Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Báo cáo của UBND huyện Yên Sơn, thực hiện các đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện đã tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, dành nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Huyện đã hình thành và phát triển được 4 vùng sản xuất nông nghiệp, với các cây, con chủ lực, gồm cây ăn quả, gỗ rừng trồng, chè, chăn nuôi gia súc; xây dựng 10 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; trên 17.700 ha gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC, cao nhất tỉnh; 15 sản phẩm nông nghiệp của huyện được gắn sao OCOP; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh họp về phát triển nông nghiệp,
nông thôn với huyện Yên Sơn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Yên Sơn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các xã cho rằng sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt được nhiều thành quả. Song để phát triển bền vững cần phải tổ chức lại sản xuất, trong đó liên kết là yếu tố hàng đầu, các HTX, hộ sản xuất phải thực hiện liên kết theo chuỗi từ cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm; tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, có lợi thế cạnh trạnh..
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp của huyện đã phát triển theo đúng hướng, tuy nhiên còn nhỏ lẻ, liên kết chưa bền vững; việc thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn còn chậm... Để đảm bảo cho nền nông nghiệp phát triển bền vững, đồng chí yêu cầu huyện Yên Sơn cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh đã ban hành; cơ cấu lại tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ liên quan đến các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh như: Cây ăn quả, chè, gỗ rừng trồng...
Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển các sản phẩm theo tiêu chuẩn; thực hiện công tác dự báo, dự tính đầu vào, đầu ra của sản phẩm tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu; mở rộng diện tích rừng FSC; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm... phấn đấu đưa Yên Sơn trở thành huyện đi đầu về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện, trước mắt huy động tối đa lực lượng kiểm soát, khống chế dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ tái phát trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết