Sức bật ở Côn Lôn

- Nếu huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) xưa được gọi là Mường Bang, nghĩa là vùng núi cao, huyện Chiêm Hóa là Mường Giàng, nghĩa là vùng núi thấp, thì Côn Lôn (Na Hang) được gọi là Trung Mường (tức là ở giữa). Ba xứ mường ngày xưa nổi tiếng sầm uất, tấp nập người mua, người bán, là nơi tập trung đông dân cư. Mảnh đất Côn Lôn xưa rộng lớn, sầm uất gồm cả xã Sinh Long và Khau Tinh, tuy đã tách xã từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng Côn Lôn hôm nay vẫn khẳng định vai trò trung tâm. Hơn hết ở đây đang xuất hiện ngày càng nhiều những cá nhân dám nghĩ, dám làm với những mô hình kinh tế gia trại, góp phần nâng cao thu nhập và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

1 con dao, 4 tấm “Fibro” khởi nghiệp

29 năm làm cán bộ xã Côn Lôn, anh Nguyễn Quảng Ba tự hào giới thiệu cho tôi về mảnh đất Trung Mường hôm nay thật khác. Đặc sắc nhất trong những câu chuyện anh kể là những cá nhân làm kinh tế giỏi.

Ông Nguyễn Văn Bình, thôn Nà Ngoãng là một người như thế. Vượt qua 2 km đường rừng trơn trượt, 2 anh em đã đến căn chòi nhỏ nằm giữa bốn bề núi non hùng vĩ với khe suối Nặm Lặt róc rách. Đang tất bật chăn đàn vịt gần 400 con ồn ã, ông Bình hồ hởi tiếp chuyện và kể về hành trình làm kinh tế của mình.

Ông kể: Trước đây nhà ông nghèo lắm, là diện hộ nghèo của xã, năm 2007 cậu con trai cả đỗ Đại học, ai trong xã cũng khâm phục chí học hành của con ông, nhưng chỉ có ông nỗi lo nhiều hơn niềm vui vì không có tiền cho con nhập học. “Là một người cha, nhiều đêm mình khóc một mình. Vừa khóc vì thương con, vừa khóc bởi ân hận khi lãng phí tuổi trẻ không tập trung làm kinh tế mà chỉ nghĩ hưởng thụ”. May mắn cho ông Bình là lúc đó có chính sách cho vay cho sinh viên đi học, cậu con trai đã đạt được ước mơ và ông cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện làm kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Bình (bên phải), thôn Nà Ngoãng, xã Côn Lôn (Na Hang) cùng cán bộ xã Côn Lôn kiểm tra rừng mỡ của gia đình.

Khởi nghiệp khi gần 50 tuổi đâu phải là dễ, hành trang làm kinh tế chỉ vẻn vẹn đúng 1 con dao và 4 tấm Fibro xi măng để dựng chiếc lều ven suối Nặm Lặt. Thấy tôi ngạc nhiên, ông bảo đó là thật. Ông tự cải tạo, thuê nhân công đào ao rộng 1.000 m2 để nuôi cá, ông chọn nuôi cá trắm cỏ, cá rô phi để nhanh được quay vòng, đường đi vào ao cá cũng do ông tự phát đồi, đào đất làm đường. Ông bảo, đường vào đây do đôi bàn tay này làm đấy. Do ao cá lợi dụng khe nước của con suối Nặm Lặt nên đàn cá lớn nhanh như thổi. Thế nhưng, chưa kịp được thu thì năm 2008, trận lũ ập đến, đàn cá hao hụt quá nửa, lúc đó ông nghĩ quẩn, nhưng được gia đình động viên ông đã làm lại từ đầu.

Kinh tế cũng từ đó đi lên, năm 2012, ông bắt đầu trồng và chăm sóc 15 ha rừng, với cây mỡ và keo. Sau vài năm thì rừng có thu nhập, kinh tế khấm khá, các con ra trường có việc làm ổn định. Năm 2018, ông bắt đầu nuôi vịt lấy trứng, đàn vịt quy mô 800 con lúc cao điểm mỗi ngày được thu hàng triệu đồng tiền trứng, ông cười và bảo, giờ kinh tế ổn định, mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng, nghĩ lại mới thấy, có chí ắt sẽ thành công.

Cách riêng của người trẻ

Tuy mới hơn 30 tuổi, nhưng anh Nguyễn Văn Phôn, thôn Nà Nam đã có trong tay 7 chú ngựa bạch với vốn sinh kế gần 300 triệu đồng. Anh Phôn kể: từ dám nghĩ đến dám làm với anh là câu chuyện dài. Năm 2020, sau thời gian trải qua nhiều nghề ở phương xa, anh quyết định trở về địa phương lập nghiệp, anh vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang hơn 100 triệu đồng, cùng với số vốn tự có, anh mua 7 con ngựa bạch nuôi theo hình thức “vỗ béo” và xây mới chuồng trại với chi phí 250 triệu đồng. Nuôi ngựa bạch sinh sản thì tôi gặp nhiều nhưng nuôi ngựa vỗ béo thì đúng lần đầu được “mục sở thị”.

Thấy sự tò mò của tôi, anh Phôn chậm rãi giải thích, để làm được mô hình nuôi ngựa, anh tự mày mò đọc sách, tra cứu Internet và đi đến các trại ngựa ở tỉnh Bắc Giang. Thời điểm mới bắt tay vào làm thực sự bỡ ngỡ, vì đây là hướng đi mới, chưa ai làm. Không có cách nào khác, anh Phôn tự trang bị kiến thức cho mình. Anh Phôn nhớ lại, tháng 7 năm 2020, con ngựa lớn nhất đàn (hơn 100 kg) đột nhiên chết,  30 triệu đồng mất đi chóng vánh. Không bệnh tật, không biết lý do, mãi về sau mình mới biết do ngựa thiếu cỏ, ăn tinh không đủ phải có đủ xơ, phải bổ sung men vi sinh và vitamin thì ngựa mới lớn, bản chất ngựa bạch là giống đột biến nên cơ địa yếu hơn con bình thường.

Ông Nguyễn Quảng Bé, Bí thư Chi bộ thôn Trung Mường, xã Côn Lôn chăm sóc đàn ngỗng của gia đình.

Nhưng thử thách chưa hết, dù đã chủ động diện tích cỏ nhưng đàn ngựa vẫn có con hụt cân, có con sau 3 tháng không lớn còn hụt khoảng 7 - 10 kg thịt, về sau được nhiều chuyên gia dưới tỉnh tư vấn, anh mới biết nguyên nhân do lạm dụng thuốc bổ, lịch tiêm dày nên cơ thể ngựa không hấp thu dẫn đến còi cọc.

Năm nay, anh Phôn vui lắm, anh mới bán được 3 con ngựa thu được hơn 100 triệu đồng, anh bảo, mình nuôi đúng kỹ thuật, sau 1 năm mỗi con tăng được 50 - 70 kg, mỗi con lãi trên 10 triệu đồng, ngựa bạch dễ chăn, chỉ ăn cỏ 1 chỗ không phải dong như trâu, bò, chỉ cần chủ động được thức ăn, biết cách phòng bệnh đúng là sẽ thành công - Anh chia sẻ.

Nỗ lực hoàn thành NTM nâng cao

Nhắc đến Côn Lôn người ta sẽ nghĩ ngay đến con ngỗng, tận dụng có dòng suối Nậm Mường chảy từ Thượng Nông về Yên Hóa qua trung tâm xã, người dân thôn Trung Mường đã phát triển mạnh nuôi ngỗng bản địa. Thâm niên gần 13 năm gắn bó với con ngỗng, anh Nguyễn Quảng Bé, Bí thư chi bộ thôn Trung Mường cho biết: gia đình anh hiện có đàn ngỗng hơn 40 con, ngỗng Côn Lôn nổi tiếng với chất lượng thịt ngon, chỉ ăn cỏ, lội suối và ăn sạch nên thương lái khắp nơi đều tìm đến mua. Anh cho biết, toàn thôn hiện có trên 90 hộ dân thì có tới hơn 40 hộ nuôi ngỗng, đàn ngỗng hiện có trên 700 con, chiếm số lượng lớn gia cầm của xã. Anh Bé cho biết thêm: ngỗng nuôi 6 tháng đạt trọng lượng khoảng 4,5 đến 5 kg là xuất bán, với giá bán 140.000 đ/kg, như gia đình anh mỗi năm cũng thu gần 50 triệu đồng.

Đồng chí Mông Văn Pó, Chủ tịch UBND xã Côn Lôn cho biết: phát huy tinh thần là xã thứ 2 về đích nông thôn mới của huyện Na Hang sau xã Năng Khả, người dân Côn Lôn nay đã năng động hơn xưa, ngoài tận dụng vị trí “thiên thời địa lợi” với cây lúa, toàn bộ diện tích 165 ha đều được bà con tập trung chăm sóc, đưa nhiều giống lúa mới vào trồng và cho năng suất cao, hàng năm năng suất lúa trung bình đều đạt trên 56 tạ/ha, thuộc “top” của huyện. Không bằng lòng với cây lúa, củ khoai, khoảng 3 năm trở lại đây, ở Côn Lôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, như chăn nuôi đại gia súc, thủy cầm, trồng rừng, những tấm gương với hướng làm kinh tế mới cho thu nhập cao luôn được chính quyền xã khuyến khích phát triển.

Côn Lôn hôm nay đã không còn là ngõ cụt vì có tuyến đường Nà Đâu thông sang xã Thượng Nông (Na Hang) và giao thương với Hà Giang, Cao Bằng… Tuy nhiên, để Côn Lôn có thể hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao thì hơn hết vẫn phải “tự mình” vươn lên, bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng con người không năng động, không dám làm thì sẽ khó để tiến xa.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục