Giới thiệu các sản vật truyền thống, đặc trưng vùng núi Ba Tơ.
Giữa không gian trưng bày ẩm thực của xã Ba Vinh, món ăn lạ lẫm bánh tét ôm nhau nổi bật. Hai thanh bánh tét chiều dài gang tay, cột vào nhau vừa đủ gắn kết chặt chẽ. Được làm từ nguyên liệu là nếp gói gọn trong lá dong, món ăn truyền thống bao đời của bà con đồng bào Hrê được giới thiệu trong những ngày đặc biệt lễ, tết.
Bánh tét ôm nhau chuyển tải tình đoàn kết, yêu thương nhau trong cộng đồng dân tộc Hrê và
với anh em đồng bào ở các vùng miền khác.
Bánh tét ôm nhau gởi đến thông điệp tình đoàn kết cùng nhau của bà con đồng bào Hrê, và tinh thần gắn kết của bà con Hrê với các dân tộc anh em khắp vùng miền.
“Bánh tét ôm nhau dù là món ăn truyền thống nhưng chuyển tải mong muốn tình đoàn kết, yêu thương nhau trong cộng đồng dân tộc Hrê và đồng bào Hrê với dân tộc anh em khác. Chúng tôi muốn giới thiệu đến với nhiều người, nhiều nơi để lan rộng, duy trì truyền thống vùng đất của mình”, anh Phạm Văn Nho, xã Ba Vinh cho biết.
Không gian trưng bày ẩm thực đặc sắc trong Ngày hội hướng về Khởi nghĩa Ba Tơ là những món ăn của rừng, gợi nhớ những chiến tranh đầy khó khăn, gian khổ trong rừng sâu. Rau ranh nấu cùng ốc đá, canh rau ré nấu rau má ăn cùng cơm rẫy mà bất cứ người bản làng hay ai từng ở vùng núi Ba Tơ thời kháng chiến hay mùa mưa gió đều giữ gìn trong ký ức.
Giới thiệu các sản vật truyền thống, đặc trưng vùng núi Ba Tơ.
“Ẩm thực truyền thống gắn với lịch sử, đời sống của bà con vùng núi. Các sản phẩm rừng ngày càng ít dần nên chúng tôi cố gắng gìn giữ không để mất đi”, anh Đinh Quang Thạnh, xã Ba Trang chia sẻ.
Mô hình xe tăng tái hiện gợi nhớ về chiến thắng Giá Vực ở xã Ba Vì ngày 20/9/1974.
Mô hình xe tăng tái hiện gợi nhớ về chiến thắng Giá Vực ở xã Ba Vì ngày 20/9/1974. Gần 50 năm trước, đồng bào dân tộc ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long cùng với lực lượng vũ trang đã vùng lên tấn công Chi khu Giá Vực, giải phóng hoàn toàn huyện Sông Re (nay là huyện Ba Tơ). Đồng thời, mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của đồng bào nơi đây. Di tích lịch sử Chiến thắng Giá Vực được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, minh chứng cho chiến thắng hào hùng của vùng núi cao tỉnh Quảng Ngãi.
Khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng trước tháng 8/1945 giành thắng lợi trọn vẹn, đánh dấu mốc son lịch sử và tạo đà cho phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Ngãi, Liên khu 5 và cả nước phát triển mạnh mẽ, giành những thắng lợi to lớn để giải phóng dân tộc. Đội du kích Ba Tơ trở thành lực lượng tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 5.
Kỷ niệm 78 năm khởi nghĩa Ba Tơ 11/3/1945-11/3/2023, huyện miền núi Ba Tơ đang tổ chức nhiều hoạt động hướng về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của vùng đất anh hùng.
Những hoạt động truyền thống, tiếp nối các di sản của vùng núi Ba Tơ đa dạng các hoạt động về nguồn, lễ hội, hội trại tái hiện di tích lịch sử, trưng bày các sản phẩm truyền thống của địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, không gian ẩm thực với các món ăn dân dã; trải nghiệm giã lúa, dệt vải thổ cẩm, trình diễn chiêng 3 của dân tộc Hrê... gợi nhớ thời chiến tranh gian khó, quá trình dựng xây miền núi cao Ba Tơ những năm qua. Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật “Tiếp nối di sản", với màn trình diễn đặc sắc di sản văn hóa chiêng 3 của dân tộc Hrê, trình diễn di sản dệt vải thổ cẩm Làng Teng, lễ cầu mưa của dân tộc Hrê…
“Nghe, xem qua các sách báo nhiều nhưng chúng tôi được thấy, trải nghiệm thực tế biết sâu hơn, cảm nhận nhiều hơn về vùng đất quê mình. Từ đó mình lại kế thừa, hướng dẫn cho các lớp con em sau này mới không bị mai một”, chị Đinh Thị Hồng chia sẻ.
Ngày hội hướng về kỷ niệm 78 năm Khởi nghĩa Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi gắn nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Hrê Ba Tơ về quá trình hình thành, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.
“Kỷ niệm ngày lịch sử không chỉ là ôn lại truyền thống mà chúng tôi muốn đó thật sự là ngày hội để bà con, nhân dân cùng nhau trở về, hội tụ. Những ngày tháng ba gắn với Khởi nghĩa Ba Tơ là ngày hội hàng năm mới có thể lan tỏa, duy trì và giữ giá trị văn hóa, đặc trưng vùng núi để cho nhiều thế hệ mai sau”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh khẳng định.
Gửi phản hồi
In bài viết