiền bán hoa đến đấy. Hoa nhài thường được thu vào buổi chiều, để hương được đậm nhất, thơm ngọt nhất. Người ta chỉ thu hoạch khi nụ cỡ bằng đầu chiếc đũa, hoa đã nở bung cánh thì phải bỏ. Thành ra, hương nhài quanh quất khắp làng, vương vào cả nếp áo quần, nếp tóc người dân quanh vùng.

Toàn bộ sản phẩm hiện đang được bán thô về các công ty chế biến chè ở Phú Thọ, Hà Nội, Thái Nguyên. Nguyên liệu thu hái về không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhưng lão nông Đào Huy Tiến không muốn thế. Sức mạnh của Internet đã giúp ông tìm hiểu và biết được thêm nhiều tác dụng từ loại hoa này. Ông kể, mỗi nụ trắng chỉ nhỉnh hơn đầu đũa này thôi nhưng có đến 12 tác dụng. Không chỉ để dùng trong việc ướp hương trà, tinh dầu hoa nhài còn giúp giảm nhẹ chứng trầm cảm, ngăn ngừa nhiễm trùng, mờ sẹo, giảm ho, giảm mất ngủ, dưỡng da, hỗ trợ sinh nở…

Ở Việt Nam, hiện đã có một số nhà máy chế biến tinh dầu hoa nhài ở Bình Dương, Đắc Lắc, Đồng Nai. Ông bảo, về lâu dài, mình muốn tập trung vào chế biến sâu sản phẩm này. Sau tinh bột nghệ Tiến Phát, thì đây là sản phẩm thứ hai mà ông Tiến muốn công bố ra thị trường trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hoàng Giang ví von, Cấp Tiến giờ đã khoác lên mình một hương sắc mới, tinh khôi, thơm ngát và… quan trọng nhất là có giá trị kinh tế. Đến năm 2023, xã sẽ mở rộng vùng trồng hoa nhài lên 5 ha. Đây sẽ là diện tích được quy hoạch ổn định, để tránh vòng luẩn quẩn được mùa mất giá - mất mùa được giá như nhiều loại nông sản khác.

Ông Tiến khoe, giờ, những hộ trước đây đã bỏ cuộc giữa chừng lại bắt đầu tìm đến ông để học cách trồng hoa nhài, dù không còn được hưởng chính sách hỗ trợ tiền giống, phân bón cho cây trồng nữa. Đây chính là điểm tựa, để ông thêm quyết tâm chưng cất tinh dầu hoa nhài, để hoa nhài quê ông tỏa ngát hương thơm!

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục