Nhiều hoạt động đồng hành
Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vốn vay từ Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển" để phát triển kinh tế.
Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp, tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp cho các cán bộ, hội viên phụ nữ, nữ doanh nhân, thành viên các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), nhóm cùng sở thích, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ tham gia; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm do chị em sản xuất. Hội cũng vận động chị em có dự án, ý tưởng khởi nghiệp mạnh dạn tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức...
Với những giải pháp tích cực, từ năm 2020 đến nay, 138/138 cơ sở Hội Phụ nữ đã được hỗ trợ duy trì và xây dựng 138 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm, đạt 100% kế hoạch đề ra. Các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập được 3/5 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác và 25 nhóm cùng sở thích về phát triển kinh tế; hướng dẫn xây dựng và hoàn thành 22 dự án/ý tưởng của các tập thể, cá nhân tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội tổ chức.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh và huyện Yên Sơn tham quan mô hình trồng cà chua, dưa chuột của hội viên Ma Thị Lan, thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn).
Các cấp Hội đã ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 25.755 thành viên/ 754 tổ tiết kiệm và vay vốn; thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 14.267 thành viên/623 tổ vay vốn, với tổng dư nợ tại các ngân hàng là 2.671,5 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Hoàng Hà, chuyên thiết kế, bán buôn và bán lẻ các sản phẩm quần áo thời trang trẻ em được Chị Long Thị Hằng, tổ 13, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) thành lập năm 2019. Năm 2020, chị Hằng được Hội LHPN phường Đội Cấn đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để vay 100 triệu đồng. Số vốn được vay đã "trợ lực", giúp chị Hằng có thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Công ty duy trì một xưởng may, tạo việc làm cho 10 lao động, với mức lương từ 4 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Chị Hứa Thị Quyên, hội viên phụ nữ thôn Lăng Đén, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) sau khi đi lao động ở khu công nghiệp trở về, chị được chi hội Phụ nữ thôn tuyên truyền, vận động, định hướng để phát triển kinh tế. Năm 2022 chị Quyên bắt tay đầu tư vào mô hình chăn nuôi gà ri, nuôi giun quế, trồng dưa chuột. Chị Quyên chia sẻ: chị duy trì 3 lứa gà/năm, mỗi lứa 1.000 con gà ri. Chị trồng hơn 2.000 m2 dưa chuột và nuôi 20 m2 giun quế. Qua 1 năm, chị thấy mô hình cơ bản đạt hiệu quả, cho thu nhập tốt. Sau khi trừ chi phí, chị thu lãi 100 triệu đồng/năm. Năm nay, chị đã mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi thêm hơn 100 m2.
Tích cực, chủ động phát triển kinh tế
Đồng chí Nguyễn Thị Tươi Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá, 138 mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ ở cơ sở đa số là mô hình kinh tế hộ gia đình, còn nhỏ lẻ, đa dạng ở nhiều loại hình như: chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ... So với nửa nhiệm kỳ trước, nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, các cấp Hội đã khuyến khích và vận động được nhiều THT, HTX, nhóm cùng sở thích thành lập. Các chị em tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh, sản xuất, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, mạnh dạn thực hiện các mô hình kinh tế theo mô hình khép kín, hữu cơ, hướng tới cung cấp ra thị trường các sản phẩm an toàn.
Gia đình chị Nguyễn Thị Nga, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú (Sơn Dương) nhận thầu hồ đập Hoa Lũng rộng 27,8 ha để chăn nuôi cá thương phẩm từ nhiều năm nay nhưng hiệu quả không cao. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm làm chả cá ở nhiều nơi, năm 2020, gia đình chị mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc sản xuất chả cá. Sau đó, chị thành lập HTX Chả cá Nga Sơn, liên kết phát triển sản xuất với 7 thành viên khác.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu, thôn Vạt Chanh, xã Thiện Kế (Sơn Dương) tự chế tạo các bẫy côn trùng, không sử dụng thuốc hóa học cho mô hình trồng bưởi.
Không chỉ sản xuất chả cá, chị tận dụng tất cả các phế phẩm từ cá để chăn nuôi hơn 500 con ba ba, nuôi gà và ủ phân tưới cây trồng. Hiện nay, chả cá của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao, được bán cho nhiều trường học trên địa bàn huyện và một số nhà hàng tại các tỉnh, thành lân cận, với số lượng vài chục kg/ngày. Thu nhập của gia đình chị và các thành viên ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài chị Nga, còn nhiều chị em khác đã và đang nỗ lực phát triển các mô hình kinh tế, tập hợp nhau lại để thành lập các hợp tác xã, tổ, nhóm sở thích, bước đầu cho hiệu quả kinh tế như: Hợp tác xã Rau - Thảo dược ở thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên) do chị Nông Thị Yến làm chủ nhiệm; Hợp tác xã Chè xanh Thái Hòa thôn Ao Vệ, xã Thái Hòa (Hàm Yên) do chị Nguyễn Thị Thu Hà làm chủ nhiệm; Hợp tác xã Sản xuất nông sản sạch Trường Giang (Yên Sơn) do chị Ma Thị Nhường làm chủ nhiệm...
Đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Tươi Minh cho biết thêm, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội thường xuyên nắm bắt và tổng hợp các nhu cầu phát triển kinh tế của hội viên để có các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp. Hội sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, có hiệu quả; tổ chức cho các cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế đã thành công.
Hiện Hội LHPN tỉnh đã trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án 8, trong đó có nội dung hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản... Từ đó, giúp các hội viên phụ nữ tiếp tục phát triển kinh tế có hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết