Từ làng lên phố

- Trong bảng lảng khói chiều cuối năm, những phố thị mới hình thành bình yên náu mình trong cái dáng vẻ “nửa quê nửa phố”. Câu chuyện đô thị hóa, nhưng vẫn giữ những đậm đà bản sắc văn hóa của đất và người trở thành câu chuyện thường nhật trong chén trà đàm đạo của người dân nơi đây.

Nhân đôi niềm vui

Trong ký ức của những người dân xã Mỹ Bằng, cái tên Thị trấn nông trường tháng Mười vẫn là niềm tự hào một thuở, minh chứng cho sự phát triển của vùng đất ven của huyện Yên Sơn trong suốt non nửa thế kỷ.

Thôn Tân Thành - thôn trung tâm của Thị trấn - giờ vẫn giữ dáng vóc của một khu phố sầm uất nhất nhì ngày nào. Những ngôi nhà xây kiên cố được quy hoạch tập trung, đường ngõ xóm được bê tông hóa thẳng tắp, phong quang, sạch đẹp. Nằm sát Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, cũng là vùng cung cấp nguyên liệu chính của nhà máy chè thời ấy, đời sống của người dân trong thôn nhờ thế mà đủ đầy, no ấm hơn so với những nơi khác. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tân Thành Lê Trung Nam nhớ lại, khi có quyết định giải thể Thị trấn nông trường tháng Mười năm 1999, bà con cũng hụt hẫng lắm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, rồi bà con lại động viên nhau, dù ở quê hay ở phố, thì việc cần làm nhất vẫn là tập trung làm ăn, góp sức mình xây dựng quê hương.

Người dân Mỹ Bằng, giờ lại háo hức với câu chuyện “chuyển mình lên phố”, khi Nghị quyết 24 ngày 25-5-2021 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đã quyết định lập và triển khai quy hoạch chung Mỹ Bằng, cùng với 15 xã khác của toàn tỉnh theo hướng đô thị loại V vào năm 2025. Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng Lý Văn Huynh phấn khởi, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, hạ tầng của Mỹ Bằng cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của một đô thị mới. Trong 10 năm, xã đã có một hạ tầng giao thông đồng bộ với tổng chiều dài gần 150 km, trong đó có hơn 30 km đường nội đô thị, còn lại là đường trục ngõ xóm. Bà con cũng không còn thuần nông nữa, mà chuyển dần sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Khu nhà phố Shophouse Vinpearl Tuyên Quang tại khu nghỉ dưỡng Suối khoáng 
Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang). Ảnh: Hoàng Thảo

Hết năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt trên 21%, thấp hơn so với các tỉnh lân cận trong khu vực. Với mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2025 lên 27%, ngoài các đô thị truyền thống như thành phố Tuyên Quang, các thị trấn Sơn Dương, Vĩnh Lộc, Na Hang, Tân Yên, Lăng Can, Yên Sơn, Nghị quyết 24 quy hoạch 16 xã gồm Thượng Lâm, Phúc Sơn của huyện Lâm Bình; Đà Vị, Yên Hoa của huyện Na Hang; Ngọc Hội, Hòa Phú, Kim Bình, Trung Hà của huyện Chiêm Hóa; Phù Lưu, Thái Sơn của huyện Hàm Yên; Mỹ Bằng, Xuân Vân, Trung Sơn của huyện Yên Sơn và Sơn Nam, Tân Trào, Hồng Lạc của huyện Sơn Dương đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2025.

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của huyện Sơn Dương, mảnh đất Sơn Nam hội tụ cả 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để vươn lên trở thành đô thị trung tâm khu phía Nam của huyện. Xã giờ đã mang dáng dấp của một đô thị, khi nằm sát Quốc lộ 2C kết nối với Vĩnh Phúc. Đường bê tông trải dài kết nối các xã lân cận, các thôn. Thương mại, dịch vụ đã phát triển phong phú về loại hình. Toàn xã có 150 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ và 20 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Sơn Nam đã đầu tư chợ nông thôn với khoảng gần 100 hộ kinh doanh lớn nhỏ, với nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng phía Nam huyện Sơn Dương, thu hút thương lái các tỉnh về mua sản phẩm nông sản của địa phương.

Giữ hồn cốt “người nhà quê”

Cuối năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, theo đó, Kim Phú, cùng với xã Phú Lâm và thị trấn Tân Bình (Yên Sơn) được nhập vào thành phố Tuyên Quang. Thay đổi đơn vị hành chính, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phù hợp với nhịp sống mới hiện đại hơn, nhưng ở những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như ở Kim Phú, thì việc làm thế nào để hồn cốt “người nhà quê” vẫn đậm đà trong nhịp sống hiện đại, là câu chuyện đã được tính lâu dài.

Người dân xã Trung Hà (Chiêm Hóa) chỉnh trang những nếp nhà sàn truyền thống làm Homestay phục vụ khách du lịch.

Lễ hội Đình làng Giếng Tanh được tổ chức vào ngày 10-1 Âm lịch hàng năm là lễ hội truyền thống lớn nhất của người Cao Lan trên địa bàn tỉnh. Hiện Kim Phú đã thành lập 5 câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan với hơn 200 thành viên tham gia. Kim Phú vừa hoàn thiện đề án Xây dựng làng văn hóa Cao Lan. Mục tiêu lớn nhất là giữ gìn, khôi phục những lễ hội truyền thống như Lễ hội Đình làng Giếng Tanh, giữ làn điệu Sình ca lâu dài là phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch tâm linh trong xã và cả thành phố.

Cũng như Kim Phú, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) cũng đang biến những giá trị tinh thần vô giá đặc trưng của người Tày thành những sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của khách du lịch bốn phương. Những nếp nhà sàn giờ vẫn hiện diện như một nét vẽ thanh thoát trong bức tranh sơn thủy hữu tình của phố núi non trẻ nhất tỉnh. Giờ, người dân Lăng Can học cách người miền xuôi, chỉnh trang nhà cửa thành Homestay đón khách thập phương. Những cánh đồng mướt xanh được chọn thành điểm check-in “Con đường tình yêu trên sóng lúa”. Cọn nước - vật dụng trước đây người Tày ở Lăng Can dựng lên để dẫn nước từ suối vào ruộng, giờ cũng thành điểm nhấn trong du lịch. Nghề dệt truyền thống được khôi phục thành công tạo nên những món quà du lịch độc đáo, hấp dẫn cho khách phương xa.

Hành trình từ làng lên phố đã được các xã nằm trong quy hoạch chuẩn bị kỹ càng, từ khẩn trương quy hoạch, xây dựng các bước để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đồng thời có phương án lưu giữ những nét văn hóa độc đáo, riêng có. Để khi hóa phố, chỉ hòa nhập, chứ không hòa tan!.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục