Quê hương là tiếng gọi…

- “Mình về quê nuôi cá và trồng thêm rau” là lời một ca khúc của Đen Vâu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ với bao người trẻ sau áp lực mưu sinh nơi phố thị. Thế nhưng, bỏ phố về quê thực tế cần nhiều quyết tâm, kiên trì hơn là sự mộng mơ. Chàng trai Nguyễn Văn Long, sinh năm 1992, đoàn viên thôn 1, xã Tân Long (Yên Sơn) đã khẳng định như thế khi từ bỏ công việc với thu nhập trên 40 triệu đồng ở thủ đô để trở về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Nghe tiếng gọi quê hương

Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Long đã từng đi rất nhiều nơi, trải qua nhiều công việc khác nhau. Đó là 3 năm bôn ba ở đất nước mặt trời mọc với nghề xây dựng. Dành dụm được một khoản tiền, anh trở về làm công tác xuất khẩu lao động. Vừa kể, anh vừa thoăn thoắt đôi tay pha vắc - xin cho những chú gà con mới nhập chuồng ngày hôm qua như thể anh đã quen với công việc này từ lâu lắm rồi... Làm xuất khẩu lao động chẳng được bao lâu thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công việc chững lại, anh lại đi học nghề rồi đầu tư xe, chuyển qua lái taxi. Khuôn mặt rạng ngời với nét cười tươi rói bảo với chúng tôi rằng: “Ngày ngày rong ruổi trên đường, gặp đủ những kiểu người khác nhau rồi chứng kiến những cảnh sinh ly tử biệt vì tai nạn, mình mới thấy quý trọng giá trị cuộc sống, giá trị của bản thân và gia đình mình”.

Đoàn viên Nguyễn Văn Long.

Năm 2021, thời điểm dịch bệnh bùng phát khắp cả nước cũng là lúc anh Long nghĩ về những nơi mình đã đi qua, những người mình đã gặp rồi nhận ra đâu mới là nơi mình thuộc về… Dồn hết số tiền dành dụm được sau bao năm, anh trở về quê hương, tận dụng đất vườn nhà mở rộng trang trại nuôi trâu bò, gà thả vườn. Anh bảo, những cây cối vườn tược quanh nhà, những con vật nuôi quen thuộc gắn bó từ thuở ấu thơ khiến mình cảm thấy bình dị, an yên hơn cuộc sống xô bồ nơi đất khách. Những tòa cao ốc với những căn nhà như những tổ chim vuông, sự hối hả, nhộn nhịp, bận rộn cuốn theo vòng xoay cơm áo không mang lại niềm vui như mỗi sáng thức dậy được tận hưởng không khí trong lành và được ở bên những người thân yêu.

Từ những suy nghĩ ấy, chàng trai Nguyễn Văn Long vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông đã quyết định trở về, dành hết kỹ năng, kiến thức của mình phát triển mô hình trang trại nuôi trồng khép kín. Nhờ cái “duyên” với nuôi trồng cùng sự thông minh, nhanh nhẹn, mô hình của anh Long đã trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp ở Tân Long.

Làm giàu từ nông nghiệp

Dưới những tán bưởi đang ra hoa, anh Long bảo, mô hình trang trại khép kín thực sự là mô hình hiệu quả giúp người nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí, lại thân thiện với môi trường. Anh cùng gia đình đã quy hoạch trang trại chăn nuôi trâu, bò, gà kết hợp tận dụng chất thải hữu cơ từ vật nuôi để làm phân trùn quế, lấy phân để bón cho cây ăn quả và sử dụng chính con giun quế để làm thức ăn phối trộn cho gà. Trong đó anh lựa chọn nuôi gà thả vườn chính là chủ lực để phát triển kinh tế gia đình.

 Trang trại nuôi gà của gia đình anh Long có quy mô 2.000 con mỗi trang trại.

“Chăm gà cũng giống như nuôi con mọn ấy, ngày cho ăn đến 4-5 bữa, trời lạnh thì phải quây chuồng, sưởi ấm cho nó”, anh Long vừa nói vừa hé mở chuồng gà giống vừa lấy về ngày hôm qua. Nhìn cách anh chăm chút đàn gà mới hiểu được sự tận tâm, tận lực cũng như tình yêu anh dành cho công việc khi đã rời xa thành phố. Trang trại rộng gần 8 ha của gia đình anh nằm cách xa khu dân cư nhưng hiện đã được lắp đặt hệ thống điện 3 pha hoàn chỉnh, đường vào khu sản xuất đã được bê tông hóa. Trước đây, trang trại có quy mô nhỏ, chủ yếu trồng bưởi, cam, chanh. Với tư duy tiến bộ lại nhanh nhạy, tháo vát, trở về quê hương, anh Long đã mạnh dạn đầu tư gần 800 triệu đồng mở rộng thêm 2 trại gà với tổng quy mô 6.000 con mỗi lứa. Anh cũng xây dựng thêm 1 trại nuôi trâu, bò với diện tích 600 m2, dành gần 2 ha đất đồi để trồng cỏ voi nuôi trâu vỗ béo và bò sinh sản. 

Bỏ phố về làng để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp không đơn giản như những gì người ta vốn nghĩ. Để có được trang trại quy mô như ngày hôm nay anh Long đã phải lặn lộn nhiều nơi đi tham quan, học hỏi cách xây dựng trang trại, tìm nguồn giống, nguồn thức ăn phù hợp. Chàng trai hơn 30 tuổi cũng đi nhiều nơi trong tỉnh cùng các vùng lân cận như Phú Thọ, Thái Nguyên để học tập kinh nghiệm sản xuất, mở rộng mối quan hệ tiêu thụ sản phẩm. Anh cũng chủ động nghiên cứu sách báo, xem các kênh Youtube tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đoàn viên Nguyễn Văn Long chăm sóc đàn trâu vỗ béo của gia đình.

Hiện tại gia đình anh Long đang duy trì 10 con bò sinh sản, 16 con trâu vỗ béo. Hàng năm thu nhập từ đàn bê xuất ra thị trường khoảng 120 triệu đồng. Với 3 trang trại nuôi gà thả vườn quy mô 2.000 con/1 trang trại, mỗi năm gia đình xuất 2 lứa với tổng 12.000 con, trừ chi phí cho thu lãi trên 600 triệu đồng. Nguồn dinh dưỡng dồi dào từ phân trùn quế, 800 gốc bưởi Cát Quế, bưởi da xanh tươi tốt đang cho ra hoa; 600 gốc cam Vinh vườn nhà còn lại ít quả; vườn chanh tứ thì quả chín vàng ruộm khắp đường vào khu sản xuất. Năm vừa qua vườn cam của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu với sản lượng gần 20 tấn, thu lãi gần 100 triệu đồng.

Đại diện cho thế hệ trẻ không ngừng sáng tạo, vươn lên, mô hình phát triển kinh tế trang trại khép kín của đoàn viên Nguyễn Văn Long đã chứng minh tính ưu việt cũng như hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh việc tập trung mở rộng quy mô trang trại, trở thành đầu mối trong cung cấp gà giống, thức ăn chăn nuôi tại địa phương, anh Long hiện tiếp tục nâng cao chất lượng chăn nuôi, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tinh thần tích cực của anh đã tô điểm thêm gam màu tươi sáng cho bức tranh nông nghiệp quê nhà.

Phóng sự: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục