Ứng dụng công nghệ thông tin ở Na Hang

- Là huyện vùng cao nhưng đội ngũ cán bộ ở Na Hang đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để xử lý và giải quyết công việc. Chính công nghệ thông tin và mạng xã hội đã rút ngắn khoảng cách từ huyện về tỉnh, huyện về xã và xã xuống thôn, giúp cán bộ ở Na Hang nắm bắt tình hình nhanh chóng.

Cán bộ vùng cao thích ứng 4.0

Trước khi tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm trường học trên địa bàn huyện, anh Hoàng Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo và các thành viên trong Tổ công nghệ thông tin của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cẩn thận kiểm tra và test thử các thiết bị âm thanh, màn hình tại điểm cầu chính. Thông qua nhóm zalo của Tổ công nghệ thông tin của phòng và các Tổ công nghệ thông tin của các trường học, anh Tuấn giọng dõng dạc: “Các điểm cầu đã sẵn sàng chưa?”. Sau câu hỏi của anh trên nhóm zalo thông qua phần mềm zoom Meeting, tất cả đều đồng thanh: “Đã sẵn sàng”. Theo anh Tuấn, việc tổ chức các cuộc họp trực tiếp trước đây, cán bộ, giáo viên rất vất vả phải lên họp.

Nhiều nơi xa xôi, khó khăn như Sinh Long, Khau Tinh, nếu trời mưa, đường trơn, cán bộ, giáo viên lên huyện họp đều phải đi từ hôm trước. Từ năm 2020, khi Phòng phối hợp với Viettel triển khai Hội nghị trực tuyến tới 12 điểm cầu tại 12 xã, thị trấn trong huyện, cán bộ, giáo viên đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, giảm thời gian đi lại cho cán bộ, giáo viên. Thời gian đầu, Phòng tổ chức nhiều đợt tập huấn để vận hành hệ thống này cho một số cán bộ, giáo viên. Đến nay, hầu hết cán bộ, giáo viên ở các điểm trường tiểu học, THCS đều thành thạo sử dụng, vận hành hệ thống họp trực tuyến. Ban đầu, hệ thống được huyện hỗ trợ một nửa kinh phí và xã hội hóa một nửa để lắp đặt tại trường Tiểu học thị trấn Na Hang. Sau một quá trình triển khai, Phòng thấy rõ hiệu quả nên tiếp tục triển khai tới 100% các trường học trong huyện. Hiện nay, tại mỗi xã, thị trấn đều có một phòng họp trực tuyến dùng chung cho các trường học trên địa bàn. Nhờ hệ thống này mà trường kết nối được với trường với Phòng và với Sở.

Thông qua mạng xã hội, lãnh đạo huyện Na Hang đã nắm bắt nhanh những mô hình kinh tế hay ở cơ sở.

Khau Tinh là xã khó khăn nhất của Na Hang nhưng nhờ tinh thần ham học hỏi, cầu thị mà hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức ở đây hiện nay đều khá sành công nghệ thông tin. Đồng chí Lê Hữu Thể, Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh chia sẻ, việc kết nối hội nghị trực tuyến với huyện, tỉnh đã được triển khai mấy năm nay. Trước đây chỉ một số đồng chí cán bộ, công chức có thể vận hành các thiết bị để họp trực tuyến như  công chức Văn phòng, Văn hóa - Xã hội nhưng nay hầu hết các cán bộ, công chức đều am hiểu và thành thạo. Do đó mỗi khi kết nối trực tuyến với huyện đều rất suôn sẻ, gần như không gặp trục trặc gì về kỹ thuật. Không chỉ họp trực tuyến với huyện, từ khi được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh, anh Thể còn lãnh đạo tập huấn sử dụng phần mềm họp trực tuyến thông qua zalo đến tận bí thư chi bộ, trưởng thôn. Nhờ đó, công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 rất hiệu quả, kịp thời. Khau Tinh cũng là xã thực hiện kết nối, liên thông với huyện thông qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đạt 100%, gần 100% văn bản trao đổi giữa xã, huyện và các cơ quan chuyên môn của huyện hiện nay được trao đổi dưới dạng văn bản điện tử.

Hạ tầng kỹ thuật ở Na Hang từng bước được đầu tư, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ ở đây ứng dụng công nghệ thông tin. Hạ tầng băng thông rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến 100% xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Từ đầu tháng 2-2020, huyện đã tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến đến 12 điểm cầu đặt tại trụ sở UBND huyện và các xã, thị trấn. 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN). Tỷ lệ cán bộ, công chức tại cơ quan nhà nước cấp huyện được trang bị máy tính đạt 100%, tỷ lệ cán bộ, công chức tại Ủy ban nhân dân cấp xã, thị trấn được trang bị máy tính đạt 98,6%. Hiện nay, tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện đạt 100%, tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các Hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã đạt 100%. Tính đến tháng 11/2021, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 90%.

Với hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển công nghệ thông tin cùng với sự quan tâm, lãnh đạo quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, UBND huyện đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Người đứng đầu tiên phong

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin từ cấp huyện đến cấp cơ sở ở Na Hang bắt đầu từ chính tinh thần quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Bí thư Huyện ủy Na Hang Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, muốn nắm bắt nhanh và giải quyết nhanh, một cách hiệu quả nhất cần phải ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác lãnh đạo, điều hành, nắm bắt tình hình ở cơ sở.

Từ những ngày đầu thực hiện công tác phòng, chống dịch, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo thành lập nhóm zalo: Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện Na Hang và chỉ đạo các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố thành lập các nhóm zalo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ sở. Nhờ việc thành lập các nhóm zalo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ huyện đến cơ sở đã nắm bắt nhanh nhất các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy thuộc nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Do tính chất công việc nên hay phát sinh việc đột xuất như phải đi cơ sở nắm tình hình, chỉ đạo, giải quyết sự vụ, đi dự họp... lịch làm việc thường xuyên phải thay đổi. Khi phát sinh việc đột xuất cần tổ chức họp xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ là vấn đề khó khăn. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập nhóm zalo nội bộ để trao đổi, thông tin, tránh được trùng lặp nội dung công việc trong xây dựng lịch công tác. Điều này, tạo ra tính linh hoạt, góp phần đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, cải cách thủ tục hành chính ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cũng thông qua các nhóm zalo, Bí thư Thắng đã kịp thời nắm bắt nhanh việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp ở cơ sở. Vì thế, ở đâu có dịch bệnh, phát sinh vướng mắc trong nhân dân, anh đều trực tiếp xuống cơ sở sớm nhất.

Bí thư Thắng đã chủ động kết nối, tham gia nhóm zalo của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách Đảng bộ huyện, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Qua việc nắm bắt, cập nhật các thông tin chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại các cuộc họp, đồng chí đã kịp thời thông tin truyền tải chỉ đạo vào các nhóm Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Đảng bộ cơ sở để các đồng chí nắm biết sớm thông tin kịp thời triển khai nhiệm vụ.

Nói về việc ứng dụng công nghệ thông tin để nắm bắt tình hình và giải quyết các công việc của thôn, đồng chí Đặng Văn Dấu, Bí thư Chi bộ thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang) cho biết, anh là Ủy viên BCH Đảng bộ xã nên thông qua công nghệ thông tin, anh đã nắm bắt nhanh các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh, huyện và xã để thông báo trong nhóm Zalo của chi bộ và nhóm Zalo của thôn để cho đảng viên và nhân dân nắm bắt. Anh Dấu bảo: “Với cách tuyên truyền này, từ trên xuống dưới đều nắm bắt nhanh, triển khai nhanh. Cũng thông qua các nhóm Zalo của chi bộ và thôn, anh Dấu đã vận động hàng trăm lao động trong thôn đi làm ăn xa khi trở về địa phương thực hiện nghiêm việc ra Trạm Y tế xã khai báo y tế, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nhờ hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin mang lại, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và UBND ở một huyện vùng cao như Na Hang đã có sự chuyển biến rõ nét theo hướng khoa học, đồng bộ, sâu sát cơ sở. Từ đó giải quyết công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, tạo niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục