Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Chiều 24/6, với 459/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 94,25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo quyết nghị của Quốc hội, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 là 2.713.787 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2021 chuyển sang năm 2022, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2021, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.897.466 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023.
Bội chi ngân sách nhà nước là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 488.406 tỷ đồng.
Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm
Về lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Nhờ đó, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, lạm phát được kiểm soát; quản lý thu, chi ngân sách nhà nước được tăng cường, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán cao, tăng 28,8% so với dự toán, chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư; các chỉ tiêu nợ công giảm tỷ trọng so với GDP và trong giới hạn cho phép; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên.
Bên cạnh kết quả đạt được, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hiện các quy định pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội về lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước.
Thu, chi ngân sách nhà nước lập dự toán không sát thực tế; một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ, giao dự toán chậm, một số khoản chi sự nghiệp và giải ngân vốn đầu tư còn chậm; chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cả quy mô và tỷ trọng; còn nhiều khoản tạm ứng quá hạn, ứng trước dự toán chưa thu hồi.
Nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục lập, xét duyệt, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời gian quy định. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước sau thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước chưa được khắc phục.
Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, còn tồn đọng nhiều kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm. Tại một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán còn nợ thuế, tính thiếu thuế phải nộp và chi không đúng quy định, sai mục đích sử dụng nguồn kinh phí.
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước
Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách nhà nước thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước.
Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội thông qua với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lập, chấp hành dự toán; lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 chậm so với thời gian quy định.
Chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Tiếp tục chú trọng công tác dự báo, lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước sát đúng thực tế. Lập dự toán chi ngân sách nhà nước bảo đảm phù hợp với yêu cầu và khả năng thực hiện để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường, có các giải pháp quản lý, sử dụng chặt chẽ số tăng thu ngân sách nhà nước gắn với điều hành và xây dựng kế hoạch huy động vốn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và vay, trả nợ bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước. Trong năm 2024, tiếp tục rà soát, hủy bỏ, thu hồi triệt để về ngân sách nhà nước các khoản chi ngân sách nhà nước, chi ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương năm 2023 và năm 2022 trở về trước quản lý, sử dụng không đúng quy định, đã hủy dự toán, không có nhu cầu sử dụng hoặc hết thời gian giải ngân để giảm bội chi ngân sách trung ương.
Đồng thời, không chuyển nguồn sang năm 2024 các khoản chi ngân sách nhà nước, chi ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương quản lý, sử dụng không đúng quy định, đã hủy dự toán, không có nhu cầu sử dụng hoặc hết thời gian giải ngân, phải thu hồi về ngân sách trung ương.
Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô; quản lý chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn vay bù đắp bội chi và trả nợ gốc của ngân sách nhà nước; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong lập dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, không gây thất thoát, lãng phí.
Gửi phản hồi
In bài viết