Đặc biệt với kho nội dung khổng lồ, các OTT chiếm dung lượng lớn dữ liệu, tạo áp lực đối với doanh nghiệp viễn thông trong nước… Do đó, vấn đề đặt ra là đã đến lúc phải thay đổi cách quản lý các OTT xuyên biên giới.
Kỹ sư Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) lắp đặt trạm thu phát sóng. Ảnh: Đức Thọ
Cạnh tranh bất bình đẳng
Sự xuất hiện của một loạt ứng dụng OTT như Viber, Whatsapp, Facebook Messenger, Telegram... với các chức năng hội thoại, họp trực tuyến, trao đổi trực tuyến (chat), tin nhắn không thu phí đã nhanh chóng thu hút người dùng, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của dịch vụ viễn thông truyền thống. Trên thế giới, ước tính trong những năm gần đây, doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống liên tục suy giảm ở mức 10-15%/năm do ảnh hưởng từ các ứng dụng OTT này.
Tại thị trường trong nước, mặc dù doanh thu viễn thông vẫn tăng trưởng, song mức tăng thấp dần trong 5 năm gần đây. Trong quý I-2023, doanh thu từ thoại suy giảm 17-20%. Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Cao Anh Sơn cho rằng, các nền tảng mạng xã hội, OTT xuyên biên giới cung cấp tại thị trường Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, ước tính có tốc độ tăng trưởng 2 con số. OTT xuyên biên giới đều cung cấp dịch vụ trên hạ tầng của các nhà mạng trong nước, nhưng không chia sẻ doanh thu. Vì vậy, gánh nặng về hạ tầng, bảo đảm chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông là rất lớn…
Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Bùi Sơn Nam chia sẻ, chỉ số doanh thu bình quân trên thuê bao ngày càng suy giảm. Trong khi đó, trên hạ tầng mạng viễn thông, các nền tảng mạng xã hội, OTT xuyên biên giới lại phát triển quá mạnh mẽ. Trên thế giới, vấn đề “chia sẻ công bằng” trong hợp tác BigTech (chỉ những doanh nghiệp khổng lồ về công nghệ, như: Google, Amazon, Facebook, Apple) được đặt ra. Theo đó, các nền tảng xuyên biên giới, OTT phải trả phí hạ tầng cho các nhà mạng nước sở tại.
Phải theo quy định pháp luật Việt Nam
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, quản lý các OTT là vấn đề mới. Với phát thanh truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15-2-2023) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP quản lý và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó quy định chế tài xử lý các OTT, các nhà cung cấp xuyên biên giới về phát thanh, truyền hình không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (như Netflix, AppleTV, Amazon...) đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Đối với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, hiện cơ sở pháp lý còn thiếu đồng bộ để xử lý, nhất là khi các nền tảng chưa có pháp nhân tại Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu và sẽ tham mưu Chính phủ hoàn thiện quy định.
Được biết, tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), ban soạn thảo đã đề xuất quy định, việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp không thu cước phí, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông về thông tin liên hệ. Với trường hợp số lượng người sử dụng hoặc phát sinh lưu lượng tại thị trường Việt Nam vượt mức ngưỡng theo quy định, phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho hay, các dịch vụ được cung cấp giống nhau cho người sử dụng Việt Nam thì phải được đối xử như nhau. Doanh nghiệp trong nước phải đăng ký, có giấy phép thì các doanh nghiệp xuyên biên giới cung cấp vào Việt Nam cũng phải đăng ký, xin phép.
Phân tích rõ hơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây 90% dung lượng mạng lưới để cung cấp dịch vụ viễn thông và nhà mạng thu tiền từ các dịch vụ viễn thông để trang trải đầu tư. Nhưng nay, 90% dung lượng mạng lưới của nhà mạng là để phục vụ các dịch vụ OTT. Các công ty OTT thu được rất nhiều tiền nhưng nhà mạng bảo đảm hạ tầng mạng lại không thu được bao nhiêu. Những thay đổi lớn này đòi hỏi cấp thiết phải có quy định, nhất là những quy định cho phép sự linh hoạt của Chính phủ, bộ, ngành trong quản lý.
Gửi phản hồi
In bài viết