Tư vấn về lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á. Ảnh: Đỗ Tâm
16 ngân hàng đã triển khai gói hỗ trợ lãi suất
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Hà Thu Giang cho biết, tính đến ngày 26-9, 59/63 tỉnh, thành phố đã phát sinh các khoản vay hỗ trợ 2% lãi suất. Tại các ngân hàng thương mại, 16/44 ngân hàng phát sinh dư nợ có hỗ trợ 2% lãi suất, chủ yếu ở các nhóm ngành có thỏa thuận cho vay.
Mặc dù tiến độ triển khai gói hỗ trợ này chưa như kỳ vọng, song, thực tế là các ngân hàng đang cố gắng “nới” các thủ tục cho vay để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận. Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Ngọc Lâm thông tin, ngoài truyền thông, hướng dẫn, Ngân hàng xây dựng phần mềm quản lý các khoản vay hỗ trợ lãi suất. Tính đến cuối tháng 9, tổng doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất là 7.052 tỷ đồng, dư nợ hơn 5.647 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 17,1 tỷ đồng, bao gồm các lĩnh vực lưu trú, ăn uống, hàng không, nông nghiệp… Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đã tiếp nhận 271 đề nghị hỗ trợ lãi suất từ khách hàng, với dư nợ khoảng 15.500 tỷ đồng, để rà soát, triển khai. Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ hỗ trợ lãi suất của BIDV là 11.000 tỷ đồng.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Phạm Toàn Vượng cho hay, Agribank đã triển khai chương trình đến toàn bộ gần 2.300 điểm giao dịch trên cả nước; tập huấn cho 26.000 cán bộ trong đó có 14.000 cán bộ tín dụng và hơn 10.000 giao dịch viên… Tính đến cuối tháng 8-2022, dư nợ của các hợp đồng tín dụng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất qua rà soát là 40.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9-2022, Agribank hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2022, số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Việt Cường, sau khi rà soát, Ngân hàng đã chủ động truyền thông, hướng dẫn thủ tục cho khoảng 2.200 khách hàng là đối tượng được hỗ trợ. Đến nay, 52 khách hàng đang tiếp cận, với tổng dư nợ xấp xỉ 400 tỷ đồng.
Một “ông lớn” khác là Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng triển khai hỗ trợ lãi suất cho 171 khách hàng, với dư nợ khoảng 6.000-8.000 tỷ đồng. Nhìn chung sau thời gian đầu lúng túng, đến nay, các ngân hàng thương mại bắt đầu đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Đỗ Tâm
Có nên “nới” điều kiện vay vốn?
Để gói hỗ trợ lãi suất được triển khai hiệu quả hơn, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, nên hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trực tiếp từ nguồn ngân sách thông qua Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ căn cứ số thuế các doanh nghiệp trước đây đã nộp ngân sách để hỗ trợ lãi suất đối với số dư nợ đang vay ngân hàng, hoặc giảm trực tiếp thuế phải nộp trong năm 2022-2023.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân đề xuất, cần mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất cũng như quy định điều kiện cho vay phù hợp với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, nên quy định thêm những ngành sản xuất trong đó có hoạt động thương mại để các ngân hàng có cơ sở thực hiện. “Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới trên 90%, nếu không “nới” điều kiện hỗ trợ thì doanh nghiệp rất khó tiếp cận”, ông Nguyễn Văn Thân nêu.
Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia Nguyễn Thị Mùi cho rằng, nên nới điều kiện cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ lãi suất theo hướng đơn giản; rà soát một số điều kiện đối tượng thụ hưởng phải đáp ứng, cũng như một số quy định đối với việc xét duyệt cho vay của ngân hàng thương mại. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, gần như không có dòng tiền, phải gia hạn nợ, nên không được hỗ trợ. Trong khi trên thực tế, các doanh nghiệp này mới là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, rất cần được hỗ trợ vốn.
Để đạt được những mục tiêu, hiệu quả chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng sẽ tăng cường kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, khả năng tiếp cận chính sách của doanh nghiệp; rà soát các khoản vay hiện hữu có thể hỗ trợ lãi suất để triển khai. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì đường dây nóng, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ vướng mắc của các ngân hàng thương mại.
Gửi phản hồi
In bài viết