Quản lý chặt thuê bao di động

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng cuộc gọi "rác" 7 tháng năm 2022 là 23 triệu cuộc, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 (9,5 triệu cuộc gọi "rác").

Lý do là cùng kỳ năm ngoái, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội nên tình trạng phát tán cuộc gọi "rác" ít hơn. Khi xã hội trở lại hoạt động bình thường, nhu cầu kinh doanh, buôn bán tăng, tình trạng phát tán cuộc gọi "rác" cũng tăng theo. Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng khác là tình trạng thông tin thuê bao di động không chính chủ còn tồn tại. Cuộc gọi "rác", tin nhắn "rác" đa phần bắt nguồn từ thuê bao chưa định danh.

Từ đầu năm 2022, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng các nhà mạng triển khai các biện pháp quản lý thuê bao mới phát sinh, bảo đảm 100% thuê bao đăng ký mới kể từ ngày 1-4-2022 đều chính chủ, được định danh. Cùng với đó, Cục Viễn thông và 8 nhà mạng đã ký kết triển khai ngăn chặn, xử lý cuộc gọi "rác" và quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý sim chưa định danh. Các nhà mạng cùng thống nhất tiêu chí xác định thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi "rác", như: Tần suất gọi 150 cuộc/ngày, thời gian gọi dưới 45 giây; cuộc gọi đi lớn gấp 10 lần cuộc gọi đến. Từ đó, các nhà mạng đã phát hiện hàng trăm nghìn thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi "rác". Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an xử lý thuê bao có thông tin không chính xác tại 7 doanh nghiệp, xử phạt 39 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và nhiều chi nhánh của nhà mạng, với tổng số tiền phạt lên đến gần 3 tỷ đồng…

Rõ ràng, quản lý chặt thông tin thuê bao di động, đi cùng với kiểm tra, giám sát là giải pháp quan trọng để xử lý triệt để vấn nạn "rác" viễn thông.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục