Người sở hữu bộ nhạc cụ gia truyền ở Thuốc Hạ

- Trong nhà Phàn Văn Phú, thôn 3, Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên), dường như tồn tại cả một “bảo tàng” sống động gồm những nhạc cụ quý của người Dao như kèn Pí lè, thanh la, chiêng, trống... Tỉ mẩn như cách người phụ nữ Dao dệt thổ cẩm, hàng ngày, nghệ nhân Phú gìn giữ những thanh âm đặc biệt của dân tộc mình, xem đó như là cách chuyển cả tiếng thở của rừng, tiếng réo rắt của con suối vặn mình ra khỏi rừng già, chở theo bao tiếng lòng con trai, con gái bản Dao nơi đây.

 “Linh vật” của người Dao

Nhiều người công nhận ông Phàn Văn Phú sở hữu bộ nhạc cụ hiếm có, bởi đây được coi là “linh vật” gia truyền 4 đời của dòng họ Phàn, tương đương hàng trăm năm tuổi với đầy đủ các loại từ kèn Pí lè, trống, chiêng, thanh la, chuông, tù và chũm chọe.
Ông Phú chia sẻ, nhạc cụ được sử dụng trong hầu hết các nghi lễ vòng đời con người, từ lễ đầy tháng, Cấp sắc, đám cưới, đám ma, lễ cầu an, giải hạn, ngày Tết… Tổng cộng ông có 6 món nhạc cụ đều là do tự tay dòng họ Phàn chế tác, kèm theo đó là những cuốn sách cổ hướng dẫn cách làm, cách sử dụng.

Nghệ nhân Phàn Văn Phú cùng con rể nghiên cứu sách cổ sử dụng nhạc cụ người Dao.

Sự cẩn trọng và nghiêm trang đó luôn được con cháu họ Phàn ghi nhớ và lưu truyền qua bao đời. Bởi đối với người Dao, nhạc cụ là linh hồn, là sợi dây linh thiêng, là phương tiện để kết nối giữa con người với trời đất và thần linh, giữa quá khứ với hiện tại. Đặc biệt mỗi nhạc cụ là một câu chuyện gắn với sự ra đời mang dấu ấn kỳ bí.

Một nhạc cụ gia truyền và có ý nghĩa đặc biệt đối với ông Phú đó là kèn Pí lè. Khi chỉ mới lên 6 tuổi ông đã biết thổi được nhiều đoạn nhạc cơ bản trở thành niềm tự hào của cả dòng họ. Đối với người Dao, chiếc kèn được coi như báu vật không thể bán, không được đánh mất, ai biết thổi kèn là gần như có thể làm chủ được mọi nghi lễ. Chính vì vậy, với tài năng hiếm có, năm 15 tuổi ông Phàn Văn Phú đã được tôn lên làm thầy Tào. Ông Phú bảo, kèn được người Dao sử dụng vào những dịp thực hiện các nghi lễ, ngày Tết, cưới hỏi, Cấp sắc… Trong đó, đám cưới là nghi lễ quan trọng nhất trong đời người nên dù trong hoàn cảnh nào thì cũng phải có tiếng kèn. Tiếng kèn cất vang thể hiện sự trang trọng, đàng hoàng của gia đình. Trên đường đưa dâu, người thổi kèn luôn dẫn đầu để khai mở sự hanh thông, may mắn, bình an cho gia chủ.

Bộ sưu tập của ông Phú có một loại nhạc cụ khá đặc biệt đó là trống. Đây là loại trống quý hiếm bởi nguyên liệu được làm từ da động vật, dây mây núi dẻo dai, gỗ rừng quý hiếm. Tất cả được thực hiện một cách khéo léo, tỉ mỉ từ khâu chọn, sơ chế nguyên liệu đến chế tác. Có như thế mới duy trì được độ bền qua bao năm tháng. Với sự đặc biệt đó tiếng trống của ông Phú thoát ra trầm ấm, vang xa, lớp lông thú trên mặt trống đã kìm giữ và điều hòa cho âm thanh không bị “nhọn” và thô kệch. Ông Phú bảo, người Dao luôn tin rằng trống có một sức mạnh thiêng liêng bởi đó là hiện thân của Thần Sấm, là tiếng của thần gọi mưa, dồn mây, đuổi gió.

Bộ nhạc cụ gia truyền đặc biệt của dòng họ Phàn.

Bên cạnh đó, các nhạc cụ như tù và, chiêng, thanh la, chuông, chũm chọe… cũng đều ẩn mình với những câu chuyện kỳ bí, linh thiêng. Đó là chiếc tù và - phần thưởng của Ngọc Hoàng dành cho người Dao để mỗi khi cần thì được phép gọi bậc bề trên hay câu chuyện người con đi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ và được bà Tiên cảm động trao cho chiếc chuông để đuổi thú dữ. Hay là câu chuyện thú vị cách phân biệt bộ đôi chũm chọe đực và chũm chọe cái thông qua thanh âm cao, trầm…

Lời truyền dạy của dòng họ Phàn   

Hiện nay ông Phàn Văn Phú có 5 cuốn sách cổ hàng trăm tuổi về nhạc cụ. Đây chính là những kiến thức kinh nghiệm, những lời truyền dạy của dòng họ Phàn về nhạc cụ. Trong mỗi cuốn sách đều ghi rõ mỗi loại nhạc cụ có cách sử dụng khác nhau, có khi phải học cả đời cũng không hết được. Để học và sử dụng nhạc cụ thì phải có tâm và tấm lòng thành kính thì tổ tiên mới độ được. Người nào tâm chưa thành thì khi đánh thì âm thanh đơn độc, lạc nhịp như ở cô lập một mình. Người nào một lòng chuyên tâm thì nhạc cụ sẽ uyển chuyển, linh hoạt theo ý muốn: rộn ràng, vui tươi trong lễ hội, lễ cưới hay tha thiết, bi thương trong đám ma, đám chay.

Ông Phú bảo, người Dao Thuốc Hạ quan niệm, từ ngày 15-9 (năm trước) đến 1-3 âm lịch (năm sau) là khoảng thời gian tiếng kèn, tiếng trống, tiếng chuông… có thể vang lên. Trong thời gian này, các học trò thường tìm đến thầy để dạy học các loại nhạc cụ. Khoảng thời gian còn lại thì không nên dùng tùy tiện, trừ những dịp có đám cưới, ma chay, Cấp sắc để tránh gọi vía xấu về cho làng bản.

Nghệ nhân Phàn Văn Phú (ở giữa) cùng các con giới thiệu bộ nhạc cụ gia truyền.

Bên cạnh đó việc bảo quản, cất giữ nhạc cụ là điều mà cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Mỗi lần sử dụng xong là phải lau sạch bằng nước ấm, để khô và bọc vải kỹ. Để thể hiện sự tôn nghiêm thì nơi cất giữ phải ở vị trí cao ráo, kín đáo, người Dao thường để bộ nhạc cụ chung với trang phục thầy cúng được xếp đặt gọn gàng vào chiếc hòm gỗ nhỏ, khóa cẩn thận.

Người Dao quan niệm, càng giữ gìn cẩn thận thì tổ tiên càng ghi nhận sự chu đáo, thành tâm của người sở hữu. Những năm gần đây, nhiều nhạc cụ thiếu và mai một dần nên một số thầy tào, thầy cúng không có để thực hành nghi lễ nên họ vẫn thường đến mượn về. Ông Phàn Văn Phú vẫn thoải mái cho mượn và không quên dặn dò các bước bảo quản những “báu vật” gia truyền này. Bởi với ông những báu vật này chỉ thực sự là báu vật khi nhiều người biết đến sử dụng thường xuyên trong các nghi lễ tâm linh, phục vụ cộng đồng người Dao. Có như vậy thì “báu vật” mới phát huy được hết giá trị, “báu vật” mới linh được.
Thêm một điều đặc biệt mà trọng trách cao cả mà người sở hữu bộ nhạc cụ phải làm. Đó là tìm được người kế nghiệp và làm lễ kế nghiệp trao truyền lại bộ nhạc cụ cho đời sau.

Ông Phàn Văn Phú rất tự hào về chàng rể Triệu Văn Phấy và cậu con trai Phàn Dao Quý của mình. Cả hai đều yêu mến văn hóa dân tộc Dao thường theo chân vợ chồng ông đi tham gia các buổi lễ cũng như những lần biểu diễn tại các Ngày hội Văn hóa Dao, liên hoan văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Anh Phấy chia sẻ, anh là người Hà Giang lấy vợ là Phàn Thị Nga về Tân Thành ở rể được hơn 10 năm. Hiện nay, mình có thể đọc được một ít chữ Nôm Dao và sử dụng thành thạo trống, chuông, kèn Pí lè…

Ông Phú vui vẻ nói, con trai và con rể đều có khả năng kế nghiệp. Quan trọng nhất là phải xem sự thành tâm và sự tu dưỡng của các con theo thời gian. Giờ đây ông có quyền được lựa chọn người sở hữu “kho báu” gia truyền này. Các con đều không ai từ chối, đều gắn mình với trách nhiệm trước tổ tiên, đó là điều làm ông vui và hạnh phúc nhất. Bởi đây là minh chứng dòng chảy văn hóa người Dao họ Phàn mãi lưu truyền theo thời gian.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục