Khu lưu trú Tú Làn Lodge được thiết kế theo mô hình nhà nổi Tân Hóa để phục vụ khách du lịch trong mùa lũ.
Trong màn sương sớm như mưa rây hạt, chúng tôi đạp xe vòng quanh thảo nguyên xanh mênh mông để được chiêm ngưỡng phong cảnh làng quê Tân Hóa, được hít hà hương thoang thoảng của hoa tràm và mùi ngái ngái của đất. Bạn tôi từ nơi xa đến không khỏi ngỡ ngàng khi được biết, cứ mùa mưa lũ đến, làng quê, đồng cỏ xanh giữa trùng điệp núi đá vôi này chìm trong nước. Bây giờ, khi tìm được cách “sống chung”, người dân đã bình tâm để vượt qua lũ và Tân Hóa trở thành điểm đến cả trong những ngày lụt theo cách riêng của mình.
Tân Hóa là vùng đất có phong cảnh sơn thủy hữu tình ở huyện Minh Hóa với những dãy núi đá vôi hùng vĩ ôm lấy thung lũng bao la cùng những cánh đồng cỏ bất tận. Uốn lượn giữa thung lũng là con sông Rào Nan - dòng sông chia thung lũng thành hai bờ, thành làng mạc của cư dân. Nơi đây còn nổi tiếng với hệ thống hang động Tú Làn tuyệt đẹp, được chọn làm bối cảnh cho những bộ phim nổi tiếng như: “Kong-đảo Đầu lâu” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, “Người Bất tử” của Victor Vũ…
Chủ tịch xã Tân Hóa Trương Thanh Duẫn nói thêm rằng, dòng Rào Nan khởi nguồn từ vùng núi giáp biên giới Việt Nam-Lào, chảy ngầm một quãng rồi xuôi về Tân Hóa. Ngày nắng, nước sông xanh màu ngọc bích. Mùa mưa, nước lũ cuồn cuộn đổ về. Đến cuối làng, gặp những dãy núi đá vôi sừng sững chắn ngang, vài hang động ở cuối thung lũng không đủ lớn để lượng nước lũ thoát ra ngoài một cách nhanh chóng. Vì vậy hằng năm, nơi đây biến thành “túi nước” lớn. Tân Hóa chới với trong biển lũ, nhà cửa ngập tận mái. Người dân phải dắt díu nhau lên núi đá vôi tránh lũ.
Từ khó khăn đó, người dân Tân Hóa đã sáng chế ra mô hình nhà nổi, rộng khoảng 20m2 làm bằng gỗ, gắn cố định trên hệ thống thùng phuy nhựa giúp cho nhà có thể nổi được khi nước lũ lên. Nhà nổi trở thành nơi trú ẩn an toàn của các thành viên trong gia đình, đồng thời là nơi cất giữ các tài sản có giá trị và lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc sống. Với mô hình nhà nổi, cuộc sống của người dân trên nước lũ diễn ra an toàn hơn.
Đó cũng là gợi mở để doanh nghiệp du lịch nghĩ đến mô hình du lịch trải nghiệm cuộc sống mùa lụt ở Tân Hóa. Với du khách đến từ các thành phố lớn hoặc người nước ngoài thì trải nghiệm an toàn trong mùa mưa lũ như ở nhà nổi, thả lưới, câu cá, chèo thuyền kayak vượt lũ, vượt suối chinh phục hang động ở Tân Hóa có những thú vị riêng ít nơi có được.
Chủ nhân của sản phẩm du lịch độc đáo ấy là Công ty du lịch Chua Me Đất (Oxalis). Không chỉ nổi tiếng với việc tổ chức tour du lịch “Khám phá hang động lớn nhất thế giới - hang Sơn Đoòng” mà Oxalis còn được biết tới bởi có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thân thiện với môi trường ở Di sản thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng.
Tổng Giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á chia sẻ: “Kinh nghiệm tổ chức các tour du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn giúp chúng tôi nghĩ ngay đến việc làm sao để có thể đón được khách du lịch cả trong mùa nước lũ dâng. Quảng Bình năm nào cũng có mưa lũ tuy mức độ khác nhau. Có những vùng mưa lũ gây thiệt hại nhà cửa, ruộng vườn của người dân, nhưng cũng có nơi không bị ảnh hưởng lớn, mưa nhiều lại tạo nên cảnh quan đẹp, hiếm có. Từ gợi ý của việc “sống chung” với lũ, chúng tôi xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết”.
Khu lưu trú thích ứng thời tiết Tú Làn Lodge vừa được khai trương giữa tháng 2/2023 là mô hình sáng tạo lấy ý tưởng từ nhà nổi Tân Hóa. Tú Làn Lodge được thiết kế khung nhà tiền chế lắp ghép bên triền núi thôn Yên Thọ, xã Tân Hóa, cách mặt đất khoảng 15m và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.
