Tân Trào nhớ Bác

- Mỗi độ tháng Năm về lòng người dân Tân Trào (Sơn Dương) lại xúc động, bồi hồi. Tuy Bác đã đi xa nhưng nơi đây vẫn in đậm bóng hình của Bác. Nhiều năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân Tân Trào đã biến niềm kính yêu vô hạn đối với Bác thành hành động và việc làm theo Bác cụ thể.

Cán bộ, công chức xã Tân Trào vận động nhân dân thôn Tân Lập chăm sóc đường hoa.

Đổi mới lề lối, tác phong làm việc

Đến Tân Trào, điều cảm nhận rõ nét đó là lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức xã đã được đổi mới theo hướng nhanh nhẹn, xông xáo, sâu sát cơ sở. Trước giờ làm việc hành chính, tất cả cán bộ, công chức xã đều có mặt đầy đủ. Không còn tình trạng, cán bộ, công chức đi muộn về sớm hoặc tác phong làm việc chậm chạp, đủng đỉnh. Đích thân Bí thư Đảng ủy xã Hà Hữu Tiệp đưa chúng tôi xuống dưới tận thôn, thăm các tuyến đường hoa, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bí thư Tiệp khoe, toàn bộ khuôn viên trụ sở làm việc như hệ thống đèn điện chiếu sáng xung quanh, bồn hoa đều do cán bộ, công chức xã, bí thư chi bộ, nhân dân đóng góp để xây dựng. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức xã tiên phong đóng góp. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cán bộ, công chức xã đã đi đầu đảm nhận những việc khó, luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân.

Đồng chí Phan Thị Huyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã là một điển hình trong đổi mới tác phong làm việc theo hướng sâu sát cơ sở. Mấy năm trước, chị Huyền xung phong phụ trách chi bộ thôn Tiền Phong - chi bộ nhiều năm liên tục không kết nạp được đảng viên. Không vắng mặt kỳ sinh hoạt chi bộ nào, chị Huyền còn thường xuyên dành thời gian xuống thăm hỏi, nắm bắt tình hình của thôn Tiền Phong. Khi thôn triển khai công việc gì, chị cũng “xắn tay” tham gia. Gia đình nào trong thôn có việc không vui, chị đều xuống chia sẻ, động viên và giúp đỡ.

Đồng chí Hà Hữu Tiệp, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào thăm mô hình trồng dưa chuột của nhân dân thôn Thia.

Thôn Tiền Phong chủ yếu có người Nùng và Dao sinh sống, chị Huyền là người Tày. Bởi vậy, chị còn chịu khó học tiếng Nùng và Dao để làm công tác dân vận. Với sự sâu sát, gần gũi với cuộc sống nhân dân, chị luôn dành được sự quý mến của người dân thôn Tiền Phong. Năm 2021, chị đã cùng Ban chi ủy chi bộ thôn Tiền Phong giới thiệu được 1 quần chúng ưu tú vào Đảng và phát hiện, bồi dưỡng được 2 quần chúng ưu tú để Đảng xem xét kết nạp. Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, chị Huyền đã cùng trưởng các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của MTTQ xã vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng trên 10km đèn đường thắp sáng và 3km đường hoa. Hiện nay, các ngõ xóm trong xã đều đã có đèn điện thắp sáng.

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “Một cửa” của xã hiện đang bố trí 4 công chức làm việc ở các lĩnh vực. Việc giải quyết thủ tục hành chính đã được Đảng ủy, UBND xã quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Đồng chí Đàm Quang Trung, công chức Văn phòng - Thống kê xã chia sẻ: “Thủ tục nào đơn giản giải quyết cho nhân dân trong ngày, chúng tôi đều cố gắng trả kết quả cho nhân dân trong một buổi, chứ không để hết ngày”. Ngoài làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính của xã, anh Trung còn được giao tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo UBND xã tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Bởi vậy, anh Trung đã tích cực xuống các thôn để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.

Ông Ma Văn Yên, thôn Bòng cho biết: “Tác phong làm việc của cán bộ, công chức xã có nhiều đổi mới, gần gũi với nhân dân hơn nên người dân chúng tôi rất phấn khởi”.

