Tô thắm đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

- Trong kháng chiến, những người lính luôn chắc tay súng, gan dạ cùng đồng đội chiến đấu để đẩy lùi quân thù bảo vệ bình yên của Tổ quốc mà không màng đến tính mạng. Khi đất nước hòa bình, họ trở về với cuộc sống đời thường cùng những vết thương còn hằn sâu trong cơ thể. Song với ý chí sắt đá, phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ năm xưa được bộc lộ, phát huy tinh thần vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế để làm giàu cho gia đình và quê hương.

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Nhắc lại những trận đánh khốc liệt “vào sinh ra tử” ở chiến trường miền Nam và Tây nguyên hồi chống Mỹ trên đôi mắt ông Nguyễn Văn Vương, thương binh hạng 4/4 ở thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên) vẫn đượm buồn. Ông buồn vì trong kháng chiến biết bao đồng đội của ông đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, có những người giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Chính bản thân ông, khi tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975 cũng bị trúng đạn gãy xương đòn trái, máu chảy đẫm quân phục nhưng vẫn ôm chắc cây súng chiến đấu đến khi ngất đi.

Ông Vương bảo, hồi ấy khí thế nhập ngũ lên đường đánh giặc thật sôi sục có những người vì muốn đi lính nên trốn cả gia đình để đi đăng ký, có những người vì không đủ cân đã nhét đá vào túi quần… khi ấy ai cũng hừng hực khí thế và tâm trạng sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

 

Thương binh Nguyễn Văn Vương ở xã Yên Lâm (Hàm Yên) kể chuyện kháng chiến chống My

Đối với ông Trần Văn Kết, thương binh hạng 1/4 ở xóm 3, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) ký ức về những trận đánh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chẳng bao giờ ông quên. Ông Kết là lính trinh sát thuộc Đại đội C20, phòng Tham mưu 313, Quân khu 2 tham gia chiến đấu tại khu vực Thanh Thủy, Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ông bị trúng đạn pháo bị thương nặng, đến nay vẫn còn gần chục mảnh đạn găm trong cơ thể ở những vị trí nếu phẫu thuật sẽ nguy hiểm đến tính mạnh như gan, phổi...

Ông Kết tâm sự, năm xưa đánh giặc, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc mình còn không sợ thì nay mình phải cố gắng vượt qua để tạo tinh thần động viên, cùng với vợ con đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Quan tâm, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong các cuộc kháng chiến, toàn tỉnh có trên 4.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 6.900 người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, đối tượng chính sách hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trong đó có trên 2.000 thương binh, bệnh binh.

Trong thời gian qua, việc thực hiện các chính sách, chế độ chi trả các chế độ chính sách cho người có công, gia đình chính sách đã được thực hiện kịp thời hiệu quả, nhiều hoạt động như: hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ làm mới, sữa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách luôn được tỉnh ta quan tâm thực hiện. Công tác nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh thực hiện thường xuyên.

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức đưa người có công với cách mạng đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tổ chức đo khám dụng cụ chỉnh hình cho các thương, bệnh binh. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe các thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Vào các dịp lễ, tết việc tổ chức hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đã trở thành một nét đẹp tô thắm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” được các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ngoài quà của Trung ương, thực hiện theo Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND về Quy định đối tượng, mức chi thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, mỗi năm tỉnh đã dành tặng trên 16.000 suất quà với số tiền gần 9 tỷ động tặng người có công với cách mạng, gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Đường, thương binh tỷ lệ 41% ở thôn An Khang, xã Đông Lợi (Sơn Dương) cho biết, ông rất vui mừng, phấn khởi vì Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các thương, bệnh binh, gia đình chính sách. Nhiều hoạt động ý nghĩa như: thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công về nhà ở, thực hiện chi trả chế độ kịp thời, nâng mức hỗ trợ… đã tạo động lực để các gia đình chính sách, người có công vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn.  

Góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước

Nhắc đến chuyện thương binh làm kinh tế giỏi không thể không kể đến ông Lương Công Đẳng, thương binh hạng 2/4 ở thôn Bản Ban, xã Phù Lưu (Hàm Yên), người đã để lại nơi chiến trường một bên tay trái. Không có sức khỏe như người bình thường, ông lấy quyết tâm và sự nỗ lực của bản thân để vượt qua khó khăn thử thách. Nhiều lần thất bại với những giống cây mới trồng thử nghiệm trên vườn đồi của gia đình, nhưng ông không nản chí.

Kết quả, ông đã thành công với mô hình trồng cam sành đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Ông Đẳng cho biết, không có việc gì khó chỉ sợ thiếu sự quyết tâm. Năm xưa giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc còn không sợ thì nay những khó khăn đời thường không bao giờ làm thui chột được ý chí dám nghĩ dám làm của những người lính như ông.

Mô hình trồng chè của gia đình thương binh Đỗ Ngọc Sơn ở xã Phúc Ứng (Sơn Dương) tạo việc làm cho từ 5 đến 7 lao động địa phương.

Những thương binh tiêu biểu như: Thương  binh hạng 1/4 Hà Hữu Độ ở xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) ngoài 70 vẫn lạc quan, hăng say lao động; thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Ất ở xã Phú Lâm (TP Tuyên Quang) phát triển nghề chè tạo việc làm cho 5 đến 7 lao động địa phương; thương binh Nhữ Công Lương ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) nuôi 2 người con học đại học, cao đẳng; thương binh Chẩu Văn Biệt ở xã Thượng Lâm (Lâm Bình) trồng hơn 2 ha rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao; thương binh Đỗ Ngọc Sơn ở xã Phúc Ứng (Sơn Dương) phát triển mô hình trồng chè tạo việc làm cho từ 5 đến 7 lao động địa phương…

Với tinh thần, ý chí vươn lên, chiến thắng những đau đớn của cơ thể để hăng say trong lao động, sản xuất, những thương binh, bệnh binh chính là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo. Từ đó lan tỏa, khơi dậy tinh thần cách mạng, bồi đắp truyền thống yêu nước trong mỗi người, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.          

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục