Đang tất bật chăm sóc vườn cam rộng hơn 2 ha của gia đình, anh Trần Văn Thế, thôn Pác Cáp cho biết, năm nay sản lượng cam của gia ước đạt trên 50 tấn. Cam sai quả, mẫu mã đẹp, nếu thị trường tiêu thụ với mức giá ổn định, gia đình có thể thu về 300 - 350 triệu đồng. Tuy nhiên, chứng kiến nhiều sản phẩm nông nghiệp của người dân trên toàn quốc bị mất giá, tồn hàng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, anh rất lo cho sản phẩm cam của gia đình.
Ông Đặng Chòi Mình (trái ảnh), thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu (Hàm Yên) kiểm tra mẫu mã, chất lượng quả trước khi thu hái.
Toàn xã Phù Lưu hiện có gần 2.300 ha cam, trong đó diện tích cam sành trên 2.150 ha; cam Vinh, cam V2 trên 150 ha. Ước tính, sản lượng cam toàn xã đạt khoảng gần 22.000 tấn. Chất lượng sản phẩm cam của xã Phù Lưu ngày một được nâng cao vì người trồng đã chú trọng hơn đến kỹ thuật, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP với 180 ha. Đồng chí Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu xác nhận, những năm trước cam của xã được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 sẽ khiến việc tiêu thụ cam ở một số thị trường lớn gặp khó. Do đó, xã và người trồng cam linh hoạt kết nối thị trường và xúc tiến tiêu thụ. UBND xã tích cực phối hợp với các hợp tác xã, Chi hội Cam sành xã Phù Lưu, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu, nhóm cam VietGAP... tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân quảng bá sản phẩm cam trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử PosMart, các chuỗi siêu thị, Livestream bán hàng để linh hoạt tiêu thụ sản phẩm cam của địa phương.
Anh Nình Văn Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Cam sành xã Phù Lưu cho biết, hiện chi hội có 65 thành viên trồng 1.500 ha cam, sản lượng gần 14.000 tấn quả/vụ. Thời điểm này các năm, thương lái đã đến tận vườn để kiểm tra chất lượng sản phẩm và đặt mua với số lượng lớn. Thế nhưng, năm nay, do dịch bệnh, sức mua giảm, việc vận chuyển hàng vào các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định… còn nhiều khó khăn nên hiện tại mới chỉ có một vài thương lái đến thu mua, đặt hàng. Vì vậy, những ngày này, các thành viên trong chi hội bên cạnh việc liên hệ với các đầu mối tiêu thụ những năm trước đây, còn tranh thủ “quảng cáo” cam trên Facebook, Zalo... để gom đơn trước, nhằm hạn chế tình trạng dồn hàng khi vào chính vụ. Đến nay, nhờ kết nối tiêu thụ, khách hàng đã liên hệ đặt mua trên 20 tấn cam. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng cam, chi hội thường xuyên tuyên truyền đến hội viên tích cực chăm sóc, hạn chế hư hại do côn trùng, dịch bệnh, thời tiết, đảm bảo khi thu hái cam đạt chất lượng tốt nhất, đẹp nhất và đặc biệt, không để hội viên bán ồ ạt theo số lượng.
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu là một trong các đầu mối sản xuất và cung ứng cam sành chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều năm nay, cây cam trở thành cây trồng mang giá trị kinh tế, giúp các thành viên hợp tác xã ổn định và nâng cao đời sống, một số thành viên đã làm giàu từ cây cam. Anh Nông Lâm Nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hợp tác xã có 16 thành viên trồng 20 ha cam, sản lượng năm nay đạt khoảng 500- 600 tấn quả. Để sản phẩm cam sành có chất lượng tốt nhất, các thành viên của hợp tác xã được hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản... Trong những năm gần đây, sản phẩm cam sành của hợp tác xã được nhiều địa phương biết đến và từ năm 2014, cam sành đã có mặt tại các siêu thị lớn như siêu thị VinMart&VinMart+, CoopMart, BigC... với khoảng 200 tấn cam mỗi năm, còn lại là tiêu thụ cam ở các chợ đầu mối Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang...
Bên cạnh đó, xã Phù Lưu tích cực phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh tham gia các hội chợ tại Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Tuyên Quang; tham gia các gian hàng quảng bá tại hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm của Bộ Công Thương, kết nối với các thương lái để cùng quảng bá, giới thiệu tiêu thụ cam cho người dân trong xã, phấn đấu tiêu thụ hết sản lượng cam niên vụ này.
Gửi phản hồi
In bài viết