Bằng giọng văn trong trẻo, cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, những nhà văn nổi tiếng như: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Xuân Quỳnh đã đặt mình ở lứa tuổi thiếu nhi để nói về các loài vật vốn rất quen thuộc với các em. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được đặc tính, thói quen của từng loài vật, sự vật hiện tượng. Vì vậy, phải xuất phát từ tình yêu đối với trẻ thơ, cùng với sự đầu tư, quan sát, tìm hiểu kỹ các loài vật và đặt chúng trong những mối quan hệ hay hoàn cảnh cụ thể, các nhà văn mới có thể kể chuyện một cách sinh động nhất. Các em sẽ được gặp chú mèo con tinh nghịch, vượt qua nỗi sợ hãi để chiến đấu với rắn hổ mang và chuột cống to khỏe hơn mình trong truyện “Cái tết của mèo con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi; hay chú Bọ Ngựa hiếu thắng, muốn các loài vật xung quanh phải phục tùng mình khi bản thân chưa đủ lớn và trưởng thành trong truyện “Võ sĩ Bọ Ngựa” của nhà văn Tô Hoài…
Không chỉ là kể chuyện, mỗi tác phẩm còn giúp các em rút ra những bài học ý nghĩa cho bản thân. Đó là bài học về sự khiêm tốn, ham học hỏi, không huyênh hoang, khoác lác, biết nghe lời ông bà, bố mẹ và biết giúp đỡ mọi người xung quanh, làm những việc thực sự có ích… Mẹ Bọ Ngựa đã dạy “Đến đây con mới thực sự là sợ, biết chừa thói ngông cuồng và con mới thực hiểu rằng đường đời mỗi bước một khó”. Hay trong truyện ngắn “Cô Gió mất tên”, nhà văn Xuân Quỳnh viết: “Cô không có dáng hình, nhưng điều đó chẳng sao, hình dáng của cô là ở người khác, ở sự có ích cho người khác, ở niềm vui của người khác”.
Trong những ngày hè, ngoài việc vui chơi với các bạn và người thân trong gia đình, việc đọc sách sẽ giúp các em nhỏ được trải nghiệm, để mở ra cả thế giới. Tập truyện ngắn “Cái tết của mèo con” chắc chắn sẽ góp phần đem đến cho các em một mùa hè thực sự bổ ích và ý nghĩa.
Gửi phản hồi
In bài viết