Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 tăng trưởng khá, GRDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, đứng Top khá của cả nước và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2020 - 2022.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế 9 tháng 2022 ước đạt cao như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,13% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch, tăng 23,5% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt trên 22 nghìn tỷ đồng, đạt 79,1% kế hoạch, tăng 23,7% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 127,5 triệu USD đạt 91,1% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quý đạt gần 1,9 nghìn tỷ đồng, đạt 68,2% dự toán, tăng 7,1% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 1,8 nghìn tỷ đồng, đạt 50,2% kế hoạch…
Sản xuất sợi của Công ty TNHH bao bì DHT tại cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).
Kết quả trên cho thấy, tỉnh luôn duy trì đà tăng trưởng, tạo bứt phá bằng hàng loạt các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội; linh hoạt, kịp thời xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh.
Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, UBND tỉnh thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư năm 2022; kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư, đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung máy móc, nhân công đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công trọng điểm: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn; cầu Xuân Vân; cầu Bạch Xa; bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn. Đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm, trường THPT Chuyên; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; chuẩn bị các thủ tục đầu tư để khởi công, giải ngân ngay đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao nhiệm vụ cụ thể cho các Chủ đầu tư về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 23-9-2022 đạt 1.875,916 tỷ đồng/4.048,806 tỷ đồng, đạt 50,2% kế hoạch năm.
Ông Lại Xuân Tùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Locogi 14 (Phú Thọ) đơn vị liên danh thi công gói thầu 26 dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ cho biết: ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh Tuyên Quang đã quyết liệt gỡ vướng về công tác giải phóng mặt bằng để giao cho đơn vị thi công, vì thế tiến độ thi công đã được đẩy nhanh hơn. Đơn vị đang tăng gấp đôi nhân lực, vật lực, phấn đấu về đích sớm hơn tiến độ cam kết với chủ đầu tư.
Sản xuất công nghiệp được đặc biệt chú trọng với nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, thực hiện kịp thời chính chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, đem lại hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, chính sách hỗ trợ phục hồi của Chính phủ được tỉnh thực hiện kịp thời như giảm 2% thuế VAT, hỗ trợ cho việc cấp bù lãi suất cho vay 2%/năm; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đã và đang giúp doanh nghiệp khôi phục, ổn định lại sản xuất sau dịch Covid-19. Sản xuất của các doanh nghiệp bắt đầu trở lại bình thường và tăng trưởng đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Lĩnh vực du lịch của tỉnh có bứt phá “ngoạn mục” với nhiều hoạt động được tỉnh tổ chức thành công Chương trình khai mạc Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ I năm 2022 tại Tuyên Quang; Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022; Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang “Huyền thoại Sông Gâm”; đề xuất thực hiện thí điểm tour, tuyến du lịch trải nghiệm trong rừng trên địa bàn huyện Na Hang, tổ chức cuộc thi “Ảnh Du lịch Tuyên Quang” năm 2022... Các hoạt động trên đã thu hút trên 2,1 triệu lượt khách du lịch, đạt 93,1% kế hoạch, tăng 97,3% so với cùng kỳ; doanh thu xã hội từ du lịch đạt 2.172 tỷ đồng đạt 92,2% kế hoạch, tăng 103,9% so với cùng kỳ.
Giữ vững nhịp độ tăng trưởng
Cuối năm 2022 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn như diễn biến giá xăng dầu đang phức tạp, nguồn cung nguyên liệu sản xuất đang ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu của các ngành chế biến chế tạo, nông lâm nghiệp… Có thể thấy, trong 9 tháng qua, kinh tế trong tỉnh đã có phục hồi tích cực nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn.
Vận chuyển bột barite xuất khẩu của công ty TNHH 27-7 tại Khu công nghiệp Sơn Nam.
Để tăng tốc kinh tế quý IV và phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2022, tại kỳ họp UBND tỉnh tháng 9 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các ngành, các huyện, thành phố quyết liệt thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, tập trung cao độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, với quyết tâm cao, vướng ở đâu phải tìm cách giải quyết ở đó, không để vướng mặt bằng, ách tắc thi công, chậm tiến độ các công trình; tập trung cao độ tăng tốc sản xuất công nghiệp, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với các phương án tiêu thụ sản phẩm… với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đề ra năm 2022 làm đà tăng tốc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp những năm tiếp theo.
Quyết tâm đạt giá trị sản xuất công nghiệp 17.520 tỷ đồng năm 2022, đồng chí Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngành tiếp tục bám sát các doanh nghiệp để kiểm soát năng suất, chất lượng và kịp thời đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các sản phẩm công nghiệp chủ lực; khuyến khích, tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất sản phẩm công nghiệp có thị trường tăng công suất bù đậy những sản phẩm thiếu hụt. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đang triển khai đưa vào sản xuất như Nhà máy sản xuất gỗ xuất khẩu Chiêm Hóa; tăng công suất thủy điện Sông Lô 8A, 8B… và triển khai các dự án mới.
Tiếp tục mục tiêu nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, ngành sẽ dồn lực thực hiện giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 10.146,7 tỷ đồng năm 2022, giữ tốc độ phát triển 4%/năm. Theo đó, trong quý IV, ngành sẽ tập trung thực hiện diện tích cây trồng vụ đông; gắn kết nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP như tiêu thụ cam, bưởi, sản phẩm thủy sản; tiếp tục mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC; tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 2022.
Với quyết tâm cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động của các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp, giải pháp ổn định xã hội, phát triển kinh tế, tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ và dự kiến sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đề ra trong năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển tỉnh thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025.
Gửi phản hồi
In bài viết