Từ đầu năm 2021, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược có mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Tại Việt Nam, khi dịch Covid-19 bùng phát, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã thể hiện được thế mạnh khi nhiều doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ này để ứng phó với việc phải giãn cách xã hội. Thí dụ, Công ty CyberPurify đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng các nội dung độc hại với trẻ em trên internet, giúp trẻ em sử dụng mạng xã hội an toàn hơn. Công ty cổ phần EM&AI cung cấp một giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo toàn diện cho các trung tâm chăm sóc khách hàng để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, giảm chi phí hoạt động đến 60%. Công ty này đã phát triển công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo xử lý ngôn ngữ tiếng Việt tự nhiên, đóng vai trò như bộ não giúp trợ lý ảo có thể hiểu được ý định, sắc thái của khách hàng qua lời nói.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều đơn vị đã quan tâm phát triển nhân lực của lĩnh vực này. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn Vũ Hồng Chiên cho biết, Trung tâm có một hệ sinh thái các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và đang có các dự án hợp tác với các cơ sở hàng đầu trên thế giới với các lĩnh vực như thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Trung tâm không chỉ phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo mà còn tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này cho tương lai. Hiện, cộng đồng trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn đã được xây dựng dành cho các kỹ sư, chuyên gia đam mê phát triển trí tuệ nhân tạo. Theo ông Vũ Hồng Chiên, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam có lợi thế khi đang ở trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" và người Việt Nam rất giỏi toán, cùng khả năng học hỏi công nghệ rất tốt, rất nhanh. Khoảng 2-3 năm nữa, nguồn nhân lực về công nghệ trí tuệ nhân tạo của Việt Nam tăng lên rất nhanh thông qua việc triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
PGS, TS Bùi Thu Lâm, Tổng Thư ký Câu lạc bộ các Khoa-Trường-Viện Công nghệ thông tin (FISU) cho biết, hiện có một số sáng kiến thúc đẩy cộng đồng trí tuệ nhân tạo Việt Nam-Australia. Theo đó, mục tiêu của kết nối cộng đồng là hỗ trợ nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, các doanh nghiệp, kết nối và hợp tác với các đối tác trên thế giới, trong đó, Câu lạc bộ các Khoa-Trường-Viện Công nghệ thông tin là nơi tập hợp các chuyên gia.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, nhìn lại nhiều năm trước, công nghệ trí tuệ nhân tạo còn là khái niệm xa lạ, chưa có gì ứng dụng trong cuộc sống, nhưng hiện nay, công nghệ này đã phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều. Hiện, dữ liệu cũng đang được xây dựng ở nhiều lĩnh vực, ngành, doanh nghiệp, các bài toán và đội ngũ chuyên gia hướng dẫn trong lĩnh vực này đã nhiều hơn, tạo điều kiện, không gian phát triển nhiều sản phẩm hơn. Tất cả những hoạt động này đều đang đi đúng hướng theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, thực tế phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện nay đang gặp trở ngại là các doanh nghiệp, các tổ chức chưa tin tưởng nhiều vào các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, dẫn tới việc ứng dụng chưa thật sự mạnh mẽ. Nguyên nhân do các giải pháp, sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo khi phát triển ở giai đoạn đầu cho kết quả chưa cao, sản phẩm cần qua thời gian mới hoàn thiện, khẳng định tính khả thi vì liên quan quá trình học của máy. Bên cạnh đó, cần có các hành lang pháp lý để sản phẩm trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng rộng rãi hơn, nhất là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Gửi phản hồi
In bài viết