Dây chuyền sợi xuất khẩu tại Công ty TNHH dệt Phú Thọ. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Trước diễn biến của dịch COVID-19, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 (Nghị quyết 01) đã đề ra các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành trong năm 2021.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu trường hợp dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý 1 này, ước tính GDP quý này tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu trong Nghị quyết 01. Với mức suy giảm này, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng các quý sau theo Nghị quyết 01, tăng trưởng cả năm nay ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (6%), nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (6,5%).
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng ngay lúc này cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, qua đó phấn đấu đạt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn 2021-2025.
Trong báo cáo trình Chính phủ tháng Một vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất ưu tiên tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế; khẩn trương sàng lọc, truy vết trên diện rộng và thực hiện nghiêm việc cách ly, khoanh vùng, không để dịch lây lan rộng; đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động công khai thông tin chính xác, kịp thời, bảo đảm ổn định tâm lý, niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng lòng, chung tay chống dịch của chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị…
Cùng với đó, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Cụ thể, ngành tài chính, ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, nhất là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác.
Bên cạnh đó, dành nguồn lực cho các hoạt động chống dịch và đầu tư phát triển; duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngoài ra, đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải. Đồng thời, theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động phân tích, dự báo và xây dựng các kịch bản, biện pháp ứng phó hiệu quả trước những biến động và vấn đề phát sinh.
Ngoài việc chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động, Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, triển khai các chính sách kích thích tiêu dùng trong nước; nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tạo đầu ra bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất.
Bộ Công Thương cần hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc.
Sản xuất linh kiện tai nghe tại Công ty JEP thuộc Khu công nghiệp Kim Động, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Cùng đó, thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật; tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp phát sinh từ cơ chế, chính sách để giải phóng các nguồn lực cho phát triển.
Đặc biệt, các địa phương chuẩn bị thủ tục phê duyệt Quyết định đầu tư, dự toán, thiết kế… của các dự án, công trình lớn, trọng yếu, có tác động lan tỏa, đặc biệt là hạ tầng giao thông và năng lượng; tạo điều kiện để có thể triển khai ngay sau khi kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua.
Đối với việc quản lý, giải ngân và sử dụng vốn ODA cần đổi mới và xác định thứ tự ưu tiên các dự án gắn liền với bảo đảm nguồn vốn đối ứng; đẩy mạnh các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư để khơi thông vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đặc biệt cho các dự án hạ tầng giao thông; khẩn trương thực hiện việc lập, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm gắn kết chặt chẽ quy hoạch phát triển giữa các ngành và giữa ngành với quy hoạch tổng thể.
Các địa phương chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Đồng thời, chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn; phổ biến thông tin về các Hiệp định, cách thức, điều kiện tận dụng ưu đãi; tăng cường các biện pháp phòng vệ, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại…/.
Gửi phản hồi
In bài viết