Với sự kết hợp các yếu tố sang trọng, hiện đại và hài hòa với thiên nhiên, toàn bộ khuôn viên Tú Làn Lodge hướng tầm nhìn đến khung cảnh cánh đồng bao la được ôm trọn bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Từ Tú Làn Lodge, du khách có thể tận hưởng làn gió mát vào mùa hè và không chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt vào mùa mưa; có thể ngắm cảnh hoàng hôn với những ráng chiều đỏ rực phía chân trời xa hay cảnh mây bay phủ kính các triền núi lúc sáng sớm.
Theo ông Nguyễn Châu Á, Tú Làn Lodge không chỉ là nơi đón khách vào những ngày mưa lụt để trải nghiệm cuộc sống ở “rốn lũ” mà còn là nơi trú ẩn, khu vực cấp điện và nước sạch cho người dân Tân Hóa vào mùa lụt khi nước lên cao.
Hiện hơn 120 lao động ở Tân Hóa có thu nhập từ khi làm việc cho các tour thám hiểm hang động ở đây. Người nông dân vùng lũ Tân Hóa sau các khóa tập huấn, đào tạo đã trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn, lễ tân, nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch. Với mức thu nhập bình quân 6 đến 8 triệu đồng cho 14-16 ngày làm việc mỗi tháng, người dân vừa hợp tác với Oxalis để phục vụ khách du lịch, vừa có thể làm công việc đồng áng hay chăm sóc gia đình.
Hiện, Oxalis tổ chức cho khách lưu trú tại Tú Làn Lodge, trải nghiệm ăn tối tại nhà người dân, qua đó giới thiệu các sản phẩm địa phương, đồng thời giúp người dân có thêm thu nhập.
Chúng tôi có dịp ăn tối tại nhà anh Trương Hữu Dần, ở thôn 2 Tân Hóa. Đó là ngôi nhà gỗ đơn giản, nhưng bài trí ngăn nắp, sạch sẽ. Vợ chồng anh phục vụ chúng tôi nhiều món đặc sản Tân Hóa, trong đó có bồi và ốc khe vừa ngon và lạ mắt. Anh Dần chia sẻ, ban đầu gia đình anh chưa biết cách chế biến thực phẩm, sau khi được các chuyên gia ở Oxalis tập huấn, hướng dẫn tận tình, giờ thì đã biết cách làm hài lòng du khách bằng những món ăn dân dã, tươi ngon.
Vợ chồng anh Benjamin Edward Leslie, du khách đến từ Australia nhận xét: “Đến Tân Hóa thật sự là một chuyến đi tuyệt vời của chúng tôi, ở đây có hang động, có thể cắm trại, ngủ lều, món ăn ấn tượng. Chúng tôi được trải nghiệm cuộc sống mùa lũ và hòa mình vào thiên nhiên nơi đây khi không cần sự trợ giúp của các thiết bị, phương tiện hiện đại”.
Ông Nguyễn Châu Á chia sẻ, Oxalis đang phối hợp Sở Du lịch Quảng Bình và chính quyền địa phương thực hiện đề án phát triển Tân Hóa thành làng du lịch cộng đồng đạt chuẩn của Tổ chức Du lịch thế giới. Để làm được điều này, trước mắt, doanh nghiệp hỗ trợ một số hộ dân xây dựng 10 phòng homestay và giới thiệu khách để mô hình hoạt động hiệu quả.
Người dân được đào tạo về cách phục vụ khách du lịch khi họ đến lưu trú, sử dụng dịch vụ ăn uống. Nhờ thế, du khách được trải nghiệm gần hơn cuộc sống của người dân địa phương. Khách du lịch được quan sát tận mắt những nhà nổi độc đáo-mô hình giúp người dân thích nghi qua các mùa lũ lụt; thưởng thức các món đặc sản địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Đặng Đông Hà, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mà cộng đồng dân cư phối hợp với nhau, cùng nhau khai thác những giá trị về cảnh quan và văn hóa bản địa để mang đến những sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Với cách làm chuyên nghiệp, bài bản và sáng tạo của Oxalis tại Tân Hóa cũng như những hoạt động hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng, trong tương lai gần, Tân Hóa sẽ thành điểm đến hấp dẫn phía tây bắc Quảng Bình.
Ông Nguyễn Châu Á nói rằng, làm du lịch ở vùng sâu đã khó, ở nơi “rốn lũ” lại càng khó khăn hơn. Song với sự quyết tâm và cách làm sáng tạo của doanh nghiệp cùng sự tham gia tích cực của người dân vào hoạt động du lịch đã giúp nâng cao đời sống của chính họ, tiến tới thích ứng với điều kiện thiên nhiên để không phải kêu gọi cứu trợ khi mùa lũ đến.
Xưa, người dân Tân Hóa vào rừng lấy gỗ, săn bắn trái phép; nay, họ trở thành những người bảo vệ từng cành cây, ngọn cỏ, từng lối đi trong hang hay con cá dưới suối; nhặt từng cọng rác vương vãi trên lối mòn mà người dân hay khách du lịch đi qua. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, chính những tài nguyên độc đáo đó đưa khách du lịch đến Tân Hóa và tạo việc làm, tăng thu nhập giúp người dân vượt lên khó khăn do thiên tai để tiến tới ấm no, giàu đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết