Vượt qua nỗi sợ
Đây là câu chuyện nghề của bác sĩ Lê Thị Lý, cán bộ phụ trách Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. “Vừa khám bệnh, vừa “phòng thủ” không phải vì y, bác sĩ sợ hay kỳ thị bệnh nhân, mà do đặc thù với những bệnh nhân đặc biệt này, khi khám bệnh chúng tôi phải thận trọng, phòng ngừa những tình huống bệnh nhân có những hành động bất thường, nguy hiểm kịp thời xử trí”.
Bác sĩ Lê Thị Lý, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho người bệnh.
Bác sĩ Lý cho biết: “Chuyện bác sĩ, nhân viên của khoa bị bệnh nhân đuổi đánh là bình thường và hầu như ai cũng từng bị bệnh nhân đuổi đánh hay chửi. Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp trực tiếp chăm sóc bệnh nhân đã không ít lần bị những người mình chăm sóc, điều trị nổi cơn đuổi đánh, chửi mắng…”.
Bác sĩ Lý nhớ mãi, có lần chị tiếp nhận 1 bệnh nhân đến khám, trong lúc làm thủ tục và thăm khám cho bệnh nhân thì bệnh nhân lên cơn, nổi tính hung dữ, đập phá, không chịu hợp tác, dọa đánh bác sĩ thậm chí còn bị nhổ nước bọt vào mặt, vào người. Chuyện bệnh nhân lên cơn ngày nào cũng có. Khi tỉnh táo, bệnh nhân nghe lời, hợp tác nhưng khi lên cơn, không kiểm soát thì cái gì họ cũng dám làm, kể cả đánh người.
Ở môi trường làm việc đặc thù, hàng ngày phải tiếp xúc với đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều căn bệnh xã hội nguy hiểm như: AIDS, lao phổi, đái tháo đường... song bằng bản lĩnh, chuyên môn vững vàng, lòng yêu nghề, tình yêu thương, trách nhiệm, những y, bác sĩ tại Cơ sở cai nguyện ma túy thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn hằng ngày khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Chúng tôi ở đây để giúp bạn thoát khỏi ma túy” - đây là câu khẩu hiệu trong khuôn viên Cơ sở cai nghiện ma túy. Những người công tác nơi đây xem như phương châm nghề nghiệp của mình. Họ vượt qua nhiều nỗi sợ hãi vô hình để đồng hành cùng những phận người lầm lỡ trên hành trình làm lại cuộc đời.
Vừa hoàn thành ca khám bệnh, y sĩ Hoàng Hùng Dân, cán bộ y tế của Cơ sở cai nghiện ma túy tươi cười nói với chúng tôi rằng niềm đam mê với nghề y đó chính là tình yêu thương đã giúp anh vững tin đi trên con đường mình đã chọn suốt nhiều năm qua.
Y sĩ Hoàng Hùng Dân, cán bộ y tế của Cơ sở cai nghiện ma túy chăm sóc sức khỏe cho học viên.
Y sĩ Hoàng Hùng Dân kể: “Gần 7 năm gắn bó với nơi này, tôi đã chứng kiến nhiều chuyện khó quên. Có học viên nuốt dao lam tự tử, có người cắt gân tay máu chảy lênh láng. Rồi nhiều trường hợp trong cơn loạn thần đã tấn công, gây thương tích cho cán bộ. Nhẹ thì là những trò quấy phá, chửi bới, trêu chọc kiểu: “Đêm nay ta sẽ cho chúng mày biết tay”. Thế là nguyên đêm, các học viên thay nhau gọi cửa báo ca cấp cứu, nhưng thực tế chỉ là tin quấy rối. Cũng có trường hợp đang đêm, dọa tự tử để đợi thời cơ và sơ hở của cán bộ là bỏ chạy… Công việc luôn bận rộn và nhiều áp lực, do đặc thù nên cán bộ ở đây trung bình trực 10 ngày/tháng. Thời gian dành cho gia đình cũng hạn chế”.
Nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc. Với họ, chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt như vậy, vừa là trách nhiệm, vừa là cách họ giữ lửa tình yêu với nghề, bởi người nghiện ma túy, hay bệnh nhân tâm thần, khi bước chân vào cơ sở y tế, cũng như hàng trăm hàng nghìn bệnh nhân khác mà thôi...
Người thầy 20 năm chăm lo trẻ khuyết tật
“Nếu không có một bản lĩnh kiên cường và một trái tim giàu yêu thương thì không thể chăm lo tốt cho trẻ em khuyết tật”, kỹ thuật viên Trần Thị Thanh Thủy, Khoa Phục hồi chức năng Nội Nhi - Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen là một người như thế.
Kỹ thuật viên Trần Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen chăm sóc trẻ khuyết tật.
“Tôi quyết tâm chọn nghề Y học dân tộc để giúp trẻ em yếu thế vì có lẽ đây là định mệnh của tôi. Khi tôi lên 2 tuổi tôi bị bại liệt, đến năm 7 tuổi tôi mới biết đi. Trong những năm ngồi trên ghế nhà trường tôi cũng chỉ mong muốn sau này mình theo học ngành y, khoa phục hồi chức năng để giúp các em bị khuyết tật như tôi nhanh hồi phục thể lực để trở về với gia đình. Do vậy, tôi cố gắng và quyết tâm thực hiện mơ ước và định mệnh của đời mình. Nhiều người nói theo nghề này vất vả, nhưng với tôi đây lại là niềm vui và hạnh phúc” - chị Thủy tâm sự.
20 năm qua, hàng ngàn trẻ em đã được tay chị Thủy bồng bế, dìu dắt để trở về với gia đình. Chia sẻ về quá trình điều trị cho trẻ em trong 20 năm qua chị Thủy cho biết: “Việc chăm sóc trẻ khuyết tật khá đặc thù và khó khăn. Từng động tác, hành động đối với trẻ bình thường là đơn giản nhưng đối với các trẻ ở đây thì phải tập đi tập lại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần. Ngoài ra, bản thân cũng phải luôn hướng tới cái tâm để có thể dành trọn thời gian, tình yêu cho trẻ”.
Những câu chuyện đặc biệt của các y, bác sĩ càng khiến chúng ta thán phục, quý trọng hơn những thầy thuốc hết lòng với nghề. Gắn bó với nghề y, các y, bác sĩ đều ý thức được tinh thần trách nhiệm với nghề, cháy hết mình hành nghề với tình yêu thương bệnh nhân, khát vọng vươn lên không ngừng nâng cao hiệu quả phục vụ để giúp đỡ bệnh nhân có sức khỏe tốt nhất hưởng trọn những mùa xuân vui.
Gửi phản hồi
In bài viết