Du khách tại Thiên Đàn, một điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)
Cơn sốt du lịch nước ngoài
Ngày 10/3, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ban hành văn bản cho biết, kể từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc tiếp tục thí điểm cho phép các hãng du lịch và doanh nghiệp lữ hành trực tuyến trong cả nước khôi phục kinh doanh du lịch theo đoàn ra nước ngoài và các dịch vụ "vé máy bay+khách sạn" kèm theo đến các quốc gia thuộc danh sách đợt 2.
Danh sách này gồm 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cộng thêm 20 quốc gia thuộc đợt 1 đã triển khai trước đó, đến nay, Trung Quốc đã cho phép các hãng du lịch và doanh nghiệp lữ hành trong nước khôi phục dịch vụ du lịch theo đoàn đến 60 quốc gia trên thế giới.
Đây là tin vui đối với khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Trung Quốc, mở ra triển vọng phục hồi trở lại sau hơn 3 năm chịu tác động nặng nề, thậm chí gián đoạn vì đại dịch Covid-19.
Động thái điều chỉnh trên của cơ quan chức năng Trung Quốc tạo ra một cơn sốt tìm kiếm thông tin điểm đến, tour du lịch và các dịch vụ liên quan như vé máy bay, khách sạn, nhà hàng và visa du lịch trên các nền tảng ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch ở nước này.
Đại diện nền tảng du lịch trực tuyến LY.COM cho biết, ngay sau khi thông tin được công bố, lượng tìm kiếm du lịch nước ngoài tăng đột biến lên hơn 77%, lượng yêu cầu tư vấn visa du lịch đến các quốc gia thuộc danh sách cũng tăng lên hơn 5 lần.
Hành khách làm thủ tục ở sân bay Đại Hưng, Bắc Kinh. (Ảnh: HỮU HƯNG)
Số liệu của nền tảng dịch vụ du lịch Fliggy thuộc Tập đoàn Alibaba cho thấy, chỉ trong 1 giờ sau khi chính sách mới được công bố, lượng tìm kiếm chuyến bay quốc tế của nền tảng này đã đột ngột tăng 185%.
Đại diện hãng lữ hành Utour cho biết, cơ quan chức năng tăng thêm 40 quốc gia điểm đến cho du lịch quốc tế theo đoàn, là một tin vui, niềm cổ vũ lớn đối với ngành du lịch, lượng truy cập và tìm kiếm qua website và tư vấn điện thoại của hãng đã tăng 500%-600% trong những ngày qua.
Du khách Trung Quốc quan tâm nhất việc có thể đi du lịch các nước nào, với việc tăng thêm 40 điểm đến trong đợt này, nhu cầu du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc sẽ được đáp ứng tốt hơn, đẩy nhanh tiến trình phục hồi của lĩnh vực du lịch quốc tế.
Đối với 40 quốc gia thuộc danh sách thí điểm mở cửa du lịch nước ngoài đợt này, các nền tảng du lịch trực tuyến và hãng lữ hành Trung Quốc đang khẩn trương triển khai chuẩn bị các sản phẩm, dịch vụ du lịch liên quan.
Hãng Utour cho biết đang chuẩn bị nhiều tour, tuyến du lịch chất lượng cao và đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách khác nhau. Còn nền tảng LY.COM đã tung ra thị trường dịch vụ visa du lịch đến các quốc gia được mở cửa, đồng thời đẩy nhanh thiết kế các sản phẩm du lịch theo đoàn, dự kiến sẽ ra mắt hàng loạt tour "vé máy bay+khách sạn" từ ngày 15/3 tới.
Mới đây, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) ra thông báo cho biết, việc Trung Quốc khởi động lại du lịch nước ngoài sẽ tác động tích cực đến ngành du lịch toàn cầu. Số liệu thống kê của tổ chức này cho biết, 3 năm trước, Trung Quốc là thị trường cung cấp khách du lịch lớn nhất thế giới, với 166 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, với chi tiêu lên tới 270 tỷ USD năm 2019.
Các tour du lịch đến Việt Nam được quảng bá ở Trung Quốc. (Ảnh: YNET.com)
Thông tin Việt Nam nằm trong 40 điểm đến có thể tổ chức du lịch theo đoàn từ 15/3 tới, được dư luận và truyền thông Trung Quốc rất quan tâm, với các bài báo có tiêu đề như "Việt Nam hot nhất trong 40 quốc gia mở cửa du lịch quốc tế", "Việt Nam là điểm đến được mong đợi nhất", "Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất trên các nền tảng du lịch trực tuyến"...
Theo báo chí Trung Quốc, số liệu thống kê cho thấy, trong các quốc gia mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, Việt Nam là điểm đến mà du khách Trung Quốc quan tâm nhất. Tiếp sau đó là các nước ở châu Âu như Italia, Serbia, Pháp và Tây Ban Nha.
Nền tảng du lịch trực tuyến Qunar cho biết, hiện nay, Trung Quốc đã có đường bay thẳng đến nhiều điểm đến trong 40 quốc gia mở cửa đợt này. Trong đó, các chuyến bay đến Việt Nam nhiều hơn cả, với giá tương đối thấp, còn các chuyến bay đến châu Âu có giá khá cao.
Về số lượng đặt vé máy bay và khách sạn, số liệu của nền tảng Ctrip cho thấy, lượng khách Trung Quốc đặt vé máy bay và khách sạn đến Việt Nam tăng lần lượt 24 lần và 23 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Ý kiến các chuyên gia du lịch được trang YNET.com đăng tải cho biết, với những tài nguyên du lịch rất phong phú về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên, cũng như giá cả tiêu dùng hợp lý, ổn định; Việt Nam được kỳ vọng là điểm đến được ưa chuộng nhất của du khách Trung Quốc, bên cạnh Thái Lan.
Hiện nay, phần lớn các hãng lữ hành Trung Quốc đua nhau khai thác thị trường khách đoàn đến Việt Nam. Tới đây, các sản phẩm du lịch đến Việt Nam sẽ ngày càng nhiều, ngành du lịch Quảng Tây, địa phương giáp với Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi.
Hãng lữ hành quốc tế Nam Ninh ở Quảng Tây cho biết, ngay sau khi biết tin Việt Nam thuộc các quốc gia sẽ được mở cửa du lịch theo đoàn, hãng này đã chuẩn bị sẵn các sản phẩm du lịch đến Việt Nam, mở bán các tour Việt Nam trên các nền tảng.
Ông Hoàng Hồng, Phó Tổng Giám đốc Hãng lữ hành quốc tế Nam Ninh, cho biết, hiện nay, phần lớn các hãng lữ hành Trung Quốc đua nhau khai thác thị trường khách đoàn đến Việt Nam. Tới đây, các sản phẩm du lịch đến Việt Nam sẽ ngày càng nhiều, ngành du lịch Quảng Tây, địa phương giáp với Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi.
Dự báo, kể từ tháng 3, ngành hàng không chuẩn bị bước vào mùa bay mới, với việc tăng thêm nhiều đường bay quốc tế, khiến giá vé máy bay giảm đáng kể, đến thời điểm kỳ nghỉ Quốc tế lao động 1/5 và mùa hè năm nay, thị trường du lịch quốc tế ở Trung Quốc sẽ bước vào thời điểm tăng trưởng mạnh nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết