Quyết liệt thanh lọc đội ngũ cán bộ
Theo số liệu của cơ quan chức năng tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã phát hiện, điều tra 11 vụ án/18 bị can về các tội: lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ, tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 4 vụ/10 bị cáo. Từ năm 2021 đến giữa tháng 6 - 2022, cơ quan điều tra các cấp đã truy tố 14 vụ/31 bị can về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong công tác xử lý kỷ luật Đảng, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, cấp ủy các cấp đã kiểm tra, giám sát đối với 538 tổ chức đảng và 432 đảng viên (có 179 cấp ủy viên các cấp). Chỉ đạo ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra đối với 268 tổ chức đảng và 3.332 đảng viên, trong đó: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 14 tổ chức đảng về lĩnh vực y tế và 4 tổ chức đảng về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, 2 tổ chức đảng về thu, chi ngân sách và thu nộp đảng phí. Ủy ban kiểm tra cấp huyện và cơ sở kiểm tra 35 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; kiểm tra việc thu chi ngân sách đối với 8 tổ chức đảng; kiểm tra việc thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí đối với 203 tổ chức đảng và 3.303 đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 68 tổ chức đảng và 21 đảng viên (có 18 cấp ủy viên các cấp). Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng bằng hình thức cảnh cáo và đối với 92 đảng viên, có 17 cấp ủy viên các cấp. Trong đó, khiển trách 58 đảng viên, cảnh cáo 22 đảng viên, cách chức 4 đảng viên, khai trừ 8 đảng viên. Theo báo cáo đánh giá của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, hầu hết những vụ việc cán bộ vi phạm trong quá trình thi hành công vụ tập trung ở các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, thị trường bất động sản, ngân hàng, quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, y tế, giáo dục…
Đồng chí Bùi Đức Kiên (ngoài cùng bên trái), công chức Địa chính - Xây dựng đô thị và môi trường phường Mỹ Lâm
(TP Tuyên Quang) kiểm tra tuyến đường giao thông tại tổ 4 vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nguyên nhân để xảy ra những vụ việc cán bộ lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham nhũng trong khi thi hành công vụ đó là việc thực hiện quy định về nêu gương, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, quy chế làm việc trong một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự nghiêm túc và đúng quy định. Thống kê nguyên nhân của các tổ chức đảng phải thi hành kỷ luật trong thời gian qua chủ yếu do vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; đối với đảng viên nguyên nhân để vi phạm chủ yếu là do vi phạm thiếu tinh thần, trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Đánh giá cán bộ có nơi chưa sát thực, vẫn còn nể nang, né tránh, ngại va chạm trong tự phê bình và phê bình.
Theo đồng chí Bàn Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Yên, nguyên nhân các vụ việc cán bộ vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi công vụ thời gian qua trên địa bàn huyện bị khởi tố là do cơ quan, đơn vị nơi đó chưa thực hiện đúng quy chế làm việc. Người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi đó chưa thực sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống. Cấp ủy đảng nơi đó chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng chí Triệu Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Trung Minh (Yên Sơn) cho biết, vụ việc một công chức của xã trong quá trình thực thi công vụ chiếm đoạt tài sản của nhân dân và đã bị khởi tố, trong đó có nguyên nhân, Đảng ủy chưa thường xuyên kiểm tra việc thực thi đạo đức công vụ, chưa kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, công chức.
Quản lý nghiêm cán bộ
Quản lý cán bộ, công chức, viên chức là một việc khó trong công tác cán bộ. Càng khó càng cần làm quyết liệt, nghiêm túc và chặt chẽ để góp phần ngăn chặn vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức trong cán bộ. Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ma Thế Hồng cho biết, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng công tác quản lý cán bộ gắn với tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý cán bộ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế về công tác cán bộ và quản lý cán bộ đảm bảo chặt chẽ, cụ thể đúng quy định. Quy định phân cấp cụ thể trong công tác quản lý cán bộ từ khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chính sách đối với cán bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quan tâm giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, đảng viên, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.
Bài học kinh nghiệm ở xã Trung Minh (Yên Sơn) trong quản lý cán bộ đó là lãnh đạo cấp ủy cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Từ góc độ kiểm tra, giám sát của Đảng, đồng chí Nguyễn Hồng Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho rằng, để góp phần quan trọng vào công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần chủ động, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Thực tiễn cho thấy, muốn quản lý nghiêm, hiệu quả cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trước tiên cần nêu gương thực hiện đúng quy chế làm việc; giao việc gắn với kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức thực thi công vụ. Các cấp ủy trong tỉnh cần tiếp tục chú trọng thực hiện quy định chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở những vị trí dễ phát sinh tiêu cực, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị.
Quản lý cán bộ rất cần phát huy vai trò giám sát của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân. Từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực và dấu hiệu vi phạm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Quản lý cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ. Trong tình hình hiện nay, quản lý cán bộ cần được thực hiện một cách chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vừa được tạo điều kiện phát huy hết năng lực, sở trường song luôn giữ gìn được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh trước mọi sự cám dỗ.
Gửi phản hồi
In bài viết