Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải rà soát, tháo gỡ kịp thời các bất cập, góp phần thúc đẩy việc đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Hướng dẫn sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Vướng mắc về quy định pháp luật
Với sự đầu tư của Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ, nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn những điểm chưa thực sự phù hợp với đặc thù của lĩnh vực khoa học và công nghệ đã tạo ra những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong quá trình xử lý tài sản hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) cho biết, tại VKIST hiện có nhiều công nghệ, đề tài liên quan ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhưng không chuyển giao được vì vướng về định giá công nghệ và chia sẻ lợi nhuận. “Thông tư số 10/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước nhưng Việt Nam chưa có thị trường đầy đủ nên giải quyết bài toán định giá sản phẩm rất khó”, PGS.TS Vũ Đức Lợi cho hay.
Trong khi đó, GS.TS Trần Đình Hòa, Ban Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (KC08) cho rằng: “Có những đề tài 5-10 năm sau mới phát huy giá trị biết định giá ra sao? Phương pháp xác định giá dựa trên việc tổng hợp các chi phí khi triển khai nhiệm vụ là chưa phù hợp do còn có đóng góp quan trọng của “chất xám” là chi phí khó định lượng. Vì thế, hiện nay khó tìm được cơ quan có khả năng thẩm định giá tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gây khó khăn trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thậm chí dẫn đến “nghịch cảnh” sợ sản phẩm thương mại hóa thành công thì có thể bị quy trách nhiệm trong công tác định giá làm thất thoát tài sản nhà nước”.
Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác giả công trình nhận 15%-20% tiền chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, nhưng theo Luật Khoa học và Công nghệ, tác giả được tối thiểu 30% lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng. Những quy định không thống nhất như thế này cũng gây khó khăn và chưa tạo động lực cho các tác giả thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Hoàn thiện cơ chế quản lý, định giá tài sản
Hệ thống cơ chế, chính sách quản lý tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước gồm: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP; các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ… Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, cần có những giải pháp bổ sung quy định phù hợp với thực tế, xóa bỏ sự chồng chéo trong các quy định nêu trên.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất 3 giải pháp. Một là, coi việc đầu tư các dự án như một khoản tài trợ chứ không phải đầu tư để thu hồi vốn, tức là chấp nhận độ rủi ro. Khi đó, tài sản trí tuệ chuyển giao cho doanh nghiệp được thu hồi gián tiếp qua cơ chế thuế. Hai là, không bán tài sản trí tuệ hình thành mà sử dụng cơ chế cho quyền sử dụng, thu % doanh thu từ tài sản đó. Tức là, bán được bao nhiêu nộp doanh thu ngược lại để thị trường tự định giá. Ba là, nếu thực hiện định giá cần có mức sàn chung áp dụng khi thuyết minh đề tài dự án, để tránh vi phạm liên quan thủ tục định giá, cấu kết lợi ích.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, hoàn thiện cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp thực hiện để triển khai Nghị quyết số 100/2003/QH 15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính trong quá trình hoàn thiện chính sách, rà soát, sửa đổi quy định về cơ chế trong quản lý tài sản hình thành từ các chương trình, nhiệm vụ, tháo gỡ các bất cập trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Khoa học và Công nghệ... nhằm gỡ nút thắt trong hoạt động chuyển giao.
Gửi phản hồi
In bài viết