Cán bộ, nhân dân xã Tân Trào vệ sinh khuôn viên nhà văn hóa xã.

Người dân nỗ lực mỗi ngày

Không còn tư duy trồng chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, nhiều người dân ở Tân Trào đã năng động, nỗ lực vươn lên mỗi ngày để xây dựng cuộc sống no ấm. Hiện nay, ở Tân Trào đã bước đầu hình thành nhiều mô hình kinh tế có giá trị cao, nhiều triển vọng. Mô hình cây ăn quả của gia đình ông Đinh Văn Minh, thôn Bòng là điển hình như vậy. Từ 2 hecta đất đồi trồng cây màu ngắn ngày, ông Minh đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả. Hiện nay, gia đình ông Minh có 50 cây na, 100 cây mít, 200 cây thanh long đã được cho thu hoạch. Mỗi năm, từ mô hình cây ăn quả này cho gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm. Ông Minh cho biết: “Sinh ra trên mảnh đất lịch sử, học và làm theo lời Bác, người nông dân như tôi luôn tâm niệm và quyết tâm phải tự thân vận động, làm giàu bằng chính sức của mình”.

Đồng chí Đỗ Thị Hậu, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Thia là người tiên phong trong thôn trồng cây dưa chuột trên đất lúa hai vụ. Hiện gia đình chị Hậu có 3 sào dưa chuột. Trung bình mỗi sào dưa cho gia đình chị Hậu thu hoạch từ 4 đến 5 tạ quả, mỗi vụ dưa chuột, gia đình chị Hậu thu về gần 15 triệu đồng. Từ hiệu quả mô hình trồng dưa chuột của gia đình, chị Hậu đã vận động nhiều hộ dân trong thôn cùng trồng. Đến nay, toàn thôn Thia đã có gần 7 hecta dưa chuột.

Cán bộ xã Tân Trào thăm mô hình sản xuất trà sen của gia đình chị Nguyễn Thị Đào, thôn Vĩnh Tân

Nhận thấy tiềm năng lớn về phát triển thương hiệu chè, tháng 9 - 2021, chị Nguyễn Thị Đào, thôn Vĩnh Tân đã đứng lên thành lập Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tân An. Chị vận động các hộ trong thôn tham gia hợp tác xã. Hiện nay, hợp tác xã có 7 thành viên tham gia với vùng nguyên liệu diện tích 7 hecta. Mỗi năm, hợp tác xã xuất bán ra thị trường trên 7 tấn chè khô các loại. Hiện nay, chị Đào đang phấn đấu xây dựng thương hiệu Trà sen thành sản phẩm OCOP 4 sao. Dù tuổi còn trẻ nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Đào luôn ấp ủ ước mơ đưa thương hiệu trà sen đi xa, thậm chí có thể trở thành loại trà có thể xuất khẩu. Chị Đào chia sẻ: “Tôi mong muốn sản phẩm chè của mình không chỉ phục vụ khách du lịch mà còn đi xa hơn để nhiều người biết về Tân Trào quê hương tôi”.

Bí thư Đảng ủy Hà Hữu Tiệp cho biết, ngoài các mô hình như cây ăn quả, chè, dưa chuột, Tân Trào bước đầu còn hình thành một số mô hình trồng măng tây. Những mô hình này đang được xã khuyến khích nhân rộng. Ngoài ra, tại Làng Văn hóa Tân Lập hiện nay hầu hết các hộ có nhà sàn truyền thống đều đăng ký làm dịch vụ du lịch cộng đồng, chỉnh trang lại khuôn viên, đầu tư xây dựng cổng vào, nhà vệ sinh để phục vụ du khách tốt hơn. Rồi anh cười tươi khẳng định: “Tư duy làm kinh tế của người dân Tân Trào giờ thay đổi nhiều lắm!” Và tôi hiểu, sự thay đổi ấy bắt đầu từ sự tâm huyết, xông xáo, năng động của chính người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, của mỗi cán bộ, công chức.

Ghi chép: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục