Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các đơn vị liên quan tại Hà Nội về tình hình triển khai thí điểm làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Ảnh: Thúy Nhi
Nhiều khó khăn phát sinh
Để thực hiện tốt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tháng 5-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam làm điểm triển khai việc làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Tại Hà Nội có 18 phường của quận Hoàn Kiếm và 14 phường của quận Hoàng Mai tham gia đề án. Đến nay, quận Hoàn Kiếm đã thu thập được 46.493 phiếu, quận Hoàng Mai thu thập được 237.390 phiếu.
Theo công chức địa chính phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) Nguyễn Hồng Tư, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc. Khó khăn lớn nhất là những biến động của chủ sở hữu. Đáng chú ý, nhiều chủ thửa đất sau khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng, nhưng không sinh sống tại địa phương và không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Nhiều thửa đất có sự chia tách, hợp thửa, nên số lượng thửa đất và số hộ sử dụng không trùng khớp, thường xuyên biến động...
Còn theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn, thực tế điều tra thông tin về số nhà, đường phố cho thấy còn trùng lặp, không thống nhất, nhất là tại các khu mới, đường mới. Do thông tin, dữ liệu về nhà ở, công trình, tài sản gắn liền với đất không bắt buộc phải đăng ký, nên trong cơ sở dữ liệu đất đai hầu như không có thông tin này. Hơn nữa, thông tin về nhà ở trong giấy phép xây dựng cấp cho người dân, hiện UBND cấp huyện, quận vẫn chỉ được lưu dưới dạng hồ sơ giấy, chưa được số hóa để có thể kết nối, chia sẻ bổ sung, làm giàu cho cơ sở dữ liệu đất đai.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) Nguyễn Quý Hùng chia sẻ, với cách phát phiếu thủ công, sau đó thu thập lại để bổ sung, rà soát số liệu, đòi hỏi sự hỗ trợ, hợp tác của các bên liên quan, nhất là cán bộ cơ sở. Đây là khối lượng công việc lớn, mất nhiều công sức.
Ngoài các khó khăn nêu trên, trong quá trình triển khai làm điểm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc khác. Cụ thể, đối với dữ liệu đất đai, thông tin về cơ sở dữ liệu đất đai đang vận hành tại địa bàn làm điểm số tờ, số thửa chưa đúng với bản đồ địa chính chính quy; địa chỉ thửa đất (thông tin trên giấy chứng nhận) không đủ độ chi tiết (chỉ có thông tin về tổ dân phố/thôn, xóm, không có thông tin về số nhà) và thay đổi nhiều so với thực tế...
Tiếp tục hoàn thiện quy trình
Việc triển khai làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia với mục tiêu dữ liệu đất đai được chuẩn hóa, bổ sung thông tin về chủ sử dụng đất, thửa đất, nhà ở, địa chỉ thửa đất, phản ánh đúng hiện trạng đối với một số loại đất phi nông nghiệp; xác thực, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó, kết nối, chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến đất đai, nhà ở theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, hoàn thiện kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, liên thông vận hành các dịch vụ công…
Theo Phó Giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Hoàng Mai Nguyễn Văn Thắng, để dữ liệu này trở thành tài nguyên, các bên liên quan đều sử dụng hữu ích, phục vụ trở lại chính người dân, doanh nghiệp, rất cần một nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, có tính ổn định, lâu dài. Ở đó có sự liên thông, liên kết, chia sẻ, bổ sung dữ liệu một cách thuận lợi.
Còn theo nhiều cán bộ của các địa phương trực tiếp tham gia đề án, cần tích hợp dữ liệu đa nguồn khác nhau, như cơ sở dữ liệu về dân cư gắn với đất đai một cách chính thống, tin cậy. Mặt khác, cần phát triển ứng dụng di động để cung cấp thông tin về đất đai và tư vấn cho người dân; tích hợp chức năng đăng ký và báo cáo cập nhật dữ liệu từ cộng đồng dân cư để có thêm kênh tham khảo, hạn chế tối đa tình trạng phải phát phiếu thu thập thủ công như hiện nay…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Bảo Trung cho biết, việc triển khai làm điểm làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tại Hà Nội và tỉnh Hà Nam được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Đến nay, Cục và các đơn vị liên quan đã chuẩn hóa, làm giàu, làm sạch, bổ sung, liên kết thông tin (từ phiếu thu thập thông tin) với dữ liệu không gian thửa đất; số thửa đất đã được làm giàu, làm sạch, bổ sung thông tin trong cơ sở dữ liệu đạt tỷ lệ khoảng 80%. Rút kinh nghiệm từ các địa phương làm điểm, Cục tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu thập, xử lý dữ liệu, bổ sung làm giàu dữ liệu bảo đảm tính thống nhất, chính xác cao.
Gửi phản hồi
In bài viết