Công nghiệp, nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao
Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đã ước đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, tỉnh đã có 2 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp. Phát biểu tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, Giám đốc Sở Công thương Hoàng Anh Cương cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao so với thời điểm năm trước. Điều đó đã cho thấy tính hiệu quả và nỗ lực của tỉnh khi triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
Thành phố Tuyên Quang trên đà phát triển. Ảnh: Việt Hòa.
Mặc dù hai năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có sự bứt phá. Ngoài việc tạo điều kiện để các nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô lớn duy trì sản xuất hiệu quả, ổn định, tỉnh đã tạo cơ chế, chính sách tạo điều kiện để nhà máy Woodsland Chiêm Hóa chạy thử và đi vào hoạt động chính thức, thúc đẩy dây chuyền thứ 2 của nhà máy sản xuất FeroMangan Chiêm Hóa vào sản xuất; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt Nhà máy quặng vê viên… UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra cơ sở, tháo gỡ khó khăn phát sinh tại các doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất bền vững, luôn duy trì mức độ tăng trưởng.
Cùng với sự bứt phá của công nghiệp, nông, lâm nghiệp của tỉnh cũng có nhiều bước phát triển khá mạnh mẽ. Với diện tích đất nông nghiệp chiếm 92,5% trong tổng diện tích tự nhiên, Tuyên Quang đã khai thác hiệu quả tiềm năng và điều kiện sẵn có để phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản. Nông, lâm nghiệp, thủy sản đang chuyển dịch sang sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tỉnh luôn chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh nông sản Tuyên Quang. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 128 sản phẩm OCOP. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh hàng hóa tập trung như vùng cam với 8.240 ha, vùng bưởi với diện tích 5.270 ha, vùng chè với diện tích trên 8.370 ha, đứng thứ tư trong khu vực miền núi phía Bắc, vùng rau, củ, quả với diện tích trên 7 nghìn ha… Phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung trang trại, gia trại đã hình thành theo từng vùng. Tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại chiếm 42% tổng sản phẩm chăn nuôi.
Nhiều mô hình trồng cây ăn quả ở thôn Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân cải thiện cuộc sống.
Kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển nhanh và vững chắc và trở thành điểm sáng của cả nước. Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh trồng rừng tập trung trên 56 nghìn ha (bình quân trên 11.000 ha/năm), đứng thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc; khai thác gỗ rừng trồng đạt 4.228.000 m3 (bình quân khai thác 845.000 m3/năm), đứng thứ nhất các tỉnh miền núi phía Bắc, đứng thứ 5 so với cả nước.
Hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, hiện đại
Xác định giao thông là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội nên những năm gần đây, bằng việc tập trung tối đa huy động mọi nguồn lực hợp pháp, Tuyên Quang đang ưu tiên xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, hiện đại. Đến nay, đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang triển khai thi công xây dựng. Đường cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dự kiến sẽ khởi công trong quý IV - 2022. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh đã được Chính phủ cân đối, bố trí vốn để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh đang được triển khai đầu tư xây dựng như: Dự án cải tạo, nâng cấp QL2C đoạn Km217+150 - Km247+100 đoạn từ xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) đi thị trấn Na Hang (Na Hang), tuyến đường ĐT185 đoạn Thiện kế - Hợp Hòa (Sơn Dương), đoạn cầu Ba Đạo đi qua Hang Khào bến Thủy (Na Hang), đoạn xã Lăng Can - Phúc Yên (Lâm Bình)…
Tuyến đường ĐT188 từ huyện Chiêm Hóa đi huyện Lâm Bình được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện.
Tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng các trục đường kết nối quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch như dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn, Km14 QL2 Tuyên Quang - Hà Giang, đường từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đi Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến QL2D và đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Các tuyến đường huyện, đường đô thị, đường trục phát triển, đường kết nối vùng và đường đến các khu, điểm công nghiệp, du lịch đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Tuyên Quang cũng quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư xây dựng các công trình cầu lớn nhằm kết nối giao thương, liên kết tỉnh, vùng. Các công trình cầu lớn đang được triển khai xây dựng như cầu qua sông Lô Km71 đường Tuyên Quang - Hà Giang đi Bạch Xa (Hàm Yên), cầu Xuân Vân vượt sông Gâm, cầu Trắng 2 qua sông Phó Đáy…
Tỉnh đang phấn đấu hoàn thành nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã vào cuối năm nay. Đồng thời đầu tư xây dựng trên 70% đường trục chính qua trung tâm xã, qua các khu đông dân cư có điều kiện xây dựng theo hướng đường đô thị. Chính phủ cũng đã phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái trong phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hạ tầng giao thông từ đô thị đến nông thôn được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại đang tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội, du lịch, thu hút đầu tư của tỉnh phát triển.
Sản xuất phôi thép tại nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang.
Điểm đến hấp dẫn
Tuyên Quang không chỉ hấp dẫn bởi giàu giá trị lịch sử, đa dạng về bản sắc văn hóa, có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, mà còn là điểm đến hấp dẫn đầu tư. Tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo mặt bằng triển khai dự án, nhằm tạo không gian, môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư. Tuyên Quang xác định thu hút vào các lĩnh vực cụ thể như xây dựng khu đô thị, khu dân cư, công nghiệp, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, bến xe, bến cảng, bến thủy nội địa; dịch vụ thương mại, du lịch, lĩnh vực thể thao, sản xuất nông nghiệp và y tế, giáo dục, môi trường. Đặc biệt, đến nay tỉnh đã xây dựng hàng loạt các chính sách mang tầm nhìn chiến lược phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Trong đó, xác định lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao để thu hút đầu tư. Ngoài những biện pháp như quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, theo hướng gọn nhẹ cho các nhà đầu tư, tỉnh đang tập trung hoàn thành một số dự án, công trình động lực, trọng điểm.
Một góc thành phố Tuyên Quang hôm nay. Ảnh: Quốc Việt
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư trên 29.201 tỷ đồng, bằng 58,4% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều nhà đầu tư lớn đã chọn Tuyên Quang là mảnh đất tiềm năng, tin cậy để đầu tư như: Tập đoàn Vingroup, Dabaco, Mường Thanh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Woodsland... và nhiều dự án FDI đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Australia, Samoa với tổng số vốn đăng ký 210 triệu USD (tương đương gần 5.000 tỷ đồng).
Những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội của Tuyên Quang đã cho thấy nơi đây đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, sức sáng tạo, truyền thống cách mạng để dựng xây quê hương đẹp giàu, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết