Nhà văn Vũ Xuân Tửu và cuốn tiểu thuyết Đinh Tiên Hoàng.
Vũ Xuân Tửu sinh năm 1955, hiện sinh sống ở TP Tuyên Quang. Ông là hội viên Chi hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vũ Xuân Tửu là cán bộ công an về hưu, ông xuất hiện lặng lẽ trên văn đàn bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bắt đầu với một số truyện ngắn, bút ký đăng trên Tạp chí Văn nghệ Công an nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang. Song, chính bộ ba truyện ngắn: “Chuyện ở bản Pi Át”, “Cỏng hò”, “Bí mật cuốn gia phả” được trao giải Nhất là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời cầm bút của Vũ Xuân Tửu.
Sự chỉn chu và cẩn trọng, thành tâm với văn chương đã từng bước tạo dựng cho ông một thương hiệu riêng. Người ta bảo rằng viết tác phẩm mới, Vũ Xuân Tửu cũng lựa ngày đẹp, giờ lành, tắm gội thơm nức mới mở chữ, mỗi bản thảo xuất bản lại đặt lên bàn thờ lễ tổ tiên. Ông là một trong những cây viết xứ Tuyên được đánh giá là tài năng và bút lực sung mãn. Đến nay ông có gia tài đồ sộ, xuất bản được 27 tập sách riêng của mình, in chung được 40 tập sách. Đó là những tiểu thuyết, truyện ngắn đầy chất lượng như: tiểu thuyết “Chuyện trong làng ngoài xã”, “Tầm phào”, “Cửa đá”, “Hình bóng đàn bà”, “Cõi mê”. Tác giả có rất nhiều truyện ngắn đặc sắc được đăng trên Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam và được chuyên mục “Đọc chuyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam chọn lựa để đọc.
Gần đây tiểu thuyết “Đinh Tiên Hoàng” đã tạo được dấu ấn trong cuộc đời sáng tác của ông. Tác phẩm được Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao Giải A, Giải thưởng VHNT các dân tộc thiểu số. Đồng thời, Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng trao Giải thưởng Liên hiệp văn học nghệ thuật cho tiểu thuyết này. Với lối viết hóm hỉnh, đơn giản, đặc sắc cùng phong cách kể chuyện độc đáo, Vũ Xuân Tửu đã tạo được sự lôi cuốn cho tiểu thuyết lịch sử.
Một số tác phẩm của Nhà văn Vũ Xuân Tửu.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Đinh Tiên Hoàng. Đinh Tiên Hoàng khi còn nhỏ được gọi là Đinh Hoàn, sau đó được tôn vinh danh xưng “Bộ Lĩnh”, được gọi là Đinh Bộ Lĩnh. Ông đã thành công trong việc dẹp loạn 12 sứ quân và được người đời tôn xưng là Vạn Thắng Vương, Đại Thắng Minh Hoàng Đế… Sau khi băng hà, ông được truy phong danh hiệu Đinh Tiên Hoàng hay Đinh Tiên Hoàng Đế.
Mỗi người viết về lịch sử với phương pháp tiếp cận và thể hiện khác nhau. Có nhà văn dùng lịch sử như sợi chỉ mành, để treo chiếc chuông sự kiện và tư tưởng của mình lên. Nhà văn khác lại coi lịch sử như cái đinh, để treo bức tranh văn chương của mình. Và với Vũ Xuân Tửu luôn tôn trọng lịch sử, tôn trọng những huyền thoại, giai thoại. Đặc biệt những yếu tố về phong tục tập quán, văn hóa, đời sống xã hội được lồng ghép một cách linh hoạt, điêu luyện. Tiểu thuyết lịch sử văn học, hư cấu trên cơ sở chính sử nên đây là mảnh đất màu mỡ cho ngòi bút gạo cội “tung tẩy”.
Ông mất 2 năm để hoàn thành tác phẩm và trước đó phải bỏ ra hàng 4, 5 năm để đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước; đọc 2 vạn trang tài liệu để có được nguồn tư liệu dồi dào hoàn thành tác phẩm. Tiểu thuyết có 5 phần với 42 chương. Các phần được chia theo thời gian cũng như những tiến trình trong cuộc đời nhân vật Đinh Tiên Hoàng. Đó là: “Cờ lau tập trận”, “Dấy binh khởi nghiệp”, “Dẹp loạn 12 sứ quân”, “Xưng đế, định đô, đặt tên nước”, “Đoạn Đinh - Tiền Lê”.
Nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ, tác phẩm này là một phần của Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số” nhằm bảo tồn, quảng bá văn hóa lịch sử Việt Nam ra bạn bè Quốc tế. Đây cũng là nguồn tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi trong các trường học và viện nghiên cứu.
Nói về cuốn sách, nhà văn Vũ Xuân Tửu khiêm tốn trải lòng: “Đinh Tiên Hoàng là một nhân vật lịch sử, tầm cỡ vượt trên thời đại, mà khả năng của tôi có hạn, nên không tránh khỏi sơ xuất, dám mong bạn đọc chỉ giáo. Thiển nghĩ, đây là cuốn tiểu thuyết văn học, viết về thân phận nhân vật Đinh Tiên Hoàng, nhưng thông qua bức tranh lịch sử xa xưa, để cố gắng nói được điều gì đó với thời nay, thì may lắm thay”.
Gửi phản hồi
In bài